Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ có sự phân hóa rõ ràng
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh. Độ phân hóa sẽ thể hiện rõ mức 7 điểm trở lên.
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh. Độ phân hóa sẽ thể hiện rõ mức 7 điểm trở lên.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã thông tin đến học sinh, phụ huynh và giáo viên một số lưu ý về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đầu tiên của Chương trình GDPT 2018 với nhiều đổi mới.
Theo ông Huỳnh Văn Chương, Chương trình GDPT 2018 có những thay đổi đáng kể so với trước đây, đặc biệt trong cách tiếp cận kiến thức và đánh giá năng lực. Vì thế, đề thi được ra đảm bảo kết quả tin cậy để xét tốt nghiệp THPT, đánh giá quá trình dạy và học, cho phép thí sinh sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ, giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể, đề thi không chỉ kiếm tra kiến thức mà tập trung hướng đến nhiều hơn vào đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Sẽ có nhiều câu hỏi được xây dựng từ các tình huống thực tế trong đời sống, khoa học, xã hội, giúp thí sinh thấy rõ mối liên hệ giữa kiến thức học được và thế giới xung quanh.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT thông tin những điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Ảnh: Báo GD&TĐ
Đề thi tốt nghiệp THPT 2025, theo Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, sẽ được thiết kế để có sự phân hóa rõ ràng giữa các nhóm thí sinh. Độ phân hóa sẽ thể hiện rõ mức 7 điểm trở lên. Tỷ lệ phân bố câu hỏi các cấp độ tư duy biết, hiểu, vận dụng là 4-3-3. Với tỉ lệ biết và hiểu khoảng 70%, đề thi sẽ nghiêng về mục đích tốt nghiệp trong khi hiểu và vận dụng sẽ khoảng 30% đủ để phân hóa cho mục đích xét tuyển sinh ĐH, CĐ.
Một điểm mới nữa mà thí sinh cần phải lưu ý là môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa khi xây dựng đề thi. Điều này giúp đánh giá khả năng đọc hiểu và cảm thụ văn bản của học sinh trong các tình huống thực tế, tránh học tủ, học thuộc lòng máy móc. Ngữ liệu có thể bao gồm các đoạn văn, thơ hoặc tình huống mang tính thời sự, đời sống xã hội.
Với định hướng trên, muốn có kết quả thi tốt nhất, trong quá trình học và ôn luyện, thí sinh cần hiểu bản chất vấn đề, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thay vì học thuộc lòng. Các em cũng nên tăng cường ôn luyện các dạng bài tập theo cấu trúc định dạng đề thi mà Bộ GD&ĐT công bố trước đó để giúp củng cố kiến thức chắc chắn và bài bản.