Cuộc chiến giữ màu xanh của biển

Vùng biển Tây Nam từ lâu được ví như một 'kho vàng xanh' với tiềm năng to lớn về phát triển kinh tế biển. Khu vực này quy tụ hơn 150 hòn đảo lớn, nhỏ, là 'mái nhà' của hàng triệu loài thủy sản và là nguồn sống bao đời của cư dân ven biển.

Thế nhưng, sự phong phú của tài nguyên biển lại trở thành mục tiêu của các hành vi khai thác trái phép, đặc biệt là nạn đánh bắt hủy diệt bằng xung điện, thuốc nổ hoặc dùng lưới mắt nhỏ, khai thác sai vùng, sai mùa ... Trước thực trạng nhức nhối ấy, những người lính biên phòng nơi tuyến đầu đã và đang phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, ngày đêm bám biển, kiên quyết ngăn chặn các hoạt động xâm hại tài nguyên, giữ gìn sự sống cho biển cả và cho bao phận người đang nương mình vào lòng đại dương.

Xa rồi những ngày ghe tàu đầy ắp cá, tôm

Ở vùng biển Tây Nam, từ Phú Quốc, Nam Du đến Thổ Chu, người ta từng truyền tai nhau về một thời biển “cho không tiếc” khi chỉ cần ra khơi vài ngày là ghe tàu đã đầy ắp cá, tôm. Ông Trần Văn Sinh, thuyền trưởng tàu KG 94451 TS, người gắn bó lâu năm với nghề khai thác hải sản nhớ lại: “Hồi đó ghe nhỏ, máy yếu, không có thiết bị hiện đại nhưng ra khơi là y như rằng trở về đầy khoang cá. Có lần kéo lưới xong, cá bạc cả mạn thuyền”.

Cá, tôm đầy ắp, phiên chợ sớm hay những bãi cá nhộn nhịp và rộn tiếng cười nói mỗi khi tàu cập bến là hình ảnh thân quen của các làng chài vùng biển Tây Nam... nhưng đó chỉ là chuyện quá khứ. Giờ đây, chuyến ra khơi của bà con ngư dân không còn là hành trình của hy vọng mà trở thành canh bạc của sự sinh tồn. Ở chính những ngư trường từng sôi động như cửa sông Cái Lớn, vùng ven đảo Nam Du hay Hòn Tre, ngư dân phải đi xa hơn, lâu hơn và rủi ro hơn để tìm kiếm chút tôm, cá. Anh Đào Văn Lành, ngư dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang bộc bạch: “Lúc trước biển nhiều cá, giờ thì ít hơn rõ rệt. Một số ghe đánh thuốc nổ, hóa chất làm cá không còn chỗ nương náu. Nếu cứ tiếp tục như vậy, mai này chắc biển chẳng còn gì để đánh bắt”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Xà Lực (BĐBP tỉnh Kiên Giang) kiểm đếm tang vật là phương tiện đánh bắt hủy diệt.

Cán bộ Đồn Biên phòng Xà Lực (BĐBP tỉnh Kiên Giang) kiểm đếm tang vật là phương tiện đánh bắt hủy diệt.

Tâm sự của anh Lành cũng là lời cảnh tỉnh về tài nguyên biển đang dần cạn kiệt. Việc sử dụng xung điện, thuốc nổ, chất độc để đánh bắt không chỉ hủy diệt ngay lập tức hàng loạt loài thủy sản mà còn làm tổn thương nghiêm trọng hệ sinh thái biển. Rạn san hô-“lá phổi” của đại dương bị phá hủy không thương tiếc. Một số khảo sát của ngành chức năng cho thấy, sản lượng đánh bắt tự nhiên ở nhiều khu vực ven biển Tây Nam đã giảm 30-50% trong vòng chưa đầy 10 năm. Sự biến mất của các loài cá nhỏ cũng khiến các loài cá lớn, cá dữ mất nguồn thức ăn, đẩy cả hệ sinh thái vào nguy cơ mất cân bằng nghiêm trọng.

Cuộc chiến thầm lặng của Bộ đội Biên phòng

Trước thực trạng đáng báo động về nạn khai thác hủy diệt, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Kiên Giang đã trở thành lực lượng nòng cốt trong cuộc chiến giữ biển. Tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Kinh Dài (Đồn Biên phòng Tây Yên, BĐBP tỉnh Kiên Giang), mỗi ngày, hàng trăm lượt tàu cá được kiểm tra nghiêm ngặt từ giấy tờ pháp lý, thiết bị giám sát hành trình đến ngư cụ mang theo trước khi rời bến. Những động thái tưởng chừng khắt khe ấy thực chất là “bộ lọc” đầu tiên để ngăn chặn vi phạm, góp phần làm trong sạch môi trường khai thác, xây dựng thói quen đánh bắt đúng quy định trong cộng đồng ngư dân. Thiếu tá Nguyễn Văn Lành, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Kinh Dài khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết kiểm tra theo đúng quy định pháp luật. Đặc biệt là đấu tranh với các phương tiện tàng trữ, sử dụng ngư cụ đánh bắt tận diệt. Ngoài kiểm tra tại chốt, lực lượng còn tổ chức kiểm tra lưu động, vận động người dân báo tin khi phát hiện hành vi vi phạm”.

Dù các biện pháp kiểm soát ngày càng được siết chặt, nhưng bằng nhiều cách tinh vi, vẫn có những ngư dân lén lút mang theo ngư cụ bị cấm sử dụng và vẫn có những con tàu âm thầm khai thác sai vùng, sai tuyến. Dưới lớp vỏ bọc của những chiếc tàu đánh bắt thông thường, các đối tượng khai thác hủy diệt ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh hơn. Họ thường lợi dụng đêm tối, chọn những khu vực ven bờ, quanh các đảo xa để lén lút hoạt động. Nhiều tàu cá được cải hoán, ngụy trang ngư cụ bị cấm dưới các khoang chứa, lắp đặt thiết bị theo dõi từ xa nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Không ít trường hợp, khi bị phát hiện và yêu cầu dừng tàu kiểm tra, các đối tượng đã cố tình chống đối, tăng tốc bỏ chạy, thậm chí có hành vi tấn công lực lượng chức năng để thoát thân. Thiếu tá Ngô Văn Lẹ, Đồn Biên phòng Tây Yên chia sẻ: “Các đối tượng không hợp tác có thể quăng bỏ những công cụ đó khiến không còn chứng cứ để mình xử lý. Đối với những đối tượng đó, chúng tôi tiến hành đưa lực lượng áp sát thật nhanh để tạo yếu tố bất ngờ; tổ chức quay phim, chụp ảnh ghi lại những bằng chứng, vật chứng mà họ tiêu hủy để làm chứng cứ xử lý sau này, quyết tâm không khoan nhượng”.

Cuộc chiến giữ màu xanh cho biển chưa bao giờ dễ dàng nhưng cũng chưa từng dừng lại. Bởi phía sau là cả một hệ sinh thái, cả một tương lai của hàng nghìn gia đình sống nhờ vào biển. Minh chứng cho tinh thần ấy là nhiều vụ việc đã được lực lượng BĐBP tỉnh Kiên Giang phát hiện và xử lý. Đặc biệt, có những vụ việc nghiêm trọng đã bị đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. “Trong năm 2024, chúng tôi cũng đã phát hiện nhiều vụ sử dụng thuốc nổ và kích điện để khai thác thủy sản. Điển hình như Hải đội 2 đã bắt giữ 1 vụ sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản tại khu vực Hòn Nghệ. Phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm phối hợp với Đồn Biên phòng Gành Dầu tuần tra, kiểm soát, bắt giữ một tàu vận chuyển khoảng 12,8kg thuốc nổ. Đồn Biên phòng Nam Du cũng đã tuần tra, kiểm soát, phát hiện một tàu đang tàng trữ 13kg thuốc nổ sử dụng đánh bắt thủy sản. Đây là một trong những hành vi rất nguy hiểm”, Đại tá Vũ Thế Phấn, Trưởng phòng Phòng, chống ma túy và tội phạm, BĐBP tỉnh Kiên Giang dẫn chứng.

Pháp luật là công cụ, lực lượng chức năng là tuyến đầu, nhưng yếu tố then chốt để chiến thắng lâu dài trong cuộc chiến chống khai thác hủy diệt chính là sự thay đổi trong nhận thức của ngư dân. Vì thế, công tác vận động quần chúng luôn được BĐBP tỉnh Kiên Giang chú trọng. Từ những buổi tuyên truyền tập trung, đến từng lần xuống tàu, từng câu chuyện được kể chân thật, dễ hiểu... giúp ngư dân thấy rõ rằng: Giữ biển không chỉ là giữ lấy sinh kế cho hôm nay mà còn là giữ gìn sự sống cho mai sau. Đó không chỉ là nhiệm vụ của lực lượng BĐBP, Cảnh sát biển hay của các cơ quan chức năng, mà còn là trách nhiệm của mỗi ngư dân, những người gắn bó máu thịt với biển cả. Từ đó, tạo thành thế trận “tai mắt nhân dân” khép kín, trở thành cánh tay nối dài hỗ trợ lực lượng BĐBP trong cuộc chiến giữ gìn sự trong lành và bền vững cho ngư trường Tây Nam. Ngư dân Nguyễn Văn Cường, ở TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “BĐBP tuyên truyền kỹ lắm nên ai cũng biết đánh bắt bằng thuốc nổ, bằng điện là sai. Nếu gặp ai vi phạm, chúng tôi sẵn sàng báo cho bộ đội biết và xử lý”.

Chống khai thác tận diệt không chỉ là cuộc truy quét mà là hành trình bền bỉ vun đắp ý thức để mỗi chuyến ra khơi không chỉ là mưu sinh, mà còn là một lần gìn giữ. Khi ngư dân đồng hành, khi luật pháp được tôn trọng và lòng người hướng về đại dương thì biển sẽ hồi sinh. Giữ biển là giữ lấy tương lai. Đó không phải là lựa chọn mà là sứ mệnh. Một sứ mệnh không của riêng ai.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/cuoc-chien-giu-mau-xanh-cua-bien-829943
Zalo