Chuyến ra khơi xuyên Tết, đón giao thừa trên biển
Với ngư dân xứ biển sầm uất nhất miền Tây, chuyến vươn khơi đánh bắt xuyên Tết thường có thời tiết thuận lợi, trúng nhiều tôm cá. Bởi vậy, hầu hết các ngư dân đều xác định chuyến biển này rất quan trọng, tạo tiền đề phấn đấu cho cả năm sẽ có lợi nhuận cao hơn, cuộc sống ngư dân sẽ tốt hơn.
Vào những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chúng tôi có mặt tại thị trấn biển lớn nhất miền Tây – thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), các tàu, thuyền lớn, nhỏ đánh bắt xa bờ đang hối hả cập bến “lấy sở phí” (chuẩn bị nhu yếu phẩm, nhiên liệu - PV) cho chuyến đánh bắt xuyên Tết.
Bởi với họ, chuyến đi biển cuối năm thường sẽ trúng hơn, đạt hiệu quả cao hơn. Nên chuyến đi biển lần này, các ngư dân đều có chung tâm lý chuẩn bị đồ đạc nhiều hơn ngày thường để đánh bắt xuyên Tết.
Ông Trần Minh Đặng (ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) gắn bó với nghề biển từ lúc 18 tuổi và có 17 năm làm bạn (ngư phủ - PV) trên tàu cá, nên chuyện ăn Tết trên biển gần như năm nào cũng có. Như thường lệ, chuyến biển Tết thường rơi vào khoảng ngày 20 – 25 Âm lịch và sẽ trở về vào khoảng mùng 10 Tết.
Theo ông Đặng, trước khi vươn khơi “hái lộc biển” cuối năm, ngư dân thường mua trái cây, gà vịt để cúng, khấn vái trời phật, ông bà, cá Ông (Nam Hải đại tướng quân), mong mưa thuận gió hòa, trời yên, biển lặng, ngư dân khai thác biển trúng được nhiều cá tôm.
“Đêm giao thừa trên biển, những tàu cá đánh bắt ngoài khơi xa đều thả neo, liên lạc với nhau qua bộ đàm. Thời khắc giao thừa, mọi nghi thức cúng tế thần biển được thực hiện đầy đủ như trên đất liền. Sau đó, các bạn thuyền cùng ngồi lại bên nhau nhâm nhi chén trà, ly rượu xuân và gửi lời chúc tốt đẹp cho nhau”, ông Đặng chia sẻ.
Thời khắc đón chào năm mới vừa qua cũng là lúc các tàu cá bắt đầu bắt tay vào công việc, mỗi người mỗi hướng đánh bắt, mong cá đầy khoang để sớm về bờ sum họp, đón xuân muộn bên gia đình.
“Mực, cá hồi xưa mê lắm, đánh 1 đêm 2 - 3 tấn. Lúc đó, giá mực cũng cao mà giá dầu cũng rẻ nên lời nhiều”, ông Đặng nhớ lại, và cho biết ngày nay dù nguồn lợi thủy sản không còn được như trước đây, nhưng mỗi chuyến ăn Tết biển ông thường có lời hơn 100 triệu đồng/2 tàu cá.
Ngư dân Lê Văn Thành (ngụ thị trấn Sông Đốc) cho biết thêm: “Tết năm nay, cầu Sông Đốc được thông xe, cùng với đó cụm tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc được hoàn thành thì không khí đón Tết của bà con càng thêm vui vẻ, sôi nổi hơn”.
Ông Nguyễn Đình Triểu - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết, hiện thị trấn có 1.114 phương tiện khai thác đánh bắt hải sản, trong đó có hơn 700 phương tiện có kích thước trên 15m với khoảng 9.000 ngư dân.
“Nhìn chung, tình hình khai thác thủy sản năm qua có giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên thị trấn cũng đạt chỉ tiêu sản lượng đề ra. Hiện thị trấn đang phát triển mạnh mẽ ngành nghề chế biến sau khai thác, nhất là các sản phẩm khô cá, mực”, ông Triểu nói. Theo ông Triểu, ngư dân đều xác định chuyến biển xuyên Tết rất quan trọng, tạo tiền đề phấn đấu cho cả năm sẽ có lợi nhuận cao hơn, cuộc sống ngư dân sẽ tốt hơn.