'Mệnh lệnh' tăng cường hợp tác, giữ chân FDI trong bối cảnh thách thức thuế quan

Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ đang làm gia tăng căng thẳng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong khi đó, Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách và chủ động tăng cường phối hợp với khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho rằng, bối cảnh hiện tại, không chỉ là cơ hội để hai bên thắt chặt hợp tác, mà còn là một 'mệnh lệnh' thúc đẩy hành động quyết liệt từ cả hai phía.

Tại Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 chiều 23/4, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, tính đến hết tháng 3/2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký vượt 510 tỷ USD, nằm trong nhóm 15 quốc gia thu hút FDI lớn nhất toàn cầu.

Cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau nhận diện các thách thức, điều chỉnh tư duy, cách làm để thích nghi, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Cộng đồng doanh nghiệp cùng nhau nhận diện các thách thức, điều chỉnh tư duy, cách làm để thích nghi, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

"Việt Nam đang có một môi trường rất phù hợp để các doanh nghiệp FDI phát triển. Nhưng để đi xa, chúng ta cần đi cùng nhau, cần sự chia sẻ và đóng góp từ chính cộng đồng doanh nghiệp FDI", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn tồn tại những vấn đề cố hữu, mang tính then chốt trong nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng đến tốc độ và hiệu quả thu hút đầu tư, Thứ trưởng khẳng định Việt Nam quyết tâm cải cách sâu rộng ở nhiều khâu, từ chính sách thuế, thủ tục hải quan đến các quy trình đầu tư.

“Mục tiêu là nâng cao hiệu suất, rút ngắn thời gian xử lý, giảm chi phí và góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam", đại diện Bộ Tài chính cam kết.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang đưa ra những chính sách thuế, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho rằng đây chính là cơ hội cho cả hai bên tăng cường hợp tác, nhưng đồng thời cũng là mệnh lệnh để cả hai bên quyết tâm thực hiện.

Sáng cùng ngày, tại buổi làm việc của Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương và đoàn hiệp hội thương mại nước ngoài, doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp đã thẳng thắn chia sẻ về những thách thức thực tế mà họ đang đối mặt.

Theo đó, các khó khăn này không chỉ bắt nguồn từ môi trường đầu tư trong nước mà còn do bị tác động mạnh bởi những biến động trên thương trường quốc tế, đặc biệt là các chính sách thuế quan mới từ Hoa Kỳ. Đây là yếu tố đang tạo ra làn sóng điều chỉnh thương mại toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng và hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành hàng chủ lực.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, những biến động từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đã khiến hoạt động xuất khẩu hàng dệt may của doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI sang thị trường này trở nên thiếu ổn định: “Nhiều đơn hàng lớn đã bị trì hoãn hoặc tạm dừng, gây ảnh hưởng dây chuyền đến việc làm của người lao động, sự ổn định của thị trường và niềm tin của các đối tác quốc tế đối với ngành dệt may Việt Nam”.

Đề xuất hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp FDI vượt qua giai đoạn khó khăn, ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp giữ chân và hỗ trợ người lao động, đặc biệt trong các ngành nghề dễ bị tổn thương. Song song đó là việc tìm kiếm và mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới, giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Đại diện Ngân hàng UOB Việt Nam cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

“Đặc biệt, Việt Nam cần mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực tăng trưởng mới như: xây dựng thương hiệu và sản phẩm mang bản sắc Việt; phát triển ngành máy móc - thiết bị, phần mềm, điện tử tiêu dùng, cũng như các lĩnh vực liên quan đến phát triển bền vững và ESG”, ông Victor Ngo gợi ý.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/menh-lenh-tang-cuong-hop-tac-giu-chan-fdi-trong-boi-canh-thach-thuc-thue-quan-1106353.html
Zalo