Chuyên gia tư vấn được chi trả 105 triệu đồng/tháng: Đề xuất tăng cường hậu kiểm độc lập
Mức lương của chuyên gia tư vấn theo quy định mới có thể lên 105 triệu đồng/tháng. Một số chuyên gia đánh giá cao điểm tiến bộ trong các quy định mới nhưng cũng đề xuất tăng cường hậu kiểm để đảm bảo chi phí đi đôi với hiệu quả.

Ảnh minh họa: AI.
Cụ thể, từ ngày 1/7/2025, Thông tư số 004/2025/TT-BNV của Bộ Nội vụ ban hành ngày 7/5/2025 chính thức có hiệu lực, quy định mức lương tối đa của chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở để xác định giá gói thầu sử dụng vốn nhà nước. Theo đó, mức lương của chuyên gia tư vấn có thể lên đến 105 triệu đồng/tháng, cao gấp khoảng 2,5 lần so với mức trần tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ban hành trước đó.
Theo Thông tư 004, mức lương chuyên gia tư vấn được chia làm 4 cấp bậc, áp dụng cho những người làm việc đủ 26 ngày/tháng:
Mức 1: Tối đa 70 triệu đồng/tháng - áp dụng cho chuyên gia có bằng đại học với ít nhất 15 năm kinh nghiệm, hoặc có bằng thạc sĩ trở lên với ít nhất 8 năm kinh nghiệm, hoặc đang giữ vai trò Trưởng nhóm tư vấn, chủ trì tổ chức và điều hành gói thầu.
Mức 2: Tối đa 55 triệu đồng/tháng - áp dụng cho người có bằng đại học với từ 10 đến dưới 15 năm kinh nghiệm, hoặc bằng thạc sĩ với từ 5 đến dưới 8 năm kinh nghiệm, hoặc đang chủ trì một số hạng mục trong gói thầu.
Mức 3: Tối đa 40 triệu đồng/tháng - với các chuyên gia đại học từ 5 đến dưới 10 năm kinh nghiệm hoặc thạc sĩ từ 3 đến dưới 5 năm kinh nghiệm.
Mức 4: Tối đa 30 triệu đồng/tháng - dành cho người có bằng đại học dưới 5 năm kinh nghiệm, hoặc thạc sĩ dưới 3 năm kinh nghiệm.
Đặc biệt, với các dự án có quy mô lớn, công nghệ phức tạp hoặc điều kiện địa lý đặc biệt, mức lương có thể được phê duyệt tăng thêm, nhưng không quá 1,5 lần mức trần tương ứng. Như vậy, mức tối đa có thể đạt 105 triệu đồng/tháng.
So với mức lương đang được quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH (4 mức: 40 triệu đồng/tháng; 30 triệu đồng/tháng, 20 triệu đồng/tháng, 15 triệu đồng/tháng) mức lương quy định tại Thông tư mới cao hơn từ 1,75-2 lần.
Thông tư được nhiều chuyên gia coi là bước điều chỉnh lớn trong chính sách định giá nhân lực chất lượng cao trong đấu thầu nhà nước.
Theo TS Trần Ngọc Minh, giảng viên bộ môn Quản trị dự án, hệ liên kết quốc tế Đại học Latrob, việc nâng trần lương chuyên gia giúp phản ánh đúng hơn giá trị thực của lao động chất lượng cao.
“Các dự án vốn nhà nước trước đây khó thu hút chuyên gia thực lực vì ràng buộc mức chi phí thấp. Nay với khung mới, các đơn vị có cơ hội mời được chuyên gia có bề dày chuyên môn, kinh nghiệm thực tế, phù hợp yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao của các gói thầu lớn”, ông Minh cho biết.
Dưới góc độ quản trị đấu thầu, bà Phạm Thị Lan Hương, chuyên gia chính sách công, Viện Nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân (BCCI) cho rằng, Thông tư mới sẽ góp phần tăng tính cạnh tranh trong lĩnh vực tư vấn: “Khi trần lương cao hơn, các đơn vị phải cân nhắc mời đúng người, trả đúng giá. Điều này tạo áp lực lành mạnh cho cả bên mời thầu lẫn chuyên gia, thúc đẩy minh bạch và hiệu quả trong các gói dịch vụ tư vấn”.
Với kinh nghiệm làm chủ đầu tư gần 20 năm, ông Nguyễn Đăng Trí, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nhìn nhận rằng Thông tư mới làm rõ hơn trách nhiệm của các chủ đầu tư trong quá trình làm dự toán: “Việc xác định mức lương chuyên gia tư vấn không còn là ‘chiếu lệ’ mà đòi hỏi sự hiểu biết thực tiễn, năng lực đánh giá hồ sơ chuyên gia và yêu cầu kỹ thuật gói thầu. Trách nhiệm của chủ đầu tư từ đó được đặt cao hơn”.
Dù các ý kiến đồng thuận rằng Thông tư 004 là bước cải tiến về chính sách, vẫn có nhiều vấn đề đặt ra cần được tiếp tục làm rõ trong quá trình triển khai.
Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc điều hành một đơn vị tư vấn xây dựng & đấu thầu cảnh báo rằng nếu thiếu giám sát, quy định có thể dẫn tới hệ quả không mong muốn: “Khi mức trần quá cao mà không có công cụ hậu kiểm hiệu quả, có thể xảy ra tình trạng đồng loạt áp dụng mức tối đa, dẫn tới lãng phí ngân sách, hoặc không tương xứng với hiệu quả đầu ra”.
Ông Đức cũng chỉ ra điểm hạn chế trong việc xác định năng lực chuyên gia: “Nếu thiên về bằng cấp và số năm kinh nghiệm mà không chú trọng việc đánh giá định lượng đầu ra như dự án đã thực hiện, hiệu quả triển khai, đánh giá từ các bên mời thầu trước đó... thì sợ sẽ còn xuất hiện khoảng trống trong triển khai”.
Về cơ chế trả lương theo ngày, tuần, giờ, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Kỹ năng Quản lý công (trực thuộc một tổ chức NGO) cho rằng, cách chia trung bình này mang tính cơ học và có thể làm lu mờ tính hiệu quả thực: “Việc chuyên gia làm đủ giờ chưa đồng nghĩa với tạo ra giá trị. Một chuyên gia giỏi có thể hoàn thành công việc trong nửa thời gian nhưng mang lại hiệu quả vượt trội. Nếu chỉ tính theo giờ, sẽ dễ dẫn đến tư duy làm việc ‘đủ giờ’ thay vì ‘đủ hiệu quả’”.
Bà Hà nhấn mạnh: Thông tư 004/2025/TT-BNV là văn bản thể hiện xu hướng điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn thị trường lao động và yêu cầu nâng cao chất lượng tư vấn trong các dự án đầu tư công. Tuy nhiên, để chính sách này đi vào thực tế một cách hiệu quả cần tăng cường công cụ giám sát, đánh giá hiệu quả của chuyên gia sau mỗi gói thầu.
Đồng thời, theo bà Hà, cần chú trọng phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về chuyên gia tư vấn - nơi lưu trữ thông tin về bằng cấp, kinh nghiệm, kết quả đánh giá từ các dự án từng tham gia, nhằm hỗ trợ việc lựa chọn và định giá chuyên gia sát thực tế hơn.
Đồng quan điểm với bà Hà, ông Đức nêu ý kiến: “Thông tư 004 mở ra một cơ chế linh hoạt và có bước tiến rõ rệt trong việc xác định chi phí nhân lực cao cấp trong các gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước. Song song với việc trao quyền chủ động trong xác định mức lương cho các đơn vị liên quan, cơ quan quản lý cần tăng cường các công cụ đánh giá định lượng, hậu kiểm độc lập và công khai thông tin chuyên gia để đảm bảo chi phí đi đôi với chất lượng”.