Chuyên gia phân tích lỗi kỹ thuật dẫn tới sự cố hạ thủy tàu chiến Triều Tiên

Chuyên gia chỉ ra rằng kỹ thuật hạ thủy tàu chiến Triều Tiên theo phương ngang là một phần nguyên nhân dẫn tới sự cố hạ thủy tàu khu trục hạm 5.000 tấn.

Tuần qua, Triều Tiên thông báo xảy ra "một vụ tai nạn nghiêm trọng" tại lễ hạ thủy tàu khu trục hạm 5.000 tấn ngày 21-5 ở xưởng đóng tàu Chongjin (phía đông bắc Triều Tiên), có sự tham dự của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Theo hãng thông tấn KCNA, thanh trượt hạ thủy của đuôi tàu rời đi trước và bị kẹt trong khi toa tàu phẳng không di chuyển song song. Một số phần đáy tàu chiến "bị nghiền nát", phá hủy sự cân bằng của tàu chiến và mũi tàu không thể rời khỏi đường đi của tàu. Hậu quả một số phần đáy con tàu khu trục mới được chế tạo bị vỡ.

 Hình ảnh vệ tinh về sự cố hạ thủy tàu chiến Triều Tiên ngày 21-5. Ảnh: OPEN SOURCE CENTRE

Hình ảnh vệ tinh về sự cố hạ thủy tàu chiến Triều Tiên ngày 21-5. Ảnh: OPEN SOURCE CENTRE

Các chuyên gia cho rằng kỹ thuật đưa tàu xuống nước theo phương ngang là một phần nguyên nhân dẫn tới sự cố hạ thủy tàu chiến Triều Tiên, theo tờ New York Times. Đây là lần đầu tiên các nhà phân tích quan sát thấy Triều Tiên sử dụng bệ phóng ngang cho tàu chiến và chỉ ra sự thiếu kinh nghiệm, cũng như áp lực về một kết quả nhanh chóng.

Ngày 23-5, cơ quan thực thi pháp luật Triều Tiên đã bắt 3 người liên quan vụ việc, gồm ông Kang Jong Chol - kỹ sư trưởng của xưởng đóng tàu Chongjin, ông Han Kyong Hak - Giám đốc xưởng đóng thân tàu và ông Kim Yong Hak - phó Giám đốc phụ trách các vấn đề hành chính.

Đến ngày 26-5, Triều Tiên đã bắt tiếp ông Ri Hyong-son - phó Giám đốc Sở Công nghiệp Quân nhu của Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Ông Ri phải chịu trách nhiệm rất lớn cho việc xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng này", KCNA cho biết.

Kỹ thuật hạ thủy sai

Hình ảnh vệ tinh từ ba ngày trước sự cố hạ thủy tàu chiến cho thấy con tàu dài 143 m - thuộc lớp tàu chiến lớn nhất mà Triều Tiên từng đóng - nằm trên đường trượt hạ thủy. Cách con tàu khoảng 40 m là một công trình có vẻ như là khu vực khán đài, nơi nhiều khả năng ông Kim đã đứng theo dõi buổi lễ.

Tàu khu trục hạm được đóng tại xưởng đóng tàu Chongjin nơi nổi tiếng với việc sản xuất các tàu nhỏ hơn, như tàu chở hàng và tàu đánh cá. Trong một báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ), các nhà phân tích cho rằng xưởng đóng tàu "chắc chắn" thiếu chuyên môn trong việc sản xuất và hạ thủy tàu chiến lớn.

 Hình ảnh vệ tinh về sự cố hạ thủy tàu chiến Triều Tiên ngày 21-5. Ảnh: Maxar Technologies

Hình ảnh vệ tinh về sự cố hạ thủy tàu chiến Triều Tiên ngày 21-5. Ảnh: Maxar Technologies

Quân đội Hàn Quốc ước tính, dựa trên kích thước và quy mô của con tàu, tàu chiến mới được đóng này được trang bị tương tự tàu khu trục hạm Choe Hyon trọng tải 5.000 tấn mà Triều Tiên đã công bố vào tháng trước, theo hãng tin AFP. Theo thông tin từ Bình Nhưỡng, tàu Choe Hyon được trang bị "vũ khí mạnh nhất" và sẽ "đi vào hoạt động vào đầu năm sau".

Con tàu Choe Hyon là niềm tự hào trong kế hoạch đầy tham vọng của ông Kim nhằm hiện đại hóa và mở rộng hạm đội hải quân từ thời Liên Xô và là tâm điểm của một buổi lễ khánh thành hoành tráng vào tháng trước tại Nampo, một cảng ven biển phía tây gần Bình Nhưỡng.

Hình ảnh từ truyền thông nhà nước Triều Tiên cho thấy một sự kiện hoành tráng với pháo giấy và pháo hoa, có sự tham dự của ông Kim và con gái ông, Kim Ju-ae. Một khán đài lớn được dựng bên cạnh tàu Choe Hyon đang thả nổi trên nước.

Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, lễ hạ thủy khi đó diễn ra suôn sẻ. Các kỹ sư đã sử dụng một kỹ thuật phổ biến đối với các tàu lớn và nặng. Họ dường như đã xây dựng tàu Choe Hyon trong một xưởng xây dựng có mái ở Nampo, sau đó đưa ra ụ tàu và cho nước vào để tàu nổi lên, theo ông Choi Il - cựu thuyền trưởng Hải quân Hàn Quốc.

Còn xưởng đóng tàu ở Chongjin không có ụ tàu đủ lớn để đóng tàu khu trục cũng như không có độ dốc để trượt đuôi tàu xuống nước trước. Các kỹ sư đóng tàu ngay trên bến, dưới tấm bạt che. Khi hoàn thành, họ phải hạ thủy tàu theo chiều ngang.

Nếu thực hiện đúng cách, tàu sẽ trượt xuống theo chiều dọc của đường trượt và lướt xuống nước nhanh chóng, giống như tàu khu trục USS Cleveland nặng 3.500 tấn của Mỹ từng hạ thủy tại Wisconsin vào năm 2023. Thông thường, một tàu kéo sẽ neo đậu gần đó để hỗ trợ sau khi hạ thủy.

Nhưng đối với tàu của Triều Tiên, khi các kỹ sư của Bình Nhưỡng cố đẩy con tàu xuống nước, nó đã mất thăng bằng, theo truyền thông nhà nước. Hình ảnh vệ tinh chụp hai ngày sau vụ tai nạn cho thấy con tàu được phủ bạt màu xanh và nằm nghiêng về bên phải. Mũi tàu bị kẹt trên đường trượt trong khi đuôi tàu nhô vào bến cảng. Bệ quan sát đã bị dỡ bỏ.

Ông Choi nhận định việc hạ thủy tàu chiến lớn theo phương ngang đòi hỏi sự tính toán cân bằng tỉ mỉ. Cựu thuyền trưởng Hải quân Hàn Quốc cho rằng vũ khí hạng nặng được gắn trên tàu khu trục có thể khiến nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn.

Áp lực từ thành công trước

Vài ngày sau khi hạ thủy thành công tàu khu trục lớp Choe Hyon vào tháng trước ông Kim đã tự hào theo dõi tàu thử nghiệm nhiều loại tên lửa khác nhau.

Lãnh đạo Triều Tiên đã đến thăm các xưởng đóng tàu để động viên các kỹ sư đáp ứng thời gian biểu mở rộng hải quân và dường như đã lên kế hoạch hạ thủy tàu khu trục thứ hai với màn thử nghiệm vũ khí tương tự.

 Tàu khu trục đa năng Choe Hyon trong lễ hạ thủy hôm 25-4. Ảnh: KCNA

Tàu khu trục đa năng Choe Hyon trong lễ hạ thủy hôm 25-4. Ảnh: KCNA

Các kỹ sư tại Chongjin hẳn đã cảm thấy áp lực rất lớn sau hạ thủy thành công tại Nampo, các nhà phân tích Hàn Quốc cho biết. Điều này có thể đã khiến họ cắt giảm quy trình kỹ thuật.

KCNA cho biết "cuộc kiểm tra dưới nước và bên trong tàu chiến đã xác nhận rằng, không giống như thông báo ban đầu, không có lỗ thủng nào ở đáy tàu", đồng thời cho biết mức độ thiệt hại là "không nghiêm trọng".

Hiện nhóm công tác đang đẩy mạnh kế hoạch phục hồi tàu chiến. "Tại hiện trường xảy ra sự cố hạ thủy tàu khu trục, công tác khôi phục hoàn toàn sự cân bằng của tàu chiến đang được tiến hành tích cực" - theo KCNA.

Tuy nhiên, theo ông Yang Uk - chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul - thiệt hại có vẻ nghiêm trọng hơn nhiều. Ông cho biết vụ tai nạn có thể không chỉ do kỹ thuật hạ thủy sai mà còn do mất cân bằng về mặt cấu trúc của tàu.

"Con tàu trông hơi cong vênh sau vụ tai nạn. Có vẻ như nó không được chế tạo với độ bền về mặt cấu trúc cần thiết cho một tàu chiến" - ông Yang cho hay.

VĨNH KHANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-phan-tich-loi-ky-thuat-dan-toi-su-co-ha-thuy-tau-chien-trieu-tien-post852139.html
Zalo