Chuyện về nữ bác sĩ giàu lòng yêu thương bệnh nhi ung thư

Với sự nỗ lực học tập và nghiên cứu không ngừng, nhiều năm qua, TS.BS Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó Trưởng khoa Ung bướu – Huyết học – Ghép tủy, Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế đã cùng với các đồng nghiệp tại Bệnh viện thực hiện thành công hàng chục ca ghép tế bào gốc tự thân (ghép tủy) để cứu sống bệnh nhi ung thư. Chính vì thế mà nhiều bệnh nhi đã xem bác sĩ Kim Hoa như là người mẹ thứ hai của mình.

Khoa Ung bướu – Huyết học – Ghép tủy nằm ở tầng 5 của Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế hiện có gần 80 bệnh nhi đến từ các tỉnh thành khắp cả nước đến đây điều trị bệnh ung thư. Dù các bệnh nhi có độ tuổi và mắc chứng bệnh khác nhau nhưng điểm chung là gia cảnh đều rất khó khăn. Thấu hiểu được hoàn cảnh của bệnh nhi nên ngoài công việc chăm sóc, điều trị, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa còn dành tình yêu thương, giúp đỡ và chia sẻ khó khăn với hoàn cảnh của các cháu. Lúc chúng tôi đến Khoa Ung bướu – Huyết học – Ghép tủy đúng vào giờ bác sĩ Kim Hoa đang thăm khám bệnh cho các bệnh nhi. Nhìn những khuôn mặt trẻ thơ xinh xắn, hiền hậu nhưng không may mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác khiến các bác sĩ và y tá, điều dưỡng không khỏi xót xa.

TS.BS Nguyễn Thị Kim Hoa (ngoài cùng bên trái) cùng ê kip bác sĩ thực hiện ca ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi ung thư.

TS.BS Nguyễn Thị Kim Hoa (ngoài cùng bên trái) cùng ê kip bác sĩ thực hiện ca ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi ung thư.

“Vì thương cảm các cháu nên tôi và các đồng nghiệp đã luôn tự nhắc nhở bản thân phải cố gắng, nỗ lực từng ngày để trau dồi kiến thức, nâng cao chuyên môn nghề nghiệp với mục đích là điều trị tốt nhất cho các bệnh nhi ung thư. Qua đó giúp các cháu chữa lành bệnh, có cơ hội sống để được trở về trong vòng tay yêu thương của cha mẹ và người thân trong gia đình”, bác sĩ Kim Hoa bày tỏ.

Nhằm mang lại sự sống cho bệnh nhi ung thư, từ năm 2019, Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành kỹ thuật ghép tế bào gốc ở trẻ em với sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP Hồ Chí Minh. Trước đó bác sĩ Kim Hoa cùng một số bác sĩ đã được lãnh đạo Bệnh viện cử đi học tập kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân tại các bệnh viện lớn trong nước và nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Singapore. Đặc biệt, hiện Trung tâm Nhi Bệnh viện Trung ương Huế đã được trang bị nhiều máy móc, trang thiết bị y tế hiện đại để thực hiện các ca ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi mắc các bệnh lý ung thư khối mô đặc, hạch bạch huyết.

Bác sĩ Kim Hoa cho biết, ghép tế bào gốc tự thân có kỹ thuật phức tạp và mỗi bệnh nhân đều có một phác đồ điều trị riêng. Sau khi điều trị hóa chất, các bệnh nhi được bác sĩ hội chẩn và nếu đáp ứng được các điều kiện thì mới tiến hành ghép tế bào gốc. Ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên được bác sĩ Kim Hoa và đồng nghiệp thực hiện thành công là ca ghép cho bệnh nhi Nguyễn Ánh H (quê ở tỉnh Quảng Trị) bị u bào thần kinh. Bác sĩ Kim Hoa nhớ lại, thời điểm này, dù bệnh nhi có các biến chứng sốc nhiễm trùng ở giai đoạn điều trị bằng hóa chất liều cao nhưng nhờ sự nỗ lực chăm sóc, điều trị tận tình của bác sĩ nên cháu H may mắn được cứu sống.

Đặc biệt, từ thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân trong điều trị ung thư, Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại. Vào tháng 10/2024, Bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc đồng loại cho hai bệnh nhi Trần Viết Th (SN 2021) và Phạm Lê Hoàng V (SN 2016, cùng trú ở TP Đà Nẵng) mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Theo bác sĩ Kim Hoa, do mắc chứng bệnh trên nên 2 bệnh nhi phải thường xuyên vào bệnh viện truyền máu hàng tháng. Sau khi xét nghiệm HLA, 2 bệnh nhi được xác nhận phù hợp hoàn toàn với chị gái ruột. Ngay sau đó, dưới sự hướng dẫn của GS. Lawrence Faulkner (Tổ chức phi lợi nhuận Hỗ trợ ghép tủy DKMS, Đức), các bác sĩ đã thực hiện ghép tủy đồng loại thành công cho 2 cháu. Sau ca ghép, nhờ sự theo dõi sát sao của bác sĩ Kim Hoa và các đồng nghiệp nên 2 bệnh nhi được điều trị biến chứng kịp thời, dần hồi phục sức khỏe và được cho xuất viện.

“Có những ca ghép tủy cho bệnh nhi phải điều trị hóa chất liều cao. Do đó trước mỗi ca ghép, chúng tôi phải thông báo để phụ huynh các cháu hiểu về kỹ thuật này. Đồng thời lúc đưa bệnh nhi vào phòng ghép tủy, bác sĩ phải ân cần trò chuyện, săn sóc để giúp các bệnh nhi tự tin điều trị bệnh. Cũng vì thương cảm với bệnh nhi nên các bác sĩ thường nghĩ ra nhiều trò chơi, cùng múa hát với các cháu, giúp các cháu quên đi những cơn đau do bệnh tật gây ra”, bác sĩ Kim Hoa chia sẻ thêm.

Do chi phí mỗi ca ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi rất cao nên nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện, kinh phí để chữa trị cho con. Thấu hiểu điều này nên những năm qua, bác sĩ Kim Hoa cùng các đơn vị tại Bệnh viện Trung ương Huế đã kết nối với nhiều Mạnh Thường Quân, các tổ chức từ thiện xã hội, doanh nghiệp để kêu gọi hỗ trợ tiền mặt, suất ăn, thực phẩm miễn phí cho bệnh nhân nhi ung thư. Nhờ vậy đã giúp những gia đình có hoàn cảnh khó khăn yên tâm ở lại bệnh viện để chăm sóc, điều trị cho bệnh nhi. Và, sau khi bệnh nhi xuất viện về nhà, đã có nhiều phụ huynh viết thư cảm ơn gửi đến lãnh đạo Bệnh viện và bác sĩ Kim Hoa cùng các y tá, điều dưỡng khi đã tận tình chăm sóc, điều trị bệnh cho các cháu.

ThS.BS Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết thêm, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa là nữ tiến sĩ nhi khoa đầu tiên của Bệnh viện và là người đóng vai trò chủ chốt trong thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân, được Ban Giám đốc Bệnh viện đánh giá cao năng lực chuyên môn. Đặc biệt bác sĩ Kim Hoa luôn tận tâm, hết lòng yêu thương bệnh nhân nhi, nhất là các bệnh nhi ung thư.

“Nhờ nỗ lực không ngừng của đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, trong đó có bác sĩ Kim Hoa nên kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân tại Bệnh viện đã được thực hiện thường quy, chuyên nghiệp. Đến nay Bệnh viện đã thực hiện thành công gần 50 ca ghép, nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc tự thân trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý u đặc ở trẻ em. Thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục thực hiện ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi mắc bệnh lý u nguyên bào võng mạc di căn, Burkitt Lymphoma tái phát, suy tủy, ung thư máu hay Thalassemia. Qua đó giúp cứu sống các bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo”, bác sĩ Hoàng Thị Lan Hương khẳng định.

Anh Khoa

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/chuyen-ve-nu-bac-si-giau-long-yeu-thuong-benh-nhi-ung-thu-i760050/
Zalo