Chuyên gia bàn về dòng chảy tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine

Bên cạnh xung đột trên thực địa, dòng chảy của tiền viện trợ cho Ukraine luôn thu hút sự quan tâm của giới quan sát.

Trong một bài bình luận đăng trên trang Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), hai chuyên gia Daniel F. Runde và Elizabeth Hoffman của trung tâm nghiên cứu này cung cấp thông tin về dòng chảy của tiền viện trợ cho Ukraine và đưa quan điểm có nên duy trì hoạt động này hay không.

Tiền Mỹ viện trợ cho Ukraine 'chảy' ngược về Mỹ?

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24-2-2022, Mỹ đã phân bổ khoảng 183 tỉ USD (bao gồm các khoản vay có thể xóa nợ) viện trợ quân sự, kinh tế và nhân đạo cho Ukraine.

Đáng chú ý là không phải tất cả số tiền này đều được chuyển trực tiếp cho Ukraine. Phần lớn số tiền này dùng để mua vũ khí và thiết bị từ các nhà sản xuất quốc phòng Mỹ để gửi đến Ukraine cũng như bổ sung và hiện đại hóa kho thiết bị quốc phòng Mỹ, trả lương cho các quan chức và lính Mỹ được triển khai tới châu Âu.

 Lính Ukraine dùng pháo Mỹ sản xuất khai hỏa vào Ukraine ở TP Avdiivka (tỉnh Donetsk) hồi năm 2024. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Lính Ukraine dùng pháo Mỹ sản xuất khai hỏa vào Ukraine ở TP Avdiivka (tỉnh Donetsk) hồi năm 2024. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Những nơi nhận các khoản tiền này là Bộ Quốc phòng Mỹ (125 tỉ USD), Bộ Ngoại giao Mỹ (11 tỉ USD) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (40 tỉ USD).

Cạnh đó, hàng tỉ USD trong các hợp đồng đã chảy vào nhiều tiểu bang khác nhau và nhìn chung khoản viện trợ này đang được tái đầu tư vào Mỹ, kích thích tăng trưởng việc làm tại Mỹ và nền kinh tế địa phương.

Hầu hết các đợt chuyển giao vũ khí và thiết bị sang Ukraine đều diễn ra theo Quyền rút vốn của tổng thống (Presidential Drawdown Authority - PDA). Điều này cho phép Mỹ chuyển vũ khí và thiết bị từ các kho dự trữ quân sự hiện có để nhanh chóng cung cấp các mặt hàng quốc phòng trong thời kỳ khủng hoảng.

Mỹ tăng viện trợ cho Ukraine sẽ giúp kéo Nga vào bàn đàm phán?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nêu rõ ý định của mình là giữ cho Ukraine an toàn, nhưng cách thức thực hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Điều này đã đặt ra câu hỏi: Đã đến lúc rót thêm viện trợ cho Ukraine?

Các cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng giữa Ukraine và Nga diễn ra vào năm 2022 nhưng không đạt được kết quả. Nga tiếp tục giành được nhiều đất của Ukraine và càng vì đang có lợi thế nên không mấy mặn mà tham gia vào các cuộc đàm phán. Ngược lại, Ukraine lại thiếu đòn bẩy cần thiết để ngồi vào bàn đàm phán và giành kết quả như ý mình.

 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) gặp cựu Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump hồi năm 2024. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) gặp cựu Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump hồi năm 2024. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Theo hai học giả CSIS, một gói viện trợ bổ sung mới báo hiệu rằng phương Tây không có ý định từ bỏ Ukraine và sẽ đóng vai trò như một đòn bẩy cho Ukraine để buộc Nga phải tăng chi phí chiến tranh.

Nếu Nga vẫn tiếp tục cuộc chiến, Mỹ có thể cân nhắc gửi cho Ukraine các hệ thống vũ khí tiên tiến vốn trước đây Mỹ loại khỏi bàn đàm phán vì sợ leo thang với Nga. Còn nếu Nga tỏ ra có thiện chí đàm phán thì khoản bổ sung này có thể được tái cấu trúc để phục vụ cho việc tái thiết kinh tế và cơ sở hạ tầng Ukraine.

Bất kỳ khoản viện trợ nào của Mỹ cũng nên đi kèm với các cam kết tài trợ bổ sung từ các đối tác châu Âu. Các nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất một gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine với điều kiện là các thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ cung cấp viện trợ kinh tế và nhân đạo cho Ukraine. Ngoài ra, châu ÂU có thể tận dụng kho dự trữ quân sự của riêng mình hoặc mua thiết bị quân sự của Mỹ cho Ukraine.

Vì thời gian gấp rút là yếu tố quan trọng nên một khoản viện trợ bổ sung mới có thể cần được Quốc hội khởi xướng. Tuy nhiên, viễn cảnh Quốc hội đề xuất việc bổ sung hỗ trợ Ukraine là khá xa vời.

Lý do là Ukraine dường như đang thất thế trên chiến trường mặc dù đã được hỗ trợ hàng tỉ USD, điều đó đã khiến nhiều nhà lập pháp coi việc tiếp tục hỗ trợ Kiev là lãng phí tiền thuế của người dân và khiến người dân càng mất lòng tin vào lập trường của Mỹ về cuộc chiến.

Tính đến tháng 9 năm 2024, khoảng 106 tỉ USD đã được chuyển hoặc cam kết chuyển trực tiếp cho chính phủ Ukraine. Mặc dù vẫn có những cáo buộc liên tục về tham nhũng nhưng các cuộc kiểm toán thường kỳ của tổng thanh tra Mỹ không tìm thấy bằng chứng nào về việc biển thủ tiền viện trợ của Mỹ.

Dù vẫn còn nhiều vấn đề quanh chuyện tiền viện trợ nhưng Kiev đang tích cực giải quyết các mối lo ngại về tham nhũng và đã thực hiện các bước cụ thể để chứng minh cam kết của mình đối với vấn đề minh bạch và chống tham nhũng.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-ban-ve-dong-chay-tien-my-vien-tro-cho-ukraine-post833981.html
Zalo