Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học
Để nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường, những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) trong học đường. Qua đó, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường và giúp học sinh có kiến thức cơ bản về pháp luật, biết tự bảo vệ, xử lý tình huống liên quan đến pháp luật.

Hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho học sinh ở Trường THCS Phương Định (Trực Ninh).
Xác định công tác TTPBGDPL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò hình thành nhân cách cho học sinh khi đang ngồi trên ghế nhà trường, ngay đầu năm học 2024-2025, Trường THPT Đại An (Ý Yên) đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện. Với tổng số gần 1.000 học sinh, nhà trường đã phối hợp với Công an huyện tổ chức các hoạt động ngoại khóa tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông; phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống đuối nước; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và các tệ nạn xã hội dễ xâm nhập vào học đường đến toàn thể học sinh. Qua đó, giúp các em học sinh nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, giảm thiểu những hành vi vi phạm pháp luật, biết cách phòng tránh, tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, nhà trường quan tâm đến công tác TTPBGDPL đối với cán bộ, giáo viên, học sinh qua các buổi sinh hoạt, tiết chào cờ đầu giờ; củng cố và xây dựng tủ sách pháp luật tại thư viện nhà trường. Nội dung tuyên truyền tập trung vào: Luật Phòng, chống ma túy; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để nâng cao tính tự giác của học sinh khi tham gia giao thông, không bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Bên cạnh việc phổ biến pháp luật, nhà trường còn vận động học sinh xây dựng “Văn hóa giao thông”, học tập các nội dung về phòng, chống tội phạm, AIDS, ma túy, mại dâm và phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; tổ chức cho học sinh ký cam kết và thực hiện không vi phạm pháp luật, an toàn giao thông, không tham gia các tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực học đường, cách sử dụng mạng xã hội. Thông qua công tác tuyên truyền, ý thức chấp hành các quy định của nhà trường, chấp hành pháp luật của học sinh đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều năm qua, nhà trường không có học sinh vi phạm pháp luật, vi phạm an toàn giao thông và bạo lực học đường. Chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng cao. Năm học vừa qua, nhà trường đã có 100% học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp THPT. Nhiều học sinh tham gia kỳ thi học sinh giỏi văn hóa lớp 11, lớp 12 ở các bộ môn đạt thứ hạng cao với 1 giải Nhất, 15 giải Nhì, 8 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.
Để công tác TTPBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, đạt hiệu quả cao trong các nhà trường, hàng năm, ngành GD và ĐT đã chủ động ban hành kế hoạch và triển khai xuống các trường học về công tác TTPBGDPL. Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ giáo viên môn Giáo dục công dân, báo cáo viên và cán bộ phụ trách công tác pháp chế, công tác TTPBGDPL. Bên cạnh đó, ngành đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch TTPBGDPL cho học sinh như: Nâng cao chất lượng công tác TTPBGDPL trong nhà trường; tăng cường về phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập trường học; tổ chức các hoạt động đợt cao điểm hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma túy”; thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh; nghiêm cấm học sinh điều khiển xe máy khi chưa có giấy phép lái xe, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ... Công tác TTPBGDPL trong trường học được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Trong đó tập trung lồng ghép, tích hợp giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức cho học sinh vào các môn học, tiết học phù hợp; nâng cao chất lượng TTPBGDPL, giáo dục đạo đức trong môn học Giáo dục công dân và các môn học khác. Tích cực hưởng ứng, tham gia cuộc thi “Sáng kiến bảo đảm trật tự trường học về phòng ngừa bạo lực học đường và lao động trẻ em” cấp tỉnh năm 2024. Đổi mới phương pháp giảng dạy và việc dạy học tích hợp PBGDPL trong chương trình chính khóa, chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp. Đồng thời thông qua các hình thức tuyên truyền trong các hoạt động ngoại khóa, diễn đàn, hội nghị học tập, tập huấn, hội thi, cuộc thi, phương tiện thông tin đại chúng, các kênh thông tin của Đoàn, buổi sinh hoạt chi đoàn thanh niên... đã truyền tải kịp thời và nâng cao nhận thức về pháp luật cho học sinh. 100% các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức ký cam kết không vi phạm tệ nạn ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó, công tác TTPBGDPL cho học sinh được ngành Giáo dục đưa vào chương trình chính khóa ở cả ba cấp học. Để các kiến thức pháp luật trở nên sinh động và gần gũi hơn với học sinh, nhiều cuộc thi được tổ chức như: “Chúng em tìm hiểu Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, thi vẽ tranh “Chúng em với an toàn giao thông”, phát động cuộc thi “Giao thông thông minh” đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở… Ngoài ra, các trường quan tâm đến công tác TTPBGDPL đối với cán bộ, giáo viên, học sinh qua các buổi sinh hoạt, tiết chào cờ đầu giờ; xây dựng các mô hình PBGDPL ở cơ sở phù hợp với tình hình của địa phương, củng cố và xây dựng tủ sách pháp luật tại thư viện nhà trường. Ngoài ra, các trường học còn phối hợp với Đoàn Thanh niên, Công an địa phương rèn luyện, giáo dục cho học sinh những kiến thức pháp luật cần thiết, bản lĩnh chính trị vững vàng ngay khi ngồi trên ghế nhà trường. Với những hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong học sinh như: Tọa đàm, trao đổi, phát hành tờ rơi, tổ chức hội thảo, sinh hoạt lớp theo chủ đề, ngoại khóa giáo dục pháp luật, câu lạc bộ pháp luật đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, sự phối hợp hiệu quả giữa ngành GD và ĐT và Đoàn Thanh niên trong các nhà trường đã xây dựng, duy trì và đa dạng hóa hình thức hoạt động tuyên truyền của 267 câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội, tuyên truyền, phổ biến pháp luật với 6.675 hội viên. Hàng năm, tổ chức Đoàn, Đội khối trường học còn tổ chức cho 100% đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên ký cam kết “Lớp học, trường học, khu phố không có thanh niên vi phạm các tệ nạn xã hội”; ký giao ước thi đua thực hiện “Chi đoàn, chi hội, chi đội không vi phạm pháp luật và mắc vào tệ nạn xã hội và ma túy” xây dựng lối sống tích cực, lành mạnh… Đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực học đường, ma túy trong học sinh, sinh viên, tổ chức Đoàn, lực lượng Công an và ngành Giáo dục còn kết hợp kịp thời trong công tác nắm tình hình, điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến học sinh, sinh viên; cung cấp, trao đổi thông tin về các trường hợp học sinh cá biệt có biểu hiện vi phạm pháp luật để phối hợp quản lý, giáo dục. 100% khu vực cổng trường học nằm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các đường trục chính đô thị được tổ chức giao thông bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông. Các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan và chính quyền các địa phương trong việc TTPBGDPL về trật tự, an toàn giao thông cho cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và học sinh.
Thời gian tới, ngành GD và ĐT tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước; đẩy mạnh các hoạt động TTPBGDPL trong trường học; đổi mới nội dung và đa dạng các hình thức tuyên truyền bảo đảm phù hợp, hiệu quả, sát với thực tiễn của học sinh ở các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh; phòng ngừa, ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào học đường.