Chuyên gia Đông y khuyên cách dùng lá xương sông đúng và hiệu quả
Xương sông là vị thuốc quý trong Đông y nhờ khả năng kháng viêm, tiêu đờm và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh lý đường hô hấp.
Lá xương sông là loại dược liệu quen thuộc trong vườn nhà của người Việt, không chỉ được sử dụng như loại rau gia vị thơm ngon mà còn là vị thuốc dân gian nhiều công dụng quý trong hỗ trợ điều trị các bệnh lý thường gặp.
Theo Lương y Nguyễn Trung Hái, Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Trung ương Hội Đông y Việt Nam, lá xương sông tính ấm, vị cay nhẹ, mùi thơm dễ chịu, tác dụng tiêu đờm, trừ ho, giảm viêm, hoạt huyết, giảm đau và hỗ trợ tiêu hóa.
Để phát huy tốt các công dụng này, người dùng cần biết sử dụng đúng cách và phù hợp với từng nhóm người, tình trạng sức khỏe. Nếu sử dụng đúng cách, lá xương sông không chỉ giúp ngon miệng mà còn là trợ thủ đắc lực trong chăm sóc sức khỏe tại nhà.
Công dụng của lá xương sông
Xương sông vị cay, tính ấm, mùi thơm hắc, quy vào kinh Phế và Tỳ, tác dụng giảm ho, tiêu đờm, hoạt huyết và tán hàn.
Lương y Hái cho biết, dân gian vẫn dùng xương sông hấp với mật ong để trị ho cho trẻ em rất hiệu quả.
Chỉ cần lấy vài lá xương sông tươi, rửa sạch, thái nhỏ, trộn với mật ong rồi hấp cách thủy, ngày uống 2–3 lần sẽ giảm ho, khan tiếng rõ rệt.

Lá xương sông có khả năng kháng viêm, điều trị bệnh lý đường hô hấp (Ảnh minh họa)
Không chỉ trị ho, xương sông còn có thể dùng giảm sưng đau khớp. Người bị đau mỏi vai gáy, khớp gối có thể dùng lá xương sông giã nát, rang nóng với muối rồi đắp lên vùng đau để giảm viêm.
Lá xương sông cũng có thể được sắc nước uống hỗ trợ tiêu hóa, giảm đầy bụng, chướng hơi, ăn không tiêu. Cách dùng là lấy khoảng 10–15g lá tươi, nấu cùng 500ml nước trong 15 phút, để nguội bớt rồi uống 1–2 lần trong ngày.
Những lưu ý khi sử dụng lá xương sông
Lương y Nguyễn Trung Hái khuyến nghị, không nên dùng xương sông với liều lượng quá nhiều hoặc quá thường xuyên vì tính ấm mạnh dễ gây nóng trong, nổi mụn, đặc biệt với người có thể trạng nhiệt. Ngoài ra, cần tránh dùng xương sông sống cho người đang bị viêm loét dạ dày vì dễ kích thích niêm mạc.
Với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người cơ địa dị ứng với tinh dầu, nên tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng. Đồng thời, lá xương sông tác dụng hỗ trợ, chứ không thay thế thuốc điều trị trong các bệnh lý nặng hay cấp tính. Việc kết hợp lá xương sông với các liệu pháp y học hiện đại phải có sự tư vấn chuyên môn để tránh tương tác không mong muốn.
Để đảm bảo hiệu quả, nên dùng xương sông tươi, không nhiễm thuốc trừ sâu. Có thể trồng cây xương sông tại nhà để tiện dùng và kiểm soát chất lượng. “Từ một loại rau gia vị tưởng chừng đơn giản, xương sông nếu dùng đúng có thể là vị thuốc quý giúp phòng bệnh hiệu quả, nhất là trong mùa đông xuân thời điểm dễ mắc bệnh hô hấp”, Lương y Nguyễn Trung Hái nói.