'Có cơ chế đột phá, đề tài khoa học không còn lo cất trong ngăn kéo'

Theo PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, khi có cơ chế đặc biệt, nhà khoa học sẽ dấn thân nghiên cứu đề tài có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trao đổi với PV VietNamNet, PGS.TS. Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng, Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới, vượt trội, giúp các nhà khoa học yên tâm cống hiến cho đất nước.

Chính sách vượt trội về việc đầu tư cơ sở vật chất, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học

Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua sẽ tạo bước đột phá trong nghiên cứu khoa học, công nghệ thế nào, thưa bà?

Muốn đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, không còn cách nào khác là phải dựa vào khoa học, công nghệ. Không quốc gia nào chỉ dựa vào ‘con trâu, cái cày’ mà phát triển thịnh vượng được. Đặc biệt, trong kỷ nguyên hiện nay, chúng ta phải tập trung nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ thì đất nước mới có bước phát triển đột phá.

PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội. Ảnh: Dương Hà

PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội. Ảnh: Dương Hà

Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới, cơ chế, chính sách vượt trội về việc đầu tư cơ sở vật chất, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học…

Việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học là thay đổi tư duy quản lý mang tính chiến lược, để cho người làm khoa học sẵn sàng dấn thân nghiên cứu những đề tài mới, tạo nền tảng cho sự sáng tạo, đổi mới. Trước đây, chúng ta quản lý những người làm khoa học theo hướng ‘đi trên đoạn đường mấp mô, không đèn, nhưng không chấp nhận đi chệch hướng hoặc bị vấp ngã’.

Trước đây, thế hệ chúng tôi nhiều khi viết đề cương cũng phải cam kết đề tài sẽ thành công, nghiên cứu phải xuất sắc. Nhưng thực tế làm gì có đề tài nào cũng chắc thắng 100%. Do vậy, dẫn đến chuyện lấy ý tưởng từ chỗ này, chỗ kia để làm đẹp đề tài.

Đề tài nghiên cứu xong nhưng lại ‘cất trong ngăn kéo’ là thực tế ở nhiều trường đại học, viện nghiên cứu. Theo bà, với cơ chế đột phá trong nghị quyết có khắc phục được tình trạng này?

Trước đây, có hiện tượng làm nghiên cứu cho có, không làm thật, đầu tư cũng không đến nơi đến chốn. Nhiều đề tài cũng không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn. Do vậy mới có hiện tượng nghiên cứu xong, đề tài cất trong ngăn kéo, không phát huy giá trị.

Việc Nhà nước chấp nhận rủi ro, khiến nhà khoa học thoải mái nghiên cứu những đề tài có khả năng ứng dụng cao. Như vậy sẽ khắc phục được tình trạng đề tài cất ngăn kéo.

Ngoài ra, việc cho phép tổ chức khoa học công nghệ công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập được thành lập hoặc tham gia thành lập, góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu là động lực lớn để các đề tài nghiên cứu mang tính thực tiễn cao.

 Trong kỷ nguyên hiện nay, phải tập trung nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ thì đất nước mới có bước phát triển đột phá. Ảnh minh họa

Trong kỷ nguyên hiện nay, phải tập trung nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ thì đất nước mới có bước phát triển đột phá. Ảnh minh họa

Sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước vào sự phát triển đột phá của khoa học, công nghệ

Điều trăn trở, băn khoăn lớn nhất trước đây của những nhà nghiên cứu khoa học, công nghệ là gì?

Những nhà khoa học như chúng tôi, ai cũng muốn tìm tòi đề tài mới để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Nhưng với những đề tài mới, khó thì nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong điều kiện đất nước trước đây còn khó khăn, tiêu chí đầu tư đề tài cũng ‘cào bằng’ nên làm gì cũng khó.

Nhiều người nghĩ ra sáng kiến mới nhưng ngại thực hiện vì lo lắng nếu làm không thành công thì lấy đâu tiền để đền bù. Đặc biệt, người làm khoa học có giỏi đến mấy cũng rất ngại chuyện quyết toán tài chính…

Cán bộ nghiên cứu khoa học phải có sự đam mê, say sưa với việc nghiên cứu. Nhưng không chỉ riêng tôi, mà nhiều người trước đây luôn cảm thấy nản vì làm gì cũng khó quá. Đấu thầu trúng đề tài đã khó, nhưng nghĩ cách triển khai đề tài thế nào, rồi nghiên cứu xong thì đưa đề tài ra ứng dụng thế nào cũng là việc khó.

Nhưng những rào cản trên đã được tháo gỡ trong Nghị quyết về thí điểm một số chính sách, cơ chế đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cùng với Nghị quyết 57, có thể nói đây là những chính sách tạo sự đột phá trong khoa học, công nghệ.

Việc chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ sẽ tăng lên tối thiểu 2% mỗi năm có ý nghĩa như thế nào, thưa bà?

Trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, việc ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học, công nghệ tăng lên tối thiểu 2% mỗi năm là sự cố gắng rất lớn. Điều đó, thể hiện sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước vào sự phát triển đột phá của khoa học, công nghệ là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải căn cứ nhu cầu phát triển của đất nước trong từng giai đoạn để lựa chọn đề tài nghiên cứu phù hợp đầu tư. Chỉ như vậy, các đề tài mới thực chất, mang tính ứng dụng cao.

Quang Phong

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/co-co-che-dot-pha-de-tai-khoa-hoc-khong-con-lo-cat-trong-ngan-keo-2373802.html
Zalo