Chuyện không thể chấp nhận ở phòng cấp cứu (*): Nâng bản lĩnh, tránh bỏ mặc
Ngoài vượt qua áp lực, việc đánh giá, phân loại người bệnh ngay từ khâu nhập viện đầu tiên mang tính sống còn trong cấp cứu
"Bệnh nhân có chỉ định cấp cứu là phải xử lý ngay, không chờ đóng tiền" - PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 TP HCM, khẳng định như vậy khi đề cập nguyên tắc căn bản trong y khoa: Cứu người là trên hết.
Không để yếu tố tài chính làm trì hoãn cấp cứu
Chia sẻ từ thực tế tại Bệnh viện Nhân dân 115 - nơi tiếp nhận hàng trăm ca cấp cứu mỗi ngày, BS Thắng cho rằng nguyên tắc là nếu có chỉ định cấp cứu thì bác sĩ phải xử lý ngay, không được phép chờ viện phí. Tài chính là chuyện của bệnh viện, không thể để bác sĩ bị ràng buộc bởi yếu tố đó. Các ca như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, chấn thương sọ não... là những tình huống không thể chậm trễ. Một số trường hợp như gãy tay, đau bụng có thể được phân loại xử lý sau. "Cần tránh tình trạng "cào bằng", ai vào trước thì xử lý trước, vì như vậy sẽ lãng phí thời gian cho những ca cần can thiệp khẩn cấp hơn" - BS Thắng nhấn mạnh.

Bác sĩ cấp cứu là nơi chịu nhiều áp lực. Trong ảnh: Trực cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM. Ảnh: LIÊN ANH
Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều rào cản khiến nguyên tắc này không phải lúc nào cũng được thực hiện trọn vẹn. Tại các bệnh viện lớn, có không ít ca cấp cứu trong tình trạng không giấy tờ, không người thân, không tiền. "Một số sau đó có người nhà đến trả tiền nhưng cũng có không ít người vô gia cư, không ai nhận. Có trường hợp mình gọi cho thân nhân, họ còn từ chối tới đón người bệnh. Không ít bệnh nhân sau điều trị vẫn còn sống thực vật, không thể tự lo. Có người nằm viện mấy tháng trời, chúng tôi vẫn phải cho ăn, thay tã, xin đồ ăn từ người nhà bệnh nhân khác. Biết làm sao được! Trong hoàn cảnh đó, bệnh viện đành phải chuyển những ca không nơi nương tựa đến các cơ sở từ thiện, song hiện nay không nhiều nơi còn dám nhận vì áp lực chăm sóc và thiếu kinh phí" - BS Thắng trầm giọng.
Giữa yêu cầu cứu người và bài toán tài chính, BS Thắng cho rằng rất khó. Nếu 10 người cấp cứu đều không có tiền thì bệnh viện gánh không nổi. Nhưng nếu vì tài chính mà chậm cứu người thì còn nghiêm trọng hơn. Cần có quy trình hành chính linh hoạt riêng cho khu cấp cứu, đồng thời nhà nước cần có cơ chế tài chính đặc thù, để bệnh viện không phải lâm vào thế tự xoay xở rồi vô tình đẩy gánh nặng lên vai bác sĩ. "Chúng tôi sẵn sàng làm việc quên mệt, chỉ cần có một hệ thống khoa học hơn, một cơ chế nhân văn hơn để người bệnh không bị bỏ lại và bác sĩ không bị bào mòn bởi những điều nằm ngoài chuyên môn của mình" - BS Thắng bày tỏ.
Quyết đoán về chuyên môn
Các chuyên gia khẳng định ưu tiên tính mạng, không phân biệt trước sau là quy trình chuyên môn bắt buộc nhằm tối ưu thời gian điều trị và hạn chế rủi ro tử vong, không phải dựa trên thứ tự đến bệnh viện hay khả năng chi trả. Theo quy định, phân loại người bệnh cấp cứu là bước đánh giá lâm sàng nhanh nhằm xác định mức độ ưu tiên xử trí, giúp bác sĩ quyết định ai cần được khám và điều trị trước. Nói cách khác, đây là khâu đầu tiên để phân loại tính chất nguy kịch và quyết định hướng can thiệp phù hợp. Mục tiêu là đưa người bệnh đến đúng nơi, đúng thời điểm, gặp đúng bác sĩ chuyên khoa.
Quy trình này không nhằm chẩn đoán xác định mà để phân luồng kịp thời theo mức độ nguy kịch, dựa trên dấu hiệu sinh tồn, ý thức, tiền sử bệnh và biểu hiện lâm sàng. Trong thực tế cấp cứu, có trường hợp bệnh nhân cần can thiệp ngay lập tức, nhưng cũng có trường hợp có thể trì hoãn cấp cứu trong một khoảng thời gian ngắn.
Lý giải rõ hơn về nguyên tắc chuyên môn này, bác sĩ Nguyễn Đặng Khiêm, Trưởng Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Hữu Nghị, khẳng định những trường hợp tối cấp như suy hô hấp, nhồi máu cơ tim, chấn thương ngực kín, bụng kín... phải được ưu tiên hàng đầu trong cấp cứu. Việc đánh giá tình trạng bệnh và ra y lệnh là trách nhiệm chuyên môn của bác sĩ, không phụ thuộc vào mong muốn chủ quan của bệnh nhân hay người nhà. "Cấp cứu không phải nơi ai đến trước thì được khám trước. Chúng tôi ưu tiên theo mức độ nguy kịch. Bác sĩ phải bản lĩnh, đánh giá nhanh, đồng thời giải thích rõ ràng để người bệnh và người nhà hiểu, tránh hiểu lầm, kích động" - bác sĩ Khiêm nói.
Trước những tranh cãi dư luận về việc "có tiền mới được cấp cứu" và sau nhiều vụ việc liên quan đến ngành y, không ít người có xu hướng nhìn nhận bác sĩ như những người luôn nắm quyền sinh sát, còn bệnh nhân ở vị thế yếu, dễ bị bỏ rơi nếu không đủ điều kiện chi trả, bác sĩ Khiêm cho rằng xã hội đang mặc định nhân viên y tế là "kẻ mạnh", còn người bệnh là "kẻ yếu thế".
Tuy nhiên, ngành y cũng đầy áp lực và nhân viên y tế cũng là con người. "Tôi đồng ý rằng người bệnh có quyền phản ứng, bức xúc và nêu ý kiến nhưng việc chửi bới, xúc phạm nhân viên y tế như một số trường hợp đã xảy ra là không thể chấp nhận được và điều này thường ít được đề cập. Họ không có quyền gây kích động tại khu cấp cứu. Khu vực đó không phải là nơi để lớn tiếng hay gây rối" - bác sĩ Khiêm nói.
Từ kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại khoa cấp cứu, bác sĩ Khiêm cho rằng quan trọng nhất là tiếp cận bệnh nhân đúng cách, đánh giá đúng tình trạng và tách người nhà ra khỏi khu làm việc chuyên môn nếu họ quá kích động. Đồng thời, phải giải thích rõ ràng cho người nhà để họ hiểu quy trình xử trí, nhất là trong các tình huống bệnh nhân đến cùng lúc với mức độ nguy kịch khác nhau. Có như vậy, bác sĩ mới có thể tập trung chuyên môn, làm tốt nhiệm vụ trong môi trường an toàn.
Dẫn chứng cho tình huống điển hình trong thực tế, bác sĩ Khiêm lấy ví dụ, có trường hợp bệnh nhân bị tai nạn, gãy tay được đưa vào cấp cứu. Ngay sau đó, một bệnh nhân khác bị suy hô hấp được chuyển đến. Khi đó, bác sĩ bắt buộc phải ưu tiên xử trí cho người bị suy hô hấp trước, bởi tình trạng đe dọa tính mạng. Dù gãy tay cũng là cấp cứu nhưng có thể không nguy kịch bằng bệnh nhân suy hô hấp. Tuy nhiên, việc này cần được giải thích cặn kẽ để người nhà hiểu, tránh hiểu nhầm rằng "bác sĩ không được quan tâm, không ưu tiên cấp cứu".
Nhiều bác sĩ nhấn mạnh quan điểm bệnh viện phải ưu tiên cứu sống người bệnh, bỏ qua mọi thủ tục hành chính, tài chính khi tiếp nhận cấp cứu. Với trường hợp bệnh nhân không có người thân, giám đốc bệnh viện hoặc trưởng kíp trực chịu trách nhiệm quyết định. Nguyên tắc cấp cứu được đặt ra là tính mạng bệnh nhân là ưu tiên cao nhất, cần huy động tối đa nhân lực và trang thiết bị. Thậm chí khi phải lựa chọn, mọi nguồn lực phải dành cho ca cấp cứu trước, kể cả phải hoãn các ca mổ thường.
Để người bệnh không bị bỏ lại
Đề cập câu chuyện bị từ chối cấp cứu do chưa đóng viện phí, nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập một quỹ riêng để thanh toán chi phí cấp cứu, giúp nhân viên y tế yên tâm tập trung hoàn toàn vào việc cứu chữa. Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS-BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết hiện pháp luật đã có quy định về Quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh tại điều 111 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Quỹ này được thành lập để hỗ trợ chi phí cho bệnh nhân khó khăn, không có khả năng chi trả, chi trả rủi ro nghề nghiệp và các hoạt động liên quan đến khám chữa bệnh...
Nguồn quỹ có thể do tổ chức, cá nhân thành lập và được quản lý theo quy định pháp luật về quỹ xã hội, từ thiện. Ngoài ra, cơ sở khám, chữa bệnh cũng có thể thành lập quỹ từ nguồn tài trợ, viện trợ hoặc kinh phí nội bộ, hoạt động theo quy chế chi tiêu của đơn vị phù hợp với quy định pháp luật. "Thời gian qua, các bệnh viện đã làm rất tốt công tác hỗ trợ bệnh nhân khó khăn trong việc chi trả chi phí khám chữa bệnh, thông qua việc vận động và kêu gọi hỗ trợ từ Phòng Công tác Xã hội cũng như các khoa, phòng điều trị. Nhờ đó, nhiều người bệnh đã được điều trị kịp thời mà không bị gián đoạn vì lý do tài chính" - ông Đức thông tin.
Theo BS Nguyễn Vũ Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội), bệnh viện luôn ưu tiên xử lý tình trạng cấp cứu trước, các thủ tục hành chính được thực hiện sau. Dù chưa có quỹ hỗ trợ cấp cứu riêng, nhưng với bệnh nhân gặp khó khăn, Phòng Công tác Xã hội sẽ đứng ra vận động sự hỗ trợ từ cộng đồng. Trường hợp người bệnh xuất viện chưa thanh toán đủ viện phí, bệnh viện sẽ cử người liên hệ để hoàn tất. Nếu không thu được, chi phí đó sẽ được trích từ nguồn tài chính của bệnh viện.
(Còn tiếp)
Lẽ ra phải miễn viện phí !
Nhắc lại tình huống cấp cứu liên quan tới vụ việc bé trai 4 tuổi ở Nam Định, một bác sĩ chuyên khoa Nhi tại Thanh Hóa cho rằng trong trường hợp này bệnh nhi cần được miễn hoàn toàn viện phí, ưu tiên cấp cứu khi được người nhà đưa tới sau tai nạn. Lúc này, các bác sĩ phải ưu tiên khám sàng lọc, đánh giá các dấu hiệu nguy hiểm như tuần hoàn, hô hấp, tri giác. Sau đó khám sàng lọc toàn thân đánh giá các tổn thương cơ quan, khai thác bệnh sử. Việc này ngoài định hướng tìm tổn thương còn định hướng tâm lý của người thân bệnh nhân để có hướng xử lý tiếp theo...
T.Tuấn
Nên hỗ trợ từ Quỹ BHYT
Xuất phát từ những tình huống cấp cứu thực tế, một số bác sĩ chia sẻ rằng nếu xác định đúng là ca cấp cứu, không có người thân và không thể chi trả thì Nhà nước nên hỗ trợ chi phí từ quỹ BHYT - phần quỹ chi cho những yếu tố rủi ro. "Trước đây, đã có nhân viên phải tự bỏ tiền túi trả viện phí cho bệnh nhân, bản thân tôi cũng từng làm điều đó nhiều lần, dù không phải quá thường xuyên. Tôi luôn dặn nhân viên là ưu tiên cấp cứu cho bệnh nhân trước, thủ tục tính sau. Thiếu sót ở đâu, sai sót thế nào tôi sẽ chịu trách nhiệm" - BS Nguyễn Đặng Khiêm nhấn mạnh.