Cơ chế đột phá cho đường sắt đô thị

Đường sắt đô thị được xem là trục 'xương sống' của hệ thống vận tải công cộng đô thị. Đây không chỉ là giải pháp đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách số lượng lớn, mà còn giải bài toán ùn tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Với hai đầu tàu tăng trưởng kinh tế là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng đường sắt đô thị được bắt đầu từ năm 2007, song tiến độ triển khai quá chậm, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Trong nghị trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã dành nhiều thời gian thảo luận về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều này được xem là cú hích lớn tạo đột phá, không chỉ giúp rút ngắn thời gian triển khai đường sắt đô thị, mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và nền kinh tế. Với 6 nhóm chính sách đặc thù, Nghị quyết thí điểm tạo thuận lợi trong huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất. Ngoài ra, việc triển khai mô hình TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) trong xây dựng đường sắt đô thị sẽ kéo theo sự bùng nổ của thị trường bất động sản, đặc biệt tại các khu vực quanh ga tàu. Điều này đồng nghĩa với cơ hội đầu tư lớn cho người dân, thúc đẩy sự phát triển của các trung tâm thương mại, văn phòng, tạo ra hàng ngàn việc làm mới.

Diệu Phú

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/co-che-dot-pha-cho-duong-sat-do-thi-303766.htm
Zalo