'Chuyển đổi xanh không thể là cuộc chơi đơn độc của doanh nghiệp'
Theo TS.Trần Thị Hồng Minh, mức độ triển khai chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, còn khoảng cách đáng kể giữa nhận thức và hành động.
Doanh nghiệp loay hoay "xanh hóa"
Sáng 22/4, phát biểu tại Diễn đàn “Khơi thông nguồn lực cùng doanh nghiệp chuyển đổi xanh”, TS.Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cho biết, hành trình xanh hóa doanh nghiệp Việt Nam đang bị kìm hãm bởi các nhóm "nút thắt" lớn, đòi hỏi nhận diện rõ để có giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Trong khi một số doanh nghiệp đã tích cực thực hiện chuyển đổi xanh, trách nhiệm đối với môi trường, xã hội và quản trị (ESG) được quan tâm và đẩy mạnh, thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi xanh tại Việt Nam còn diễn ra chậm và thiếu đồng đều, đặc biệt là trong khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Mức độ triển khai chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, còn khoảng cách đáng kể giữa nhận thức và hành động, mức độ sẵn sàng tham gia còn thấp chưa thể hiện rõ xu hướng tái cấu trúc mô hình kinh doanh theo hướng bền vững”, bà Minh nhấn mạnh.

TS.Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược.
Theo đó, phí đầu tư ban đầu cho các công nghệ sạch, hệ thống năng lượng tái tạo hay quy trình sản xuất thân thiện với môi trường là rất lớn, trong khi hơn 90% doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn đã hạn chế về năng lực tài chính. Thêm vào đó, các gói hỗ trợ tài chính xanh hiện có vẫn rất khó tiếp cận, khiến doanh nghiệp càng thêm dè dặt.
Khảo sát cho thấy, gần 47% doanh nghiệp thiếu nhân sự chuyên môn phục vụ chuyển đổi xanh. Nhiều đơn vị không biết bắt đầu từ đâu, thiếu thông tin về tiêu chuẩn quốc tế, không có đội ngũ tư vấn hoặc chỉ thực hiện “xanh hóa” khi bị yêu cầu từ đối tác.
Song song với đó là những rào cản về công nghệ và hạ tầng. Theo đó, gần một nửa doanh nghiệp không có đội ngũ chuyên môn về ESG hay chuyển đổi xanh, dẫn đến việc triển khai mang tính đối phó hoặc thiếu định hướng.
“Chúng ta nói nhiều đến doanh nghiệp xanh, nhưng đến nay vẫn chưa có một định nghĩa pháp lý chính thức về khái niệm này”, TS. Minh nêu rõ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược cho biết, việc thiếu khung tiêu chí, thiếu hướng dẫn cụ thể, cùng sự chồng chéo giữa các bộ ngành và chính sách hỗ trợ rời rạc khiến doanh nghiệp lúng túng, không biết phải làm đến đâu là “đủ chuẩn”, trở thành “lực cản” cho các doanh nghiệp.
“Chuyển đổi xanh không thể là cuộc chơi đơn độc của doanh nghiệp. Nó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, khối tư nhân, tổ chức tài chính, viện nghiên cứu và cộng đồng xã hội”, TS.Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn, mà đã trở thành đòi hỏi bắt buộc trong bối cảnh toàn cầu hóa gắn với các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe. Theo ông Nguyễn Minh Khôi - Giám đốc Chương trình của Viện Tony Blair vì sự Thay đổi Toàn cầu cho rằng Việt Nam cần một cách tiếp cận hệ thống, với chính sách “may đo” phù hợp thực tiễn doanh nghiệp trong nước.
Ông Khôi chỉ ra xu hướng tiêu dùng và chính sách thương mại toàn cầu đang dịch chuyển nhanh chóng theo hướng xanh. 45% người tiêu dùng tại châu Âu sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm thân thiện môi trường.
Cùng lúc, các quy định mới từ EU như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay Quy định chống phá rừng (EUDR) đã và đang tạo áp lực rất lớn lên hàng hóa xuất khẩu từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Những hàng hóa như thép, xi măng, nhôm, cà phê, ca cao, cao su, dầu cọ… sẽ khó vào thị trường EU nếu không chứng minh được tính bền vững của chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng phần lớn doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn thiếu nguồn lực để thích ứng với những yêu cầu mới.
“Nếu không có sự hỗ trợ bài bản từ chính sách công, chúng ta sẽ để lỡ cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị xanh toàn cầu”, vị Giám đốc nhấn mạnh.
Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là “bộ đôi song hành”
Từ những cơ hội cũng như thách thức trên, ông Nguyễn Minh Khôi cũng đề xuất giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp Việt chuyển đổi xanh hiệu quả. Trước hết, cần thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng xanh quốc gia - một cơ chế tài chính đặc thù giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn đầu tư vào công nghệ sạch mà không bị rào cản bởi điều kiện tài sản thế chấp. Đây là mô hình đã được triển khai hiệu quả ở nhiều quốc gia như Indonesia.

Ông Nguyễn Minh Khôi - Giám đốc Chương trình của Viện Tony Blair.
Đồng thời, chuẩn hóa hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bằng cách ứng dụng công nghệ blockchain, định danh điện tử (TWIN), hoặc tuân thủ các tiêu chuẩn như EUDR. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp minh bạch hóa quy trình sản xuất mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường yêu cầu cao về tính bền vững.
Ông Nguyễn Minh Khôi cũng đề xuất rà soát và cập nhật các chính sách thuế nhập khẩu đối với công nghệ xanh. Việc miễn hoặc giảm thuế cho thiết bị, công nghệ phục vụ xanh hóa sản xuất sẽ tạo động lực đầu tư mạnh mẽ hơn, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi.
Giải pháp cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là hỗ trợ các startup đổi mới sáng tạo xanh. Đây là lực lượng tiên phong, linh hoạt và có khả năng tạo đột phá trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, xử lý chất thải, sản xuất tuần hoàn hay nông nghiệp bền vững. Ông Khôi nhấn mạnh, cần có cơ chế “vườn ươm” từ chính sách tới tài chính, để các sáng kiến xanh có thể phát triển thành mô hình kinh doanh thực sự.
Theo ông Nguyễn Minh Khôi, Việt Nam cần xây dựng một “kiến trúc xanh” ở cấp độ quốc gia - nơi Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức tài chính, cơ quan nghiên cứu và xã hội dân sự cùng phối hợp hành động.
“Chuyển đổi xanh không thể là gánh nặng đơn phương của doanh nghiệp. Nó phải là một chiến lược đồng bộ, được dẫn dắt bằng tầm nhìn và hậu thuẫn bằng thể chế”, ông nói.
Tại đây, ông Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số cũng nhấn mạnh chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là “bộ đôi song hành” tạo động lực kép cho phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Theo ông Giang, chuyển đổi xanh chính là giai đoạn phát triển tiếp theo của tiến trình chuyển đổi số. Sự kết nối giữa dữ liệu và chuyển đổi xanh được minh chứng bằng các mô hình kinh doanh mới: các hệ thống quản lý năng lượng số (EMS), truy xuất chuỗi cung ứng bằng blockchain, đo lường phát thải carbon theo thời gian thực… không thể tồn tại nếu không có nền tảng số hóa.
“Không có dữ liệu thì không có kiểm soát. Không có kiểm soát thì không thể "xanh hóa" được bất kỳ quá trình nào”, ông Giang nói.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số.
Ông Giang nhấn mạnh, để chuyển đổi xanh hiệu quả, doanh nghiệp không thể thiếu nền tảng dữ liệu. Dữ liệu phải trở thành “đầu vào” và là “năng lượng” mới cho toàn bộ tiến trình tạo ra giá trị.
Đây cũng là cơ sở để hình thành “cỗ máy vốn hóa dữ liệu” giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành, tối ưu sử dụng tài nguyên và giảm phát thải một cách chủ động. Từ góc nhìn thực tiễn, các doanh nghiệp cần đi theo một lộ trình rõ ràng trong chuyển đổi số để đạt mục tiêu xanh hóa.
Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số kêu gọi doanh nghiệp không chỉ coi chuyển đổi số là “nhiệm vụ công nghệ”, mà cần nhìn nhận đây là chiến lược toàn diện, đặt nền móng cho phát triển xanh và bền vững.
“Chuyển đổi số không chỉ là điều kiện cần, mà còn là điều kiện đủ để doanh nghiệp chuyển đổi xanh một cách thực chất”, ông Giang khẳng định.