Lời người bên sông Còn mãi...

Gần 50 năm qua, năm nào cựu chiến binh Lê Bá Dương cũng trở về bên dòng Thạch Hãn (Quảng Trị) thả bè hoa tưởng nhớ đồng đội. Ông là tác giả của bài thơ 'Lời người bên sông' được khắc trên bia đá tại bến thả hoa đăng hai bên bờ Thạch Hãn.

Dũng sĩ tuổi 15

Cuộc trò chuyện giữa tôi và cựu chiến binh Lê Bá Dương bắt đầu bằng những câu chuyện về quê hương khi ông biết tôi là người Nghệ An, đồng hương với ông.

 Cựu chiến binh Lê Bá Dương kể cho phóng viên nghe kỷ niệm ở chiến trường

Cựu chiến binh Lê Bá Dương kể cho phóng viên nghe kỷ niệm ở chiến trường

Từ mảnh đất thân thương ấy, năm 1968, chàng thiếu niên 15 tuổi đầy nhiệt huyết Lê Bá Dương đã dũng cảm sửa lý lịch để tăng tuổi, quyết tâm nhập ngũ để được chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chỉ sau 49 ngày nhập ngũ, Lê Bá Dương bước vào trận đánh đầu tiên trên đất Quảng Trị.

Sau đó, ông tham gia nhiều trận đánh ác liệt khác, để lại những chiến công vang dội trên chiến trường dọc Đường 9 Quảng Trị. “Có một lần trốn viện, đi bộ gần nửa ngày về đến đơn vị, thấy mọi người chuẩn bị chiến đấu, tôi cũng vội tham gia cùng. Trận đó, tôi bị thương tiếp. Khi trở lại trạm xá điều trị, bác sĩ nhìn vết thương mới thắc mắc: Hôm qua đã xử lý hết rồi mà sao vẫn có vết thương chưa được băng? Lúc đó, tôi thú nhận mình đã tự trốn về đơn vị”, ông Dương kể.

Năm 19 tuổi, Lê Bá Dương được giao chỉ huy cấp đại đội trong chiến dịch giải phóng và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè đỏ lửa 1972. Trong quãng thời gian ấy, ông ghi dấu bằng hàng loạt danh hiệu: “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Dũng sĩ diệt cơ giới”, “Dũng sĩ diệt máy bay”.

Những chiến công lẫy lừng của người lính Lê Bá Dương không chỉ trở thành niềm tự hào, động lực cổ vũ toàn quân mà còn khơi dậy phong trào “Xung kích như Lê Bá Dương, chốt chặt như Lê Bá Dương” trên mặt trận B5 Đường 9, Quảng Trị.

Bài thơ khắc trên bia đá

Lê Bá Dương chia sẻ về thời điểm sáng tác bài Đò lên Thạch Hãn (tên cũ của bài thơ Lời người bên sông). Đó là vào buổi chiều 27/7/1987, sau lễ hương hoa cho đồng đội, cựu chiến binh Lê Bá Dương ngồi lặng lẽ bên dòng Thạch Hãn, chợt thấy mấy chiếc thuyền khua nước ngược dòng lên chợ Quảng Trị. “Nhìn những mái chèo khuấy tung bọt nước, tôi chạnh lòng khi nghĩ đến bạn bè, đồng đội vẫn còn gửi thân xác vào đáy sông mà xót xa. Những lời thơ cứ thế thốt ra từ lồng ngực: Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/Tan chợ chiều xuôi đò có vội/Xin, xin đừng khuấy đục dòng trong. Người cựu chiến binh xúc động kể.

 Chiến sĩ Lê Bá Dương (phải) và đồng đội khác chụp ngay trước trận đánh đồi Thám Báo 1971 Ảnh: NVCC

Chiến sĩ Lê Bá Dương (phải) và đồng đội khác chụp ngay trước trận đánh đồi Thám Báo 1971 Ảnh: NVCC

Ba năm sau, trong một lần gặp gỡ, khi nghe bài thơ Đò lên Thạch Hãn, nhà văn Đỗ Kim Cuông khen bài thơ hay nhưng xót xa quá. Nhận lời góp ý, Lê Bá Dương sửa từ “xin” trong câu thứ nhất thành từ “ơi”. So với từ “xin” thì từ “ơi” trong “ơi đò”, “bớ đò” hoặc “đò ơi” nghe có tiếng vọng và khắc khoải hơn. Bài thơ còn được viết lại 2 câu thơ cuối và đặt tên mới là Lời người bên sông: “Đò lên Thạch Hãn, ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó, bạn tôi nằm/Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

Ông Lê Bá Dương cũng cảm thấy tự hào khi bài thơ của mình được lựa chọn để khắc lên bia đá tại bến thả hoa ở hai bờ của sông Thạch Hãn. Ấy vậy nhưng bài thơ cũng có một số phận “long đong”. Ngày khánh thành công trình bờ Nam (ngày 27/7/2009), trên tấm bia đá có bài thơ mà không hề ghi tên tác giả. Câu đầu bài thơ thay từ “ơi” bằng từ “xin” và câu thơ “Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm” được đổi thành “Vỗ yên bờ, bãi mãi ngàn năm”.

Trong khi đó, ở bờ Bắc sông Thạch Hãn, trước khi khánh thành công trình, một lãnh đạo địa phương gọi điện thoại cho ông Dương đề nghị chỉ nhắc tên tác giả khi đọc bài thơ, còn chữ khắc trên bia đá thì gỡ đi với lý do, trước bia đá có lư hương, khi dân thắp hương mà có tên Lê Bá Dương thì không phù hợp.

Sáng 27/7/2010, khi tham dự lễ khánh thành, Lê Bá Dương thấy chỗ khắc tên mình bị đục nham nhở, sau này vết đục đó được khắc thành bông hoa sen.

“Đến năm 2018, câu chuyện về việc đục tên tôi dưới bài thơ vẫn cứ ồn ào, nhiều người vì bênh tôi mà nặng lời với người khác, tệ hơn là có những đối tượng xấu lợi dụng câu chuyện này để xuyên tạc. Tôi buộc lòng phải tập hợp tất cả những tài liệu xuyên tạc đem ra Quảng Trị trao đổi với lãnh đạo địa phương”, ông Dương chia sẻ.

Từ đó, bài thơ trên bia đá ở cả hai bờ Bắc và Nam sông Thạch Hãn đã được sửa lại đúng nội dung và ghi đầy đủ tên tác giả.

Hành trình tri ân

Cựu chiến binh Lê Bá Dương chia sẻ, tính đến nay, ông đã có 49 năm đều đặn “vác ba lô” trở về Quảng Trị để thắp hương tưởng nhớ đồng đội. Bắt đầu từ tháng 7/1976, kỳ nghỉ phép đầu tiên trong đời lính, ông dành để trở lại chiến trường xưa, tìm đến những nơi mà ông từng chôn cất đồng đội chỉ để đốt điếu thuốc hút chung, đặt lên gò đất cành hoa dại. Những cành hoa dại ấy còn được ông cắm lên những chiếc bè nhỏ kết bằng cỏ sậy rồi thả xuống dòng sông Thạch Hãn.

 Thí sinh dự thi Hoa hậu Việt Nam 2024 thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn Ảnh: Hồng Vĩnh

Thí sinh dự thi Hoa hậu Việt Nam 2024 thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn Ảnh: Hồng Vĩnh

Hành trình này được ông Dương thực hiện lặng lẽ vào mỗi dịp nghỉ phép của những năm sau đó.

Mãi đến năm 1987, việc thả hoa đăng xuống dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ vong linh các liệt sỹ mới được chính quyền và người dân Quảng Trị biết đến.

Kể từ đó, lễ thả hoa đăng trở thành một phong tục tâm linh không thể thiếu trong những ngày lễ lớn bên bờ sông Thạch Hãn.

“Tôi muốn đồng đội của mình dẫu tan hòa vào đất, vào nước, vẫn luôn hiện hữu trong những ngày vui của đất nước, được sưởi ấm bằng tình thân và tình đồng đội, được ấp ôm bởi đất, nước và ngữ thanh của quê hương, nơi họ đã được sinh ra”.

Ông Lê Bá Dương

Cựu chiến binh Lê Bá Dương chia sẻ, những năm tháng chiến đấu tại Quảng Trị, hình ảnh và chiến công của ông cũng đã xuất hiện trên báo Tiền Phong qua những tác phẩm như “Tổ chiến đấu Lê Bá Dương”, “Từ chiến trường Bắc Quảng Trị” xuất bản năm 1970. Sau này, khi trở về ông có duyên gặp lại những tác phẩm viết về mình và lưu giữ mãi đến bây giờ như một kỷ niệm quý giá.

Thanh Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/loi-nguoi-ben-song-con-mai-post1736812.tpo
Zalo