Chuyện gì khó, có dân lo

Huyện Ðầm Dơi có nhiều cách làm hay và sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống khai thác nguồn lợi thủy sản (NLTS) có tính hủy diệt trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nhận thức của người dân trong bảo vệ NLTS ngày càng được nâng cao.

Qua hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 17, toàn huyện có 247/247 đối tượng hành nghề khai thác tận diệt ngưng hoạt động hoặc chuyển đổi ngành nghề. Trong đó, 94 đối tượng tự nguyện giao nộp công cụ kích điện, 34 đối tượng bị cơ quan chức năng bắt và tịch thu công cụ kích điện, 68 đối tượng đã bán công cụ kích điện, 29 đối tượng sửa chữa lại phục vụ sinh hoạt gia đình, 10 đối tượng rời khỏi địa phương, 12 đối tượng chuyển đổi làm nghề khác.

Cán bộ làm đầu mối

Ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, chia sẻ: “Nếu chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền thì chưa đủ sức răn đe. Huyện chọn xã Tân Duyệt làm điểm xây dựng mô hình Tổ cộng đồng và Nhóm phản ứng nhanh, nhằm tập trung vào phòng, chống khai thác thủy sản theo hình thức hủy diệt, tận diệt trên các tuyến sông rạch”.

29 tổ cộng đồng và 1 nhóm phản ứng nhanh được thành lập trên địa bàn xã Tân Duyệt. Ông Nguyễn Hoàng Nghĩa, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Tân Duyệt nằm ở trung tâm, giáp ranh với 7 xã khác trong huyện, có đến 29 tuyến sông và nhánh sông. Do đó, xã quyết định thành lập 29 tổ cộng đồng (mỗi tổ từ 5-7 người, do trưởng ấp làm tổ trưởng) và 1 nhóm phản ứng nhanh (do phó chủ tịch xã làm tổ trưởng, công an xã là lực lượng nòng cốt). Hình thức hoạt động là phân cho từng tổ quản lý các tuyến, nhánh sông. Khi phát hiện đối tượng lạ xâm nhập địa bàn để khai thác trái phép, các tổ phải báo ngay cho nhóm phản ứng nhanh để kịp thời tiếp cận và vây bắt. Nhờ vậy, phong trào phòng, chống khai thác thủy sản trái phép bằng hình thức tận diệt ngày càng lan rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia”.

Chỉ sau một tháng ra quân, xã rà soát được 28 đối tượng sử dụng công cụ kích điện khai thác thủy sản. Qua hai lần vận động, tất cả tự nguyện giao nộp, bước đầu mang lại hiệu quả rõ rệt.

Chỉ sau một tháng ra quân, hầu hết những người có tàng trữ, sử dụng công cụ kích điện đã tự nguyện giao nộp.

Chỉ sau một tháng ra quân, hầu hết những người có tàng trữ, sử dụng công cụ kích điện đã tự nguyện giao nộp.

Những người “gác sông”

Ông Huỳnh Thanh Lâm 12 lần bị điện từ dụng cụ kích điện giật khi vây bắt đối tượng xiệc cá trên sông.

Ông Huỳnh Thanh Lâm 12 lần bị điện từ dụng cụ kích điện giật khi vây bắt đối tượng xiệc cá trên sông.

Dù các đối tượng tại địa phương đã giao nộp công cụ nhưng vẫn còn nhiều người từ nơi khác lén lút xâm nhập để khai thác trái phép. Ông Huỳnh Thanh Lâm, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ấp Tân Thành, thành viên Nhóm phản ứng nhanh, cho biết: “Không làm theo phong trào, ngay từ đầu, chúng tôi xác định, đã làm thì phải làm tới nơi tới chốn, phải tạo được tính răn đe thực sự. Có như vậy mới bảo vệ được NLTS”.

Câu chuyện trực tiếp tham gia 12 lần vây bắt đối tượng vi phạm, cũng từng 12 lần bị điện giật của ông Huỳnh Thanh Lâm là minh chứng cho điều ông nói.

Sau khi quan sát thiết bị kích điện do các đối tượng giao nộp, ông Lâm nhận thấy dòng điện này chỉ gây sát thương cho thủy sản, còn với con người thì không đáng kể. Muốn bắt được đối tượng thì phải theo dõi, mật phục.

Ông Lâm kể: "Có lần, biết đối tượng sẽ vào tuyến sông đó khai thác vào khoảng 23 giờ, từ 22 giờ chúng tôi đã tìm nơi ẩn nấp. Ðêm đó, tôi ngâm mình dưới nước hơn một giờ. Nghe tiếng vỏ máy đến gần, thấy đối tượng xuất hiện, anh em ập vào vây bắt thì bị chống trả. Thấy đối tượng chuẩn bị bỏ chạy, tôi lao ra ôm sợi dây trước mũi vỏ lãi để giữ lại, không ngờ đó là dây mát nối vào bình điện. Ngay sau tiếng nổ lớn, tôi bị điện giật văng ra và bất tỉnh dưới nước. Lúc đối tượng hoảng loạn, anh em xông lên khống chế thành công. Với các đối tượng này, phải vây bắt, bởi nếu để đối tượng chạy thì khó mà bắt lại, vì các phương tiện được cải hoán, nâng công suất lớn".

Ông Nghĩa xúc động kể: “Lúc đó, chúng tôi rất lo cho anh Lâm, vừa giữ đối tượng, vừa xem anh có sao không. May mắn là anh tỉnh lại kịp, chứ không thì rất nguy hiểm”.

Dù khó khăn, nguy hiểm là vậy, nhưng chỉ vài ngày, sau khi nhận tin báo có đối tượng mới, ông Lâm lại xung phong tham gia. “Vợ tôi cũng có la, bảo đêm nào cũng đi tuần, không đảm bảo sức khỏe. Nhưng khi biết công việc tôi làm vì thế hệ mai sau, vì NLTS cho con cháu sau này thì bà ấy cũng không phản đối nữa”, ông Lâm cười, chia sẻ.

Không chỉ người trẻ, mà cả người cao tuổi cũng tích cực tham gia. Ông Trần Văn Phọt, 76 tuổi, hội viên Hội Cựu chiến binh ấp Tân Thành, chia sẻ: “Lớn tuổi rồi, tôi chỉ ngủ được giấc đầu hôm. Ban đêm hay thức dậy lấy nước vào vuông tôm, sẵn tiện đi tuần luôn. Có lần gặp đối tượng đang xiệc cá, tôi nói rằng tuyến sông này có người quản lý, nếu không đi là tôi báo công an. Ðối tượng sợ, bỏ chạy”.

Tạo điều kiện chuyển đổi nghề

Không chỉ xử phạt, địa phương còn rà soát, lấy ý kiến người dân để hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp. Ông Nghĩa cho biết: “Qua rà soát, trên địa bàn xã có nhiều hộ cần chuyển đổi nghề. Xã đã lập kế hoạch hỗ trợ tùy theo nhu cầu. Hộ nào cần vốn sẽ được giới thiệu tham gia các tổ, hội để được vay tín chấp từ Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển kinh tế. Ðã có rất nhiều hộ chuyển đổi thành công”.

Chị Trần Thanh Thúy, ấp Tân Trung, là một trong những trường hợp như vậy. “Nhà tôi chỉ có 3 công đất, nuôi tôm không đủ sống. Thấy người ta đi xiệc cá kiếm được vài triệu đồng mỗi đêm, gia đình tôi cũng làm theo. Làm được hơn một tháng thì chính quyền ấp đến vận động, nói đó là hành vi sai quy định, trái pháp luật. Gia đình tôi sợ nên giao nộp ngay. Sau đó, chúng tôi được hỗ trợ vay 40 triệu đồng chuyển đổi nghề. Tôi học làm lú rồi nhận hàng về làm. Giờ vợ chồng mỗi ngày kiếm được 400-500 ngàn đồng, tôi thấy vậy là ổn định rồi”.

Chị Trần Thanh Thúy được hỗ trợ vay 40 triệu đồng chuyển đổi nghề, thu nhập dần ổn định.

Chị Trần Thanh Thúy được hỗ trợ vay 40 triệu đồng chuyển đổi nghề, thu nhập dần ổn định.

Câu chuyện ở xã Tân Duyệt, huyện Ðầm Dơi không chỉ cho thấy quyết tâm của chính quyền mà còn là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của cộng đồng trong bảo vệ NLTS. Khi người dân được tin tưởng giao trách nhiệm, được hỗ trợ chuyển đổi sinh kế, họ sẵn sàng đồng hành, góp sức, thậm chí đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ môi trường sống chung. “Chuyện gì khó - có dân lo”, khi dân đã hiểu, đồng lòng thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Ðây cũng là kinh nghiệm quý để nhân rộng mô hình, lan tỏa tinh thần trách nhiệm trong bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, vì tương lai bền vững cho thế hệ mai sau.

“Toàn huyện hiện có 74 tổ cộng đồng chống khai thác NLTS mang tính tận diệt, với 701 thành viên, để kịp thời phát hiện, tố giác các hành vi mua, bán chất nổ, chất độc, công cụ kích điện, sử dụng chất nổ, chất độc, công cụ kích điện khai thác thủy sản trái phép. Bằng mọi biện pháp quyết liệt, quyết tâm đến hết tháng 6, Ðầm Dơi sẽ chấm dứt tình trạng khai thác thủy sản tận diệt và bảo vệ thành công NLTS tự nhiên”, ông Nguyễn Văn Chiến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, tâm huyết.

Kim Cương

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chuyen-gi-kho-co-dan-lo-a39193.html
Zalo