Chuyện phóng viên Mỹ gốc Việt chọn trở về quê hương đúng ngày Báo chí cách mạng

Từ góc nhìn từng đầy hoài nghi, nhà báo Trường Nguyễn đã chọn gắn bó với quê hương và góp phần lan tỏa tinh thần hòa hợp, đoàn kết dân tộc.

“Tôi quyết định rời Mỹ để trở về Việt Nam vào Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6/2013. Kể từ đó đến nay, tôi cảm thấy công việc và đời sống của mình đã hòa nhập làm một. Với tôi, trở về Việt Nam là trở về với những gì gần gũi, thân thương nhất” - đó là những lời chia sẻ của một nhà báo người Mỹ gốc Việt, người từng có cái nhìn hoài nghi về đất nước cho đến quyết định trở về định cư, tìm cuộc sống bình yên và cảm hứng cho nghề nghiệp trên chính quê hương mình.

Trường Nguyễn - Nhà báo người Mỹ gốc Việt.

Trường Nguyễn - Nhà báo người Mỹ gốc Việt.

Trở về sau 25 năm xa quê hương

Quyết định trở về không chỉ là sự lựa chọn cá nhân, mà còn là hành trình hòa giải với chính quá khứ, vượt qua định kiến để chung tay vào dòng chảy hòa hợp dân tộc.

Có lẽ, truyền thông trong nước và hải ngoại không còn quá xa lạ với cái tên Etcetera Nguyễn Quang Trường (hay Trường Nguyễn). Ông sinh năm 1968, trong một gia đình theo Công giáo gốc Nam Định, di cư vào miền Nam từ năm 1954.

Năm 1988, trong bối cảnh nhiều biến động, ông cùng gia đình vượt biên tới Mỹ. Giữa những ngày đầu nơi xứ người, Trường Nguyễn cùng một số bạn bè thành lập tuần báo Viet Weekly, làm kênh thông tin phục vụ cộng đồng người Việt tại California.

Suốt những năm tháng đầu, những hiểu biết về quê hương trong ông phần nhiều qua lăng kính thiên lệch, đầy nghi hoặc, chịu ảnh hưởng từ môi trường hải ngoại thời kỳ ấy.

Sau 25 năm xa xứ, nhà báo người Mỹ gốc Việt Trường Nguyễn quyết định trở về, mang trong mình khát khao kết nối cộng đồng kiều bào với quê hương.

Quyết định trở về của Trường Nguyễn không chỉ là sự lựa chọn cá nhân, mà còn là hành trình hòa giải với chính quá khứ, chung tay vào dòng chảy hòa hợp dân tộc.

Quyết định trở về của Trường Nguyễn không chỉ là sự lựa chọn cá nhân, mà còn là hành trình hòa giải với chính quá khứ, chung tay vào dòng chảy hòa hợp dân tộc.

Những bước chân tìm lại quê hương

Năm 2006, khi Việt Nam tổ chức Diễn đàn APEC, Trường Nguyễn lần đầu tiên trở lại quê hương sau 16 năm. Chuyến đi ngắn nhưng đã làm lay động những mảnh ký ức cũ. Việt Nam trong mắt ông giờ đây không còn là hình ảnh u ám như tưởng tượng, mà là một đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ.

Nhận thấy quê hương còn nhiều điều cần khám phá, năm 2007, ông và cộng sự tổ chức chuyến đi xuyên Việt từ Bắc vào Nam, có cuộc phỏng vấn lịch sử với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

“Chúng tôi đã nêu rất nhiều những vấn đề mà cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài quan tâm đối với Việt Nam, trong đó có những câu chuyện liên quan tới chính sách, về chính trị. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thẳng thắn trả lời.

Khi bài báo được đăng trên tuần báo Viet Weekly, một cuộc tranh luận lớn nổ ra. Chúng tôi bị chống đối, biểu tình trước tòa soạn. Nhưng chúng tôi là những người làm báo, đi tìm câu trả lời cho mình và khán giả của mình bằng cách là chúng tôi vẫn tiếp tục tiếp cận với Việt Nam”, ông nhớ lại.

Bài báo gây tiếng vang nhưng cũng mang lại sóng gió. Các đảng phái cực đoan biểu tình trước trụ sở Viet Weekly, chỉ trích gay gắt ông và cộng sự. Nhưng thay vì lùi bước, Trường Nguyễn chọn tiếp tục tiếp cận Việt Nam, tiếp tục đối thoại để tìm kiếm những góc nhìn khách quan hơn.

Chính trong thời điểm ấy, ông nhận ra rằng yêu quê hương không phải là cực đoan, không phải là chia rẽ, mà là dám đối thoại, dám thấu hiểu, và dám gắn bó.

“Từ năm 2012 trở đi, tôi cảm thấy hình như cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại vẫn còn thiếu nhiều thông tin, cần nhiều cái nhìn khách quan, chân thực hơn từ những nhà báo như chúng tôi. Chính vì vậy, đến năm 2013, Viet Weekly chính thức cử tôi về Việt Nam”, ông chia sẻ lý do quyết định trở về quê hương.

Cùng với đó, nhà báo Nguyễn Quang Trường đã lập kênh Youtube “Vietnam today” để kết hợp công việc làm báo và tìm hiểu văn hóa lịch sử các vùng miền của mình. Với tôn chỉ “Nhịp sống muôn màu”, kênh Vietnam today đã đưa bước chân Nguyễn Quang Trường tới khắp nẻo đường đất nước. Từ hải đảo đến đồng bằng, từ miền xuôi đến vùng núi cao, nơi đâu ông đến cũng mang lại một giá trị gắn kết tình nhân ái với những Việt kiều xa quê có thiện chí cùng chung tay đóng góp ý kiến, tiền của vào những việc làm nhân văn và ý nghĩa.

Trường Sa Studio của nhà báo Trường Nguyễn đã trở thành nơi truyền cảm hứng về lòng yêu nước, chủ quyền biển đảo cho cán bạn trẻ.

Trường Sa Studio của nhà báo Trường Nguyễn đã trở thành nơi truyền cảm hứng về lòng yêu nước, chủ quyền biển đảo cho cán bạn trẻ.

Mang Trường Sa về giữa lòng đất liền

Năm 2012, Bộ Ngoại giao Việt Nam lần đầu tiên tổ chức chuyến thăm Trường Sa dành cho kiều bào.Trường Nguyễn tham gia với tư cách nhà báo và chuyến đi này đã thay đổi sâu sắc cái nhìn của ông.

10 ngày lênh đênh giữa đại dương, được đặt chân lên từng hòn đảo, lắng nghe câu chuyện của quân và dân Trường Sa, chứng kiến ý chí bám trụ kiên cường, ông hiểu rằng: yêu nước không phải là khẩu hiệu, mà là sự hy sinh, là tình yêu thương không điều kiện với mảnh đất quê hương.

"Từ năm 2012 trở đi, tôi cảm thấy cộng đồng người Việt hải ngoại vẫn còn thiếu nhiều thông tin trung thực. Tôi quyết định cống hiến phần đời còn lại để làm nhịp cầu nối", ông chia sẻ.

Sau chuyến đi ấy, ông quay lại Trường Sa thêm 5 lần (2014, 2015, 2019, 2023), và cả chuyến đi thực địa tới vùng biển Hoàng Sa cùng phóng viên quốc tế năm 2014.

Trường Nguyễn và vợ đã mang không gian Trường Sa về giữa lòng đất liền.

Trường Nguyễn và vợ đã mang không gian Trường Sa về giữa lòng đất liền.

Mỗi lần trở về, hàng loạt bài báo, video clip, ký sự, phóng sự... lại được gửi tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài, xóa tan những hoài nghi, thổi bùng tinh thần đoàn kết dân tộc.

Tình yêu biển đảo không chỉ lớn lên trong ông, mà còn là ngọn lửa âm thầm thắp sáng niềm tin về một nước Việt Nam đoàn kết, trường tồn.

Không chỉ giữ Trường Sa trong trái tim, Trường Nguyễn còn mang Trường Sa về giữa lòng đất liền.

Tại Yên Bái – nơi ông cùng vợ an cư – trong khu vườn nhỏ mang tên Trường Sa Studio, một mô hình cột mốc Trường Sa được dựng lên giữa sắc xanh cây cối.

Một cây bàng vuông nhỏ đang lớn. Những tấm biển gỗ ghi tên các hòn đảo Trường Sa, Hoàng Sa – Sinh Tồn, Cô Lin, Sơn Ca, Song Tử Tây… – lặng lẽ kể câu chuyện về chủ quyền biển đảo Việt Nam.

“Cuộc đời anh Trường đã gắn liền với Trường Sa. Tôi muốn dựng cột mốc ấy như một dấu ấn của hành trình ấy”, bà Lê Nữ Quỳnh, vợ ông, chia sẻ.

Trường Sa Studio trở thành điểm đến của bạn bè, học sinh, khách du lịch, nơi họ không chỉ tham quan mà còn học hỏi, tìm hiểu về biển đảo quê hương.

Ở đó, giữa mảnh vườn nhỏ, những câu chuyện về biển đảo, về tình yêu đất nước, vẫn tiếp tục được gieo mầm qua từng thế hệ.

Giữa mảnh vườn nhỏ, những câu chuyện về biển đảo, về tình yêu đất nước, vẫn tiếp tục được gieo mầm qua từng thế hệ thông qua Trường Sa Studio.

Giữa mảnh vườn nhỏ, những câu chuyện về biển đảo, về tình yêu đất nước, vẫn tiếp tục được gieo mầm qua từng thế hệ thông qua Trường Sa Studio.

Quê hương chỉ có một...!

Những ngày này, đến với Trường Sa Studio của Vợ chồng Trường Nguyễn, chúng ta sẽ bắt gặp sắc đỏ nhuộm kín không gian. Các buổi workshop trang trí, vẽ bản đồ Việt Nam lên nón lá... dành cho các bạn học sinh.

Ở đó, chúng ta cũng cảm nhận được thanh bình có lẫn trong xúc cảm tự hào, của một người con đất Việt đã đi xa nửa vòng trái đất, giờ đây trở về nắn nón lên những nét yêu thương.

Sau 12 năm trở về, có lẽ với Trường Nguyễn lựa chọn ngày ấy là hoàn toàn đúng đắn. Ban đầu, những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, nhịp sống từng khiến ông bỡ ngỡ. Nhưng với tình yêu quê hương sâu sắc, ông từng bước hòa nhập, học hỏi, chấp nhận sự thay đổi.

"Càng ngày tôi càng nhận ra: Trở về quê hương, điều quan trọng nhất là phải cởi mở, phải tin tưởng, phải yêu bằng trái tim chân thành", ông chia sẻ.

Hành trình của ông cũng chính là lời nhắn gửi tới hàng triệu người Việt xa xứ: Khác biệt là một phần của cuộc sống, nhưng tình yêu đất nước là sợi chỉ đỏ nối mọi trái tim Việt Nam lại gần nhau hơn.

Cẩm Lai

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/chuyen-phong-vien-my-goc-viet-chon-tro-ve-que-huong-dung-ngay-bao-chi-cach-mang-ar940319.html
Zalo