Chuyện vận động của ông Lâm

Thôn Đống Đa, xã Thượng Nông (Na Hang) những ngày tháng 4, trời mơn man lạnh, gió nhè nhẹ lướt trôi trên những nhành lúa màu xanh, xa xa là những mái nhà sàn màu nâu xám, ềm ệp trong sương sớm trông kỳ ảo đến lạ. Nằm ở giữa thôn, căn nhà nhỏ ồn ã bởi có dòng suối róc rách, om sòm tiếng vịt gọi bầy. Bí thư Chi bộ thôn Đống Đa Nguyễn Vi Lâm đón phóng viên với nụ cười đôn hậu, giọng nói rắn rỏi, trầm ấm.

Từ chuyện thóc giống cho gà

Ông Lâm năm nay đã 63 tuổi, mái tóc trắng, nếp nhăn đã điểm xuyết trên khuôn mặt nhưng vẫn toát lên vẻ tráng kiện của người vùng cao. Ông tự hào, cá nhân ông có 4 năm làm trưởng thôn và 25 năm làm bí thư Chi bộ. Quãng thời gian gần nửa đời người với việc làng, việc xóm nhưng nhiều khi ngẫm lại, ước gì còn nhiều sức, còn gánh vác để giúp dân vươn lên khấm khá hơn, thế mới trọn vẹn.

Năm 1996, khi mới 33 tuổi, ông Lâm được người dân thôn Đống Đa 1 “nhấc” vào chiếc ghế trưởng thôn. Ông kể, mấy cụ bô lão ngày đó còn vỗ vai bảo, cháu còn trẻ phải cáng đáng việc làng, giúp người dân hết đói đó là mong ước lớn nhất của người Tày nơi đây.

Ngày đó thôn có 27 hộ dân, 100% là người Tày sinh sống, đời sống người dân quanh năm chỉ gắn bó với cây lúa, cây ngô năng suất thấp. Do địa hình nằm ở thung lũng, bao quanh là những dãy núi cao, thôn Đống Đa 1 có đất đai màu mỡ, thế nhưng cứ giáp hạt tháng 3 là người dân lại chạy vạy vì đói. Tháng 5 - 1996, ông Lâm mạnh dạn xin chính quyền đến thị trấn Na Hang lấy lúa lai Tạp giao 5 về để trồng thử nghiệm. Ông bảo, có 27 hộ dân thì ông đi đúng 27 nhà vận động để người dân cùng làm giống mới, ấy thế khi mang giống về, chỉ có 5 người ra lấy thóc giống còn lại chối đây đẩy.

Ngoài tham gia công tác xã hội, ông Lâm cũng là gia đình có kinh tế khá trong thôn.

Ngoài tham gia công tác xã hội, ông Lâm cũng là gia đình có kinh tế khá trong thôn.

Những ngày tháng 5, trời nóng như đổ lửa, ông Lâm cùng cán bộ khuyến nông xã Thượng Nông đẩy xe cải tiến đi phát thóc cho người dân. Nhiều người nhận thóc giống còn treo vào xó nhà, có người còn cho gà ăn, những hình ảnh đó khiến trưởng thôn trẻ nhiều khi chảy nước mắt. Để chứng minh hiệu quả giống mới, ông Lâm cùng vài hộ dân gieo trồng thử nghiệm 1ha lúa, vụ hè thu năm đó, năng suất đạt 60 tạ/ha lúa, gấp đôi so với lúa thuần Đoàn kết, Bao thai lùn truyền thống. Thấy ông Lâm làm hiệu quả, nhiều người dân bắt đầu nghe theo, đến năm 1997, tình trạng thiếu lương thực cơ bản đã được giải quyết triệt để.

Rít một hơi thuốc lào, ông Lâm lấy trong tủ một cuốn sổ giấy ô ly đã sờn cũ, theo thời gian giấy đã ngả vàng, nét chữ nguệch ngoạc. Ông chỉ cho tôi một trang có sơ đồ vẽ hệ thống bảo quản ngô sau thu hoạch. Ông bảo, năm 1998 đưa giống ngô Biosit năng suất cao vào trồng, năng suất vượt trội nhưng khâu bảo quản vô cùng thách thức do mọt, cả bản “chửi” ông. Vì vậy ông tự học hỏi qua ti vi và sách báo, làm hệ thống bảo quản ngô cách đất chừng 30 cm bằng cách kê gạch, dưới có đổ dầu để mọt không vào, toàn bộ ngô cho vào túi nilon sau đó cho vào bao tải dứa. Cách làm có phần cầu kỳ nhưng bảo quản được gần 1 năm không lo bị mọt, bị mốc, còn lâu hơn so với truyền thống.

Sẵn sàng đền trâu cho dân

Bí thư Đảng ủy xã Thượng Nông Dương Trọng Nghĩa chia sẻ, ông Lâm có lẽ là bí thư Chi bộ có thời gian cống hiến lâu nhất trong các xã khu C của huyện Na Hang. Nhìn lại quãng thời gian cống hiến cho việc thôn, việc xã thật đáng khâm phục. Ngoài làm bí thư Chi bộ giỏi, ông Lâm cũng là người có nhiều sáng kiến phát triển kinh tế, đi đầu trong làm kinh tế hộ gia đình khiến ai trong thôn cũng nể phục và kính trọng.

Năm 2006, thôn Đống Đa 1 được nhà nước hỗ trợ 12 con trâu cho hộ nghèo trong thôn, nhiều hộ sợ không dám nhận, ông Lâm dí dỏm, lúc đó con trâu là tài sản lớn nên người dân họ sợ cũng có lý do. Sẵn là triệu phú trâu, bò trong xã từ những năm 2000, ông Lâm kiên quyết vận động, ông đứng ra bảo lãnh với chính quyền xã nếu gia đình nào có trâu bị chết, ông sẵn sàng đền, chỉ cần tuân thủ đúng hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc đúng quy trình là sẽ có hiệu quả. Cách làm táo bạo, đến năm 2012, thôn Đống Đa 1 có 89 con trâu, nhà nào cũng có từ 2 con trở lên, kinh tế cũng bắt đầu đi lên, đời sống cũng từ đó được nâng lên.

Con đường bê tông nội đồng thôn Đống Đa, xã Thượng Nông (Na Hang) với trên 2.000 m2 đất được hiến.

Con đường bê tông nội đồng thôn Đống Đa, xã Thượng Nông (Na Hang) với trên 2.000 m2 đất được hiến.

Tiên phong hiến đất làm đường

Trên con đường bê tông nội đồng có chiều dài gần nửa cây số, mặt đường rộng thênh thang thẳng tít tắp, ông Lâm kể, để làm được con đường này và đường liên thôn, ông cùng cán bộ xã thường trực nghe “chửi”. Năm 2012, khi nhà nước cho xi măng làm đường bê tông vào thôn, ông đi đầu vận động người dân hiến đất. Ban đầu chả ai nghe, ông tự nguyện hiến 300 m đất của gia đình làm đường bê tông nội thôn, rồi tự đứng ra hiến tiếp đất ruộng làm bê tông nội đồng.

“Mưa dầm thấm lâu” cán bộ làm trước, sau hơn chục năm kiên trì, đến nay 3 km đường bê tông nội thôn và nội đồng ở thôn Đống Đa 1 đều có dấu chân những cuộc vận động. Toàn thôn 27 hộ dân thì có tới 20 hộ hiến đất từ vài chục mét vuông đến cả vài trăm mét vuông đất làm đường.

Nhưng có lẽ, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông Lâm là cuộc vận động thoát nghèo. Gia đình ông Nguyễn Văn Dựng tận cuối thôn, năm 2025 đã tiên phong thoát nghèo. Dẫn tôi đi đến nhà ông Dựng, ông Lâm dặn, có thể sẽ khó nghe nhưng phải đến mới thấy được sự nỗ lực của tập thể bà con Đống Đa 1 như thế nào! Thật bất ngờ, ông Dựng đón khách cởi mở, ông chỉ tay vào chuồng lợn đang hoàn thành và bảo, có Bí thư Lâm vận động, bà con lối xóm khuyên răn nên gia đình cũng hiểu ra và đang triển khai làm kinh tế, chuyện quá khứ bỏ qua và thay vào đó là sự chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp.

Năm 2019, thôn Đống Đa 1 sau khi sáp nhập đã thành thôn Đống Đa với 110 hộ dân. Địa bàn rộng, dân cư đông, khối lượng công việc lớn nên chuyện làm kinh tế của gia đình ông Lâm tạm gác lại. Phía xa là cánh rừng 2 ha mỡ 20 năm tuổi, ông Lâm bảo, năm 2005, ông cùng 3 hộ dân nhận giao khoán đất rừng theo Chương trình 327, 661. Đến nay, ông mới chỉ bán 1 phần nhỏ diện tích thu về 50 triệu đồng, còn lại cuối năm nay, ông sẽ bán toàn bộ để có thêm vốn lo cho các con ổn định cuộc sống. Ngoài ra, ông còn dành thời gian giữ nghề làm men lá truyền thống để lưu truyền cho thế hệ mai sau.

Trước khi chia tay, ông Lâm tâm sự, năm nay, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát của Nhà nước đã mang đến niềm vui lớn cho nhiều hộ gia đình nghèo, khó khăn trong thôn Đống Đa. Những ngày này, để hoàn thành tiến độ, ông đang đi vận động các hộ nghèo tham gia. Ông quả quyết, trên địa bàn thôn hiện có 20 hộ dân thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ xây mới và sửa nhà, chắc chắn sẽ đạt tỷ lệ 100% khởi công vào tháng 6 năm nay.

Lê Duy

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chuyen-van-dong-cua-ong-lam-210274.html
Zalo