Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Giúp thầy cô thực hiện quyền hạn của mình để tránh vi phạm
TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, Thông tư 29 không giới hạn quyền của thầy cô ở trường công lập, mà đang thực hiện các nhiệm vụ pháp luật liên quan để minh bạch hóa, giúp thầy cô dễ thực hiện hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình, tránh vi phạm các quy định không được phép.
Ngày 14.2, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ GD-ĐT ban hành chính thức có hiệu lực, thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16.5.2012.
Sau hơn 1 tuần Thông tư 29 có hiệu lực, vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận trên các diễn đàn. Để làm rõ những vấn đề này, Báo Đại biểu Nhân dân đã có trao đổi với TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT.
Vì sao Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29?
- Thưa TS Thái Văn Tài, hiện nay trong dư luận xã hội vẫn còn nhiều ý kiến tranh luận và hiểu khác nhau về Thông tư 29. Ông có thể chia sẻ rõ hơn vì sao Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29 và những điểm chính của Thông tư 29 là gì?
TS Thái Văn Tài: Trước hết, dạy thêm, học thêm là một nhu cầu có thật, được tồn tại song hành cùng với ngành giáo dục và có những giá trị góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Điều đặc biệt là vấn đề dạy thêm, học thêm ảnh hưởng, chịu sự tác động của nhiều đối tượng (học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo) và có những áp lực, mong muốn của xã hội đến việc học tập của học sinh.
Vì vậy, công tác quản lý dạy thêm, học thêm phải được coi trọng, với mục đích nâng cao chất lượng giáo dục và đảm bảo quyền lợi của các bên liên quan. Từ trước đến nay, chúng ta đã có sự quản lý và đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, quản lý hoạt động này.

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT (Ảnh: Duy Thông)
Vậy tại sao tới nay Bộ GD-ĐT lại ban hành Thông tư 29? Trước hết, Thông tư 29 không phải là Thông tư đầu tiên quản lý về vấn đề dạy thêm, học thêm và không phải là nội dung hoàn toàn mới. Thông tư 29 được xây dựng trong bối cảnh chúng ta đã thực hiện đổi mới chương trình GDPT. Chương trình GDPT 2018 có những hướng tiếp cận từ việc dạy nội dung, dạy kiến thức sang tiếp cận phẩm chất, năng lực của học sinh. Bên cạnh việc ban hành chương trình, chúng ta có đổi mới sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới phương pháp đánh giá với mong muốn người học đạt được các phẩm chất, năng lực.
Một trong những từ khóa quan trọng nhất là chuyển từ “dạy cái gì” sang “dạy cách như thế nào để đạt được cái đó”. Vị trí, vai trò của thầy cô giáo và của sách giáo khoa đã được thay đổi từ “người truyền thụ” sang “người dẫn dắt, hướng dẫn” để học sinh thực hiện được mục tiêu này. Trách nhiệm của các lực lượng xã hội, gia đình và chính các em là phải thực hiện một phần theo cách riêng của mình để đạt được yêu cầu cần đạt của chương trình.
Về vấn đề kiểm tra, đánh giá cũng có những thay đổi rất căn bản, song hành với việc ban hành chương trình mới. Trước đây, hình thức đánh giá thường chỉ là bài viết theo mẫu, nhưng trong 5 năm gần đây đã được bổ sung các hình thức như trắc nghiệm khách quan, dự án học tập, thuyết trình, vấn đáp,... từ đó giúp học sinh biểu đạt và thể hiện được tất cả năng lực của mình, giúp các em tự chủ, tự tin, tạo thói quen học tập và học tập suốt đời.
Thông tư 29 trước khi ban hành đã có sự chuẩn bị, cùng với căn cứ pháp lý quan trọng được bổ sung là Luật Giáo dục và các văn bản pháp lý liên quan quy định trách nhiệm, quyền hạn của các đối tượng phải chịu trách nhiệm đồng hành để quản lý các hoạt động xã hội, trong đó có hoạt động dạy thêm, học thêm.
Thông tư 29 có những quy định về đối tượng tham gia, giám sát, quản lý. Trước đây, Thông tư 17 chưa có quy định cho các lực lượng xã hội như UBND các cấp (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), nhưng nay đã bổ sung. Lý do bởi dạy thêm, học thêm là hoạt động cần được giám sát cộng đồng, ngay chính trên địa bàn để công khai các điều kiện đảm bảo, công khai về chương trình, nhân sự và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật. Chúng ta phải minh bạch trong tất cả nội dung về đối tượng, không gian, thời gian, chịu trách nhiệm quản lý trong trường và ngoài trường.
Mọi thông tin quy định trong Thông tư 29 được minh bạch hơn, rõ ràng hơn để các lực lượng xã hội tham gia giám sát cộng đồng, giám sát thường xuyên theo phân cấp quản lý của địa bàn. Bởi vậy, Thông tư 29 ra đời là cần thiết, giúp tăng tính minh bạch, tăng cường quản lý mà vẫn ghi nhận giá trị, vai trò của dạy thêm, học thêm đồng hành cùng quá trình triển khai của ngành giáo dục.
"Tinh thần của Thông tư 29 là quản lý, không cấm. Chúng ta đem lại sự tôn nghiêm của ngành giáo dục. Những thầy cô có cống hiến, đam mê; học trò có nhu cầu học tập vẫn được phát huy tối đa, nhưng không được lẫn lộn giữa việc “phải làm, phải thực hiện trong giờ chính khóa” và “được làm, tăng cường thêm những nội dung để bổ sung cho các em theo đối tượng, nhu cầu”. Đồng thời, quá trình quản lý hoạt động này phải minh bạch" - Vụ trưởng Thái Văn Tài nhấn mạnh
Tăng cường quản lý chứ không cấm dạy thêm, học thêm
- Như ông đã nói, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ không cấm, không “siết” hoạt động này. Vậy việc quản lý dạy thêm, học thêm trong Thông tư 29 sẽ thực hiện như thế nào? Những đơn vị nào phải có trách nhiệm triển khai Thông tư 29?
TS Thái Văn Tài: Trước đây, khi chúng ta dạy học theo tiếp cận nội dung, việc đánh giá là lấy kiến thức nội dung làm chuẩn đầu ra. Vì vậy, rất khó phân định giữa dạy chính khóa và dạy thêm. Lớp học thêm khi theo chương trình cũ và chưa được quản lý, thầy cô có thể vẫn giữ nguyên nội dung, không gian, địa điểm đó để dạy thêm. Còn trong Thông tư 29 đã quy định rất rõ dạy thêm, học thêm là dạy những nội dung phụ của chương trình và không nằm trong định mức thời gian của chính khóa.
Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm phải đúng đối tượng, đúng nội dung và đúng quy định, nhà trường phải biết được đối tượng nào là trách nhiệm của mình. Bộ GD-ĐT quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ dành cho 3 đối tượng thuộc trách nhiệm của nhà trường gồm: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi và học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD-ĐT cùng các khách mời Tham dự Tọa đàm "Thông tư 29 và năng lực tự học trong môi trường AI" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức (Ảnh: Duy Thông)
Với đối tượng học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt, nhà trường phải phân loại, đánh giá và xếp lớp cho các em theo đúng nội dung cần bổ sung, không phải là mang luôn nội dung của chính khóa sang để dạy. Với học sinh giỏi, các em không phải học lại những kiến thức đã dạy nữa mà sẽ học ở chương trình cao hơn. Hay với học sinh cuối cấp thì giáo viên cần hỗ trợ cho các em ôn tập lại hệ thống kiến thức để giúp các em tự tin hơn khi tham gia các kỳ thi.
3 đối tượng nói trên là trách nhiệm của nhà trường, đã được quy định trong các văn bản như Điều lệ trường học hay tại Luật Giáo dục quy định nhà trường và giáo viên phải dạy cho học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt trong chương trình.
Như vậy, theo Thông tư 29, việc dạy thêm, học thêm không có nghĩa chúng ta xếp nguyên lớp vào học buổi chiều và dạy những nội dung đáng lẽ trong giờ chính khóa đã phải dạy. Chúng ta tăng cường quản lý là quản lý từ ngay khâu tổ chức, đối tượng, xác định nội dung, thời gian, ai làm việc gì và quản lý việc đó trong nhà trường như thế nào, ngoài xã hội như thế nào. Đây là tăng cường quản lý chứ không phải cấm dạy thêm, học thêm.
Hiệu trưởng các trường phải thống nhất cách hiểu về giải nghĩa việc dạy thêm, học thêm
- Hiện nay, một bộ phận giáo viên, phụ huynh chưa đồng thuận với những quy định tại Thông tư 29 với các lý do như chương trình giáo dục phổ thông còn nặng, thời gian giảng dạy trên lớp không đủ để giáo viên có thể trang bị kiến thức đồng đều cho toàn bộ học sinh hay đặt câu hỏi tiêu chuẩn nào để giáo viên dạy thêm, dựa vào đâu để định hướng nội dung dạy thêm,... Vậy liệu việc "siết" dạy thêm có làm tăng áp lực học tập cho học sinh hay gây khó khăn cho giáo viên có nhu cầu dạy thêm hay không, thưa ông? Khi xây dựng Thông tư 29, Bộ GD-ĐT đã dự báo được vấn đề này chưa?
TS Thái Văn Tài: Song hành với nội dung triển khai của chương trình GDPT 2018 là việc ban hành Thông tư về đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá và gần đây là phương án thi tốt nghiệp THPT; cùng với việc tăng cường đổi mới về phương pháp dạy học của giáo viên, phương pháp học tập của học sinh. Đối với cấp tiểu học, phải khẳng định rằng trong 5 năm vừa qua đã không còn hiện tượng bài văn mẫu, không có bộ đề chuẩn. Đây chính là một tác động và một bằng chứng rất rõ để chúng ta thực hiện chương trình GDPT 2018.
Về ý kiến cho rằng chương trình “nặng” hơn, theo tôi, chúng ta cần thận trọng và có khoa học để đánh giá. Khi xây dựng chương trình GDPT 2018, Bộ GD-ĐT đã phân tích rất kỹ về thời lượng, nội dung, có tham khảo các kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các ý kiến chuyên gia quốc tế so sánh trong bối cảnh của Việt Nam, để học sinh vừa đạt được trình độ phổ thông hội nhập, sẵn sàng cho hội nhập sâu rộng nhưng cũng tránh hiện tượng quá tải như một số nhận định mà tôi cho rằng mang tính chất cảm tính.
Trong năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện đánh giá tổng thể chương trình GDPT 2018, từ đó chỉ rõ chương trình môn nào đang gặp khó khăn và khó khăn ở chỗ nào. Đây là việc làm nghiêm túc, đánh giá thận trọng với nhiều kênh thông tin khách quan.
Hiện nay, các ý kiến đánh giá, trong đó có nhiều chuyên gia quốc tế đều khẳng định chương trình của chúng ta không nặng so với một số nước, đa số là nhẹ hơn, quan trọng là cách chúng ta triển khai và tự tạo áp lực cho nó. Vì vậy, chúng ta phải thay đổi cách dạy, cách học và không tự tạo áp lực khi chương trình không nặng.
Vấn đề phụ huynh, giáo viên có những băn khoăn cũng là chuyện chúng tôi đã lường trước được, bởi đây là những thay đổi căn bản. Từ một thói quen, bây giờ phải thay đổi. Tôi đề nghị Hiệu trưởng các nhà trường phải thống nhất cách hiểu tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư 29 về giải nghĩa, giải thích việc dạy thêm, học thêm, tránh trường hợp một nội dung không nằm trong điều chỉnh ở Khoản 1, Điều 2 mà lại “ép” cho là dạy thêm, học thêm.
Khoản 1, Điều 2 chỉ điều chỉnh những nội dung rất rõ trong khái niệm về dạy thêm, học thêm, những nội dung nào ngoài khái niệm này thì không điều chỉnh mà bị điều chỉnh bởi một thông tư hay quy định khác.
TS Thái Văn Tài: "Thông tư 29 ban hành với một tinh thần xuyên suốt là không làm thay đổi, xáo trộn các hoạt động giáo dục đang được triển khai trong nhà trường, mà chúng ta tăng cường quản lý để hoạt động dạy thêm, học thêm không bị biến tướng, không đúng quy định".
Đơn cử, những hoạt động như học tiếng Anh với người nước ngoài hay học tiếng Anh qua Toán, học tại các câu lạc bộ ngoài giờ chính khóa,... không nằm trong dạy thêm, học thêm thì chúng ta triển khai bình thường. Tuy nhiên, để quản lý các hoạt động này, Bộ GD-ĐT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 24, trong đó Khoản 2, Điều 6 cho phép trong quá trình xây dựng kế hoạch giáo dục, nhà trường được phối hợp với các tổ chức, cá nhân và lực lượng liên quan để đưa các hoạt động giáo dục theo nhu cầu người học cùng với nhà trường tổ chức, giúp các em phát triển toàn diện.
Vậy nhà trường lúc này không phải nơi “có cái gì thì tổ chức cho các em cái đấy” mà thêm một việc là khảo sát nhu cầu, sở thích và tìm cơ hội để đưa các lực lượng vào cùng với nhà trường thực hiện kế hoạch giáo dục. Những hoạt động này được quản lý bởi Nghị quyết chuyên đề của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, xác định danh mục nào được đưa vào, thu như thế nào, dạy vào thời điểm nào, khảo sát đối tượng ra sao, trách nhiệm của các bên như thế nào,...

Thông tư 29 ban hành với một tinh thần xuyên suốt là không làm thay đổi, xáo trộn các hoạt động giáo dục đang được triển khai trong nhà trường, mà tăng cường quản lý để hoạt động dạy thêm, học thêm không bị biến tướng (Ảnh minh họa)
Như vậy, ngoài hoạt động dạy thêm được điều chỉnh theo Khoản 1, Điều 2 của Thông tư 29 thì các hoạt động khác được điều chỉnh bởi Nghị định 24, Thông tư 04, Thông tư 21,... Phụ huynh, giáo viên cần hiểu rõ, hiểu đúng bản chất và tinh thần của Thông tư 29 để thực hiện chủ trương là không làm xáo trộn các hoạt động trong nhà trường hiện nay mà chúng ta thực hiện linh hoạt, mềm dẻo, đúng quy định, đúng thẩm quyền, tăng tính minh bạch, tăng tính giải trình, giám sát của các lực lượng trong quá trình tổ chức các hoạt động này.
Hiện nay, đa phần giáo viên đang làm rất tốt nhưng một số hoạt động không đúng đã dẫn đến vị thế và tôn nghiêm của ngành giáo dục bị ảnh hưởng. Do đó, quản lý chặt chẽ hoạt động dạy thêm, học thêm là cần thiết, phải cương quyết để thực hiện.
Thông tư 29 để tăng cường quản lý và minh bạch hóa vấn đề dạy thêm, học thêm
- Khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhiều giáo viên trường công lập phản ánh băn khoăn khi họ không thể đứng ra thành lập trung tâm, doanh nghiệp hoặc điều hành một doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Trong khi giáo viên trường tư thục lại có thể tự đứng tên đăng ký kinh doanh để mở trung tâm/lớp dạy thêm. Điều này có công bằng, thưa ông? Việc quản lý dạy thêm, học thêm phải chăng chỉ là chuyển từ hình thức này sang hình thức khác?
TS Thái Văn Tài: Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi muốn nhấn mạnh lại những thay đổi căn bản của chương trình GDPT 2018. Theo đó, chương trình đưa ra đích đến cuối cùng là 5 phẩm chất, 3 năng lực chung, 7 năng lực đặc thù. Ví dụ một năng lực đặc thù là tính toán thì không chỉ một môn Toán chịu trách nhiệm, mà ở đây là biến kiến thức môn Toán được học vận dụng trong thực tế, phù hợp với bối cảnh và có nhiều yếu tố trong đó. Vậy thì tất cả các môn liên quan đều phải hình thành năng lực tính toán.
Với năng lực chung như năng lực hợp tác, giao tiếp, sáng tạo cũng cần được hình thành ở tất cả các môn. Vì vậy, trong chương GDPT 2018, ngoài quy định học theo môn học có kèm theo hoạt động giáo dục.

"Không thể buổi chiều dạy thêm cho học sinh mà dạy lại khái niệm, định lý. Những nội dung này chính khóa phải làm, trừ trường hợp đặc biệt như học sinh gặp khó khăn, ốm đau", TS Thái Văn Tài nhấn mạnh (Ảnh: Duy Thông)
Nếu chúng ta tiếp cận ở góc độ này mà nói dạy thêm, học thêm là bắt buộc thì ta phải trả lời câu hỏi “Vậy tại sao chỉ có một số môn tổ chức dạy thêm, học thêm, trong khi mục tiêu của chương trình là tất cả các môn đều góp phần vào và tiếp cận ở cả môn học lẫn hoạt động giáo dục?”. Tại Thông tư 29 quy định việc dạy thêm, học thêm chỉ dành cho 3 đối tượng thì mỗi đối tượng sẽ học nội dung khác nhau. Vậy chúng ta phải quản lý nội dung đó như thế nào? Thời lượng là bao nhiêu? Ai là người dạy?
Ở đây, không thể buổi chiều dạy thêm cho học sinh mà dạy lại khái niệm, định lý. Những nội dung này chính khóa phải làm, trừ trường hợp đặc biệt như học sinh gặp khó khăn, ốm đau. Trước đây, việc dạy thêm, học thêm là theo lớp và tăng cường buổi chiều, không khác học chính khóa. Chúng ta phải quản lý vấn đề này và khi quản lý tốt sẽ có thêm không gian, thời gian cho học sinh có nhiều hoạt động giáo dục để góp phần hình thành phẩm chất và năng lực.
Tất nhiên, để thực hiện thì không chỉ một lực lượng tham gia mà cần toàn thể nhà trường tham gia. Điều quan trọng là Hiệu trưởng phải xác định lại biên chế giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường. Lãnh đạo nhà trường cần chỉ rõ định mức lao động đã phân công cho giáo viên hết chưa, tăng cường các giải pháp sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất Nhà nước đã đầu tư, để rồi sử dụng các quyền hạn được phép, được quy định trong Nghị định 24, tổ chức các hoạt động giáo dục trên bối cảnh, địa điểm, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đang có.
Hiện nay, vẫn có nhà trường phân công giáo viên chưa hết định mức, nhưng có một số giáo viên vì tiếp cận được thay đổi trên nên quá định mức. Vì vậy tôi mong đầu tiên là hiệu trưởng nhà trường phải rà soát, điều chỉnh kế hoạch dạy học, thực hiện lại đúng toàn bộ nội dung; mong các thầy cô thực hiện thật rõ.
TS Thái Văn Tài: "Với câu hỏi có công bằng giữa giáo viên trường công lập và trường tư thục hay không, tôi xin nhấn mạnh lại rằng ngay từ đầu, việc triển khai Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm là chúng ta đang thực hiện và có sự chi phối của các văn bản quy phạm pháp luật khác. Đơn cử như Luật Phòng, chống tham nhũng. Một thầy giáo đang dạy học sinh tại trường lại được phép dạy thêm chính học sinh của mình sẽ vi phạm các luật, các quy định mà công chức, viên chức không được làm. Chúng ta thực hiện theo pháp luật chứ không phải bản thân Thông tư 29 quy định vấn đề này".
Thông tư 29 đưa vào là để tăng cường quản lý và minh bạch hóa vấn đề dạy thêm, học thêm. Các thầy cô là viên chức, công chức của Nhà nước phải thực hiện theo các luật liên quan và Thông tư 29 được xây dựng theo hướng này. Còn nhà giáo tại trường tư thục lại bị điều chỉnh bởi những quy định khác. Vậy thì Thông tư 29 có hạn chế quyền của các thầy cô ở trường công lập không? Tôi nhấn mạnh rằng không hạn chế.
Chúng ta thực hiện Luật Doanh nghiệp; Luật Phòng, chống tham nhũng cùng các luật khác, thực hiện quyền công dân để đăng ký các trung tâm và khi đăng ký thì việc dạy thêm, học thêm được quản lý. Như vậy, không có chuyện như trước đây thầy cô ra ngoài thuê một địa điểm rồi kéo học sinh chính khóa của mình ra dạy thêm, cũng không ai quản lý phòng chống cháy nổ, thời gian dạy ra sao, dạy chương trình gì và đặc biệt là không thực hiện nghĩa vụ về thuế khi tổ chức hoạt động này.
Thông tư 29 quy định trách nhiệm quản lý địa bàn là UBND cấp phường, xã; chỉ rõ những nội dung thầy cô được làm và không được làm. Như vậy, đơn vị kiểm tra và người dân sẽ nắm bắt được rõ ràng. Ở đây không giới hạn quyền, mà Thông tư 29 đang thực hiện các nhiệm vụ pháp luật liên quan để minh bạch hóa, giúp chúng ta dễ thực hiện hơn nhiệm vụ, quyền hạn của mình và tránh vi phạm các quy định không được phép.
- Trân trọng cảm ơn TS Thái Văn Tài!