Thủ tướng: Đủ tự tin, điều kiện, năng lực để quyết tâm tăng trưởng 8% trở lên
Theo Thủ tướng, chúng ta có đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để quyết tâm đạt tăng trưởng 8% trở lên và tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này khi phát biểu kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương thực hiện kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế, sáng 21/2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng đặt vấn đề "chúng ta có khả năng để làm, có tự tin để làm và có dám làm không" khi đề cập đến mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% vào năm 2025 và hướng tới tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.
Ông nhấn mạnh rằng, sau gần 40 năm Đổi mới, từ xuất phát điểm nghèo khó, đổ nát do chiến tranh, bị bao vây, cấm vận, từ "đáy giếng và chân tường", nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc từ năm 2021 đến nay, chúng ta thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19, khắc phục tốt hậu quả dịch bệnh, chuyển đổi trạng thái nhanh so với nhiều nước. Ngoài ra, chúng ta đối phó hiệu quả với tình hình xung đột làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng và thiên tai, bão lũ, nhất là cơn bão Yagi gần đây.
Nước ta đạt tăng trưởng hơn 7% trong năm 2024, đồng thời dành nguồn lực rất lớn cho an sinh xã hội, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng nâng lên...
Qua đó, Thủ tướng nhận định, chúng ta thấy có đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để quyết tâm đạt tăng trưởng 8% trở lên, tạo đà, tạo thế, tạo lực cho tăng trưởng hai con số trong những năm tới.
"Điều đáng mừng là chúng ta thấy tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, trong toàn dân", theo Thủ tướng.
Dịp này, Thủ tướng biểu dương một số địa phương như Bắc Giang, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng cao, trong đó Quảng Ninh đặt mục tiêu 14%, cao hơn cả chỉ tiêu Chính phủ giao (12%).
Một trong những quan điểm chỉ đạo, điều hành được người đứng đầu Chính phủ nhắc đến là phát huy các vùng động lực tăng trưởng.
Cụ thể: Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng (12 địa phương trong 2 vùng đóng góp 60% GDP cả nước), các cực tăng trưởng như Hà Nội và TP.HCM (Hà Nội đóng góp 13,2% GDP, 25% thu ngân sách của cả nước, TP.HCM đóng góp 17,9% GDP, 25% thu ngân sách cả nước).
Song, không bỏ quên những vùng khó khăn hơn, 4 vùng còn lại phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để đi lên.
Thủ tướng lấy ví dụ, lợi thế của Tây Nam Bộ là lúa gạo, thủy hải sản; miền núi phía Bắc là rừng; duyên hải miền Trung là biển; Tây Nguyên là các cây công nghiệp. Phân tích thêm về phát triển kinh tế nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng phải ổn định thị trường, nâng cao chất lượng, giữ vững chữ tín, nhất là trong lúc khó khăn.
Chỉ rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện thể chế là "đột phá của đột phá" và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Trong đó, phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đề cao phương pháp quản lý theo kết quả, chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; xây dựng thể chế thông thoáng, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực và kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, tạo đột phá phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.
Nhắc đến thực trạng tổng số vốn đầu tư công 2025 là 826.000 tỷ đồng, đã phân bổ 741.100 tỷ đồng, còn lại chưa phân bổ 84.800 tỷ đồng, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát phải phân bổ ngay trong quý 1/2025, nếu chưa xong thì kiên quyết thu hồi, điều chuyển cho nơi khác.
Một nhiệm vụ khác được Thủ tướng nhấn mạnh là khẩn trương khởi động các dự án lớn, trọng điểm, như điện hạt nhân, đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng…
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm (xây dựng tàu điện ngầm từ Cần Giờ về TP.HCM và giữa sân bay Tân Sơn Nhất - sân bay Long Thành).
Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan tham dự hội nghị. (Ảnh: VGP)
Giao nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, động lực tăng trưởng; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, xử lý nghiêm các ngân hàng không chấp hành sự quản lý, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý việc thiết lập gói tín dụng hỗ trợ người trẻ (dưới 35 tuổi) mua nhà; thúc đẩy mạnh tín dụng nhà ở xã hội.
Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính tập trung tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; sớm nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư quốc tế; đặc biệt thúc đẩy hai trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP.HCM và Đà Nẵng.
Thủ tướng giao Bộ Công Thương bảo đảm đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống; thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh và các dự án công nghiệp, thương mại lớn; sửa đổi và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII.
Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất Hội đồng Thi đua khen thưởng - Trung ương về phong trào thi đua tăng trưởng.
Người đứng đầu Chính phủ quán triệt bí thư, chủ tịch các địa phương tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, khuyến khích sự sáng tạo, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những cơ chế, chính sách, giải pháp tạo đột phá phát triển địa phương.
"Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang, phải phát huy trách nhiệm với lịch sử, với Đảng, Nhà nước, với Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của Nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu các bộ, ngành khẩn trưởng, tích cực chủ động xử lý các đề xuất, kiến nghị của các địa phương theo tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm".