Vụ cựu giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia nhận hối lộ: Nhiều cá bộ công chức 'nhúng chàm' thế nào?

Viện Kiểm sát xác định có nhiều đối tượng là viên chức, người làm công ăn lương tại Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia liên quan đến vụ án ông Hoàng Quốc Hùng nhận hối lộ.

Bị can Hoàng Quốc Hùng.

Bị can Hoàng Quốc Hùng.

Theo báo Tiền phong, Viện KSND Tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố các bị can: Hoàng Quốc Hùng, cựu Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia (Trung tâm LLTPQG); Lương Nhân Hòa (cựu Phó giám đốc); Nguyễn Đình Cảnh (cựu Phó trưởng Phòng Hành chính - tổng hợp, Trung tâm LLTPQG) và Phạm Quang Hậu (nhân viên Công ty luật Vicco) về tội “Nhận hối lộ”.

19 bị can khác bị truy tố về các tội “Đưa hối lộ” hoặc “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo cáo trạng, ngoài quy kết nhóm Hoàng Quốc Hùng và Phạm Quang Hậu, nhận hối lộ hơn 43 tỷ đồng thông qua cấp phiếu LLTP cho hơn 55.000 trường hợp, cơ quan truy tố còn xác định 11 cá nhân tại Trung tâm LLTP Quốc gia, có liên quan. Cụ thể, cơ quan tố tụng xác định, bà Lương Thị Hằng (thủ quỹ); Nguyễn Đình Kỳ (Phó trưởng phòng Tiếp nhận và xử lý thông tin); Lê Vân Anh (Chuyên viên Phòng Hành chính tổng hợp), đã thông qua bị can Phạm Quang Hậu để được giải quyết một số hồ sơ cấp Phiếu LLTP và trích một phần tiền để hưởng lợi.

Tuy nhiên, Viện kiểm sát xét thấy tính chất, mức độ hành vi của các cá nhân nêu trên thực hiện trong thời gian dài nhưng số lượng hồ sơ ít, số tiền hưởng lợi không lớn. Bên cạnh đó, các cá nhân này chỉ là viên chức, không có thẩm quyền quyết định trong việc cấp Phiếu LLTP; họ có nhân thân tốt, đã chủ động khai báo, tích cực hợp tác trong quá trình điều tra và tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền hưởng lợi (Hằng nộp hơn 6,6 triệu đồng; Vân Anh nộp hơn 13,6 triệu đồng; Kỳ nộp 27 triệu đồng). Do đó, Cơ quan tố tụng không xem xét trách nhiệm hình sự mà kiến nghị để cơ quan chức năng xem xét, xử lý hành chính.

Đối với 8 cá nhân làm việc tại bộ phận tiếp nhận, trả kết quả và phòng hành chính tổng hợp, gồm: Hoàng Mỹ Linh, Trần Mạnh Hùng, Lê Minh Hoàng, Nguyễn Kiều Ly, Nguyễn Thế Dũng, Lê Minh Quang, Mai Ngọc Chính, Phạm Hùng Ngọc Dũng, cơ quan tố tụng xác định họ chỉ là người làm công ăn lương, thực hiện công việc hằng ngày theo chỉ đạo của cựu Giám đốc Trung tâm LLTP Quốc gia Hoàng Quốc Hùng, không tham gia bàn bạc và cũng không hưởng lợi, nên không xem xét trách nhiệm hình sự.

Báo An ninh thủ đô đưa theo cáo trạng, bị can Hoàng Quốc Hùng lợi dụng chức vụ quyền hạn cùng với bị can Phạm Quang Hậu (lái xe riêng trước đây của Hùng) nhận hối lộ hơn 43 tỷ đồng để cấp 55.713 Phiếu LLTP trái pháp luật. Trong đó, Hùng hưởng lợi gần 40 tỷ đồng, Hậu hưởng lợi hơn 4,1 tỷ đồng.

Liên quan, Viện kiểm sát xác định, bị can Nguyễn Ngọc Thư từng là nhân viên Phòng Hành chính tổng hợp (bộ phận một cửa) tại Trung tâm LLTP. Từ tháng 12-2020 đến tháng 12-2022, Thư làm việc ở Phòng Tiếp nhận và xử lý thông tin, Phòng Dữ liệu LLTP, sau đó thôi việc để lao động tự do.

Trong thời gian công tác, Thư biết Phạm Quang Hậu là lái xe cũ của Hùng và được bị can Hùng giao làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ, nhận tiền chung chi dịch vụ cấp Phiếu LLTP. Vì vậy, Thư nhờ cựu lái xe của Hùng giúp nộp hồ sơ.

Phạm Quang Hậu thỏa thuận chi phí từ 1,4 - 2 triệu đồng một hồ sơ, trong đó bao gồm lệ phí quy định là 200 nghìn đồng, các phí dịch vụ phát sinh như dịch thuật, công chứng, chuyển phát và chi phí cho cán bộ, lãnh đạo Trung tâm để được tiếp nhận, giải quyết cấp phiếu.

Thống nhất chi phí với Hậu, Thư sau đó trao đổi với một số cá nhân nhận làm dịch vụ cấp Phiếu LLTP. Bị can thu thêm mỗi hồ sơ 100.000 đồng và hưởng lợi số tiền này. Tổng cộng, bị can Thư đưa hối lộ cho cựu Giám đốc Trung tâm LLTP Hoàng Quốc Hùng và Phạm Quang Hậu số tiền 1,8 tỷ đồng để được giải quyết cấp 2.268 Phiếu LLTP. Bản thân Thư hưởng lợi 226 triệu đồng.

Về phần mình, bị can Nguyễn Ngọc Cường (cựu Biên tập viên NXN Tư pháp, Bộ Tư pháp) thông qua Nguyễn Ngọc Thư để làm dịch vụ cấp Phiếu LLTP.

Theo hướng dẫn của Thư, Cường nhận hồ sơ của khách hàng, bỏ trống thông tin nơi cư trú để đảm bảo thẩm quyền cấp Phiếu LLTP tại Trung tâm LLTP quốc gia. Cường thu của khách hàng thêm 100 nghìn đồng so với mức giá Thư đưa ra và hưởng lợi số tiền này.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 5-2019 đến tháng 12-2022, Nguyễn Ngọc Cường đưa hối lộ 326 triệu đồng để được cấp 408 Phiếu LLTP và hưởng lợi hơn 40 triệu đồng.

Tương tụ, bị can Nguyễn Thị Ngọc là chuyên viên Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp Hà Nội) từ năm 2012-2022. Dù là cán bộ Sở Tư pháp nhưng Ngọc không làm dịch vụ xin cấp Phiếu LLTP tại Sở Tư pháp Hà Nội do thời gian trả kết quả lâu.

Thay vào đó, thông qua một số cá nhân, Ngọc biết Trung tâm LLTP có thể trả kết quả nhanh hơn nên đã liên hệ bị can Lương Nhân Hòa (cựu Phó Giám đốc Trung tâm LLTP) để làm dịch vụ. Tổng cộng, Ngọc đưa hối lộ 7,1 tỷ đồng để được cấp 9.494 Phiếu LLTP trái quy định và hưởng lợi cá nhân 474 triệu đồng.

Bị can Nguyễn Thị Thu Hiền (cựu cán bộ Vụ Pháp chế, Bộ KH&CN) có quen biết từ trước với Lương Nhân Hòa nên đã liên hệ, thỏa thuận với Hòa để cấp Phiếu LLTP cho khách hàng. Từ tháng 7-2019 đến tháng 4-2022, Hiền đưa hối lộ 462 triệu đồng để giải quyết cấp 616 Phiếu LLTP trái quy định, hưởng lợi 30 triệu đồng.

Đáng chú ý, cáo trạng của Viện KSND tối cao cho thấy, cựu Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đã sử dụng nhiều mánh khóe trong quá trình phạm tội. Đây cũng là lý do dẫn tới số phiếu lý lịch tư pháp được "cấp nhanh" vô cùng lớn.

Cụ thể, báo Thanh niên cho hay, theo quy đinh, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trong trường hợp công dân Việt Nam không xác định được nơi thường trú hoặc tạm trú. Nếu xác định được nơi thường trú hoặc cư trú, thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp sẽ do sở tư pháp các địa phương thực hiện.

Để "gom" hồ sơ về đầu mối của mình, ông Hùng hướng dẫn Hậu khi nhận hồ sơ sẽ để trống thông tin nơi thường trú, tạm trú và quá trình cư trú trên tờ khai; đồng thời sử dụng hộ chiếu thay vì chứng minh nhân dân hoặc căn cước công an, vì hộ chiếu không thể hiện thông tin nơi cư trú. Tất cả những điều này nhằm hợp thức thẩm quyền cấp phiếu cho Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia.

Đặc biệt, ông Hùng một mặt nghiêm cấm nhân viên tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia trực tiếp làm dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp, mặt khác lại chỉ đạo cấp dưới phải tiếp nhận, xác minh, tra cứu và cấp phiếu đối với các hồ sơ không ghi thông tin nơi thường trú, tạm trú.

Bằng các thủ đoạn nêu trên, từ tháng 1.2019 - tháng 7.2023, ông Hùng cùng với Hậu đã nhận hối lộ tổng cộng hơn 43 tỉ đồng để "cấp nhanh" 55.713 phiếu lý lịch tư pháp. Trong đó, ông Hùng hưởng lợi gần 39 tỉ đồng, Hậu hưởng lợi hơn 4,1 tỉ đồng.

Lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp theo quy định là 200.000 đồng. Ông Hùng yêu cầu chi "hoa hồng" 700.000 đồng/hồ sơ, Hậu thu thêm 100.000 - 150.000 đồng/phiếu khi nhận hồ sơ từ các đầu mối trung gian. Các đầu mối trung gian tiếp tục thu thêm khoản chênh lệch để hưởng lợi, càng qua nhiều mối thì chi phí càng cao. Cao nhất, người dân phải trả đến 2,5 triệu đồng/phiếu lý lịch tư pháp "cấp nhanh".

Kết quả điều tra cũng cho thấy, tham gia đường dây "cấp nhanh" phiếu lý lịch tư pháp có hàng chục đầu mối trung gian. Trong số này, có cả cán bộ công tác tại các đơn vị có liên quan đến quy trình cấp phiếu.

Một trong những đầu mối lớn nhất là Nguyễn Xuân Thọ, đại diện văn phòng giao dịch Công ty Luật TNHH Vicco. Thọ quen Hậu và được Hậu giới thiệu về việc quen ông Hùng, có thể làm thủ tục "cấp nhanh" phiếu lý lịch tư pháp.

Thọ cho Hậu làm cộng tác viên của Công ty Luật TNHH Vicco. Mỗi hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp, Hậu thu của Thọ 850.000 đồng, Thọ cộng thêm 100.000 đồng trên mỗi phiếu để hưởng lợi cá nhân.

Nhật Hạ (t/h)

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/vu-cuu-giam-doc-trung-tam-ly-lich-tu-phap-quoc-gia-nhan-hoi-lo-nhieu-ca-bo-cong-chuc-nhung-cham-the-nao-16485.html
Zalo