Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nói gì sau hàng loạt vụ hành hung nhân viên y tế?
Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ y bác sĩ bị người nhà bệnh nhân bạo hành. Một trong những nguyên nhân là do số lượng bệnh nhân quá lớn, với nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về dịch vụ y tế đã tạo áp lực nặng nề lên nhân viên y tế. Đây cũng là tình huống có thể khiến người bệnh, người nhà chưa hài lòng như cách họ mong muốn.
Liên quan đến tình trạng bạo hành nhân viên y tế, TS Hà Anh Đức – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (KCB), Bộ Y tế đã có trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Gần đây, trên cả nước đã xảy ra một số vụ hành hung nhân viên y tế. Xin ông cho biết cụ thể hơn về thực trạng này?
- Những ngày gần đây đã xảy ra một số sự việc liên quan tới hệ thống y tế, hệ thống KCB, trong đó có tình trạng hành hung cán bộ y tế, điển hình là vụ việc ở Phú Thọ và gần nhất là Nam Định xảy ra khi bác sĩ đang điều trị bệnh nhân tại Khoa Hồi sức cấp cứu.
Dù nguyên nhân là gì, hành vi hành hung nhân viên y tế, đặc biệt khi họ đang làm nhiệm vụ cứu người, hoàn toàn không thể chấp nhận được. Cho dù ai sai ai đúng, thì khi bác sĩ đang làm nhiệm vụ chuyên môn, phải đảm bảo an toàn để họ hoàn thành công việc.
Bộ Y tế đã có những chỉ đạo gì sau các sự việc này? Theo ông, vì sao những sự việc này lại liên tục xảy ra gần đây?
- Ngay sau khi xảy ra các sự việc, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo chấn chỉnh trong toàn ngành, yêu cầu các Sở Y tế làm việc ngay với cơ quan Công an để đảm bảo an ninh, bảo vệ nhân viên y tế khi thực hiện nhiệm vụ cứu người. Sở Y tế tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với cơ quan điều tra. Đến sáng nay (7/5/2025), chúng tôi đã nhận được báo cáo sơ bộ từ cơ quan công an. Dù hành vi hành hung chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng đối tượng đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đề nghị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo đúng quy định.

TS Hà Anh Đức – Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.
Thực trạng này đã xảy ra nhiều năm trước, có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Lĩnh vực KCB vốn mang nhiều áp lực, mỗi năm có khoảng 200 triệu lượt KCB, bình quân mỗi ngày có hàng trăm nghìn người được chữa bệnh. Có những bệnh viện rất đông, có những ngày lượt khám đến gần chục nghìn người, trong khi đó, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực y tế có lúc có nơi chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người bệnh.
Trong khi đó, tâm lý người bệnh muốn được khám nhanh, kỹ lưỡng, cộng thêm số lượng bệnh nhân quá lớn, với nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về dịch vụ y tế cũng tạo áp lực nặng nề lên nhân viên y tế. Đây cũng là tình huống có thể khiến người bệnh, người nhà chưa hài lòng như cách họ mong muốn.
Vậy ngành y tế đã có biện pháp gì để chấn chỉnh tình trạng này, thưa ông?
- Hiện nay đã có nhiều quy định liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, ứng xử trong môi trường y tế, từ luật, nghị định, thông tư đến các quy chế nội bộ. Mục tiêu là xây dựng mô hình lấy người bệnh làm trung tâm. Người bệnh được tôn trọng, được thăm khám, điều trị. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, với những áp lực hiện tại, chúng tôi cũng mong được thấu hiểu và chia sẻ để đảm bảo hoạt động KCB diễn ra hiệu quả.
Đặc biệt, từ năm 2014, Bộ Y tế đã ký quy chế phối hợp với Bộ Công an. Trong đó, có nội dung liên quan đến việc đảm bảo an ninh, trật tự tại các cơ sở y tế. Chúng tôi cũng đề xuất các giám đốc bệnh viện cần tăng cường hành lang bảo vệ tại khu vực cấp cứu, hồi sức tích cực. Đây là nơi thường xuyên xảy ra tình huống căng thẳng. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục báo cáo và tham mưu cho Chính phủ, hoặc trong phạm vi quyền hạn của Bộ trưởng, ban hành các chính sách cụ thể để bảo vệ nhân viên y tế.
Theo ông, về khía cạnh tài chính có ảnh hưởng gì đến mâu thuẫn giữa người nhà người bệnh với nhân viên y tế không? Giải pháp tổng thể để tránh các sự cố không đáng có này là gì?
- Thực tế, câu chuyện tiền viện phí cũng là yếu tố có thể gây căng thẳng. Luật KCB đã quy định cụ thể về việc đóng viện phí. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khó khăn, các bệnh viện có Phòng Công tác xã hội sẽ đảm nhiệm nhiệm vụ kết nối, vận động mạnh thường quân hỗ trợ. Ngoài ra, Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cho phép thành lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân trong các trường hợp đặc biệt như bệnh nhân không có khả năng chi trả hoặc không may tử vong.

Công an tỉnh Phú Thọ làm việc với Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ về sự việc hành hung nhân viên y tế. Ảnh: Công an tỉnh Phú Thọ
Mục tiêu sắp tới là giảm tối đa các áp lực không đáng có cho cả nhân viên y tế và người bệnh, muốn vậy, cần một hệ thống giải pháp đồng bộ. Trước hết, quy trình đón tiếp tại các cơ sở y tế cần chuyên nghiệp hơn để giảm căng thẳng ban đầu. Thứ hai, cán bộ y tế cần được đào tạo kỹ năng xử lý tình huống. Thứ ba, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng phải thật sự kịp thời và hiệu quả.
Trong toàn bộ cải cách trên, yếu tố cốt lõi vẫn là người bệnh, thưa ông?
- Chính xác. Mọi chính sách và giải pháp đều phải hướng đến việc lấy người bệnh làm trung tâm. Riêng về cơ chế tài chính, các đơn vị cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh để tạo sự thông thoáng, giảm bớt rào cản cho người bệnh.
Xin cảm ơn ông!
Như Kinh tế & Đô thị đã đưa, chiều 7/5, Bộ Y tế thông tin về việc người đàn ông “tấn công” nhân viên y tế tại Thanh Ba đã công khai xin lỗi các y, bác sĩ. Theo đó, Bộ Y tế dẫn nguồn tin từ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, ngày 25/4, tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, anh Khuất Văn Sinh (sinh năm 1984, trú tại khu 24, xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba) đã có hành vi xâm hại đến sức khỏe của nhân viên y tế trong khi đang thực hiện nhiệm vụ.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, gia đình ông Sinh có con trai là cháu K.B.L, (sinh năm 2013) bị tai nạn giao thông phải cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba. Trong khi các y, bác sĩ đang tiến hành cấp cứu cháu L, do không kiềm chế được bản thân, anh Sinh đã có hành vi xâm hại đến sức khỏe của nhân viên y tế.