Chuyển đổi xanh cho TPHCM mới: Cần gỡ về thể chế và tài chính

Sáng 13-5, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức tọa đàm khoa học 'Các trụ cột chuyển đổi xanh của TPHCM mở rộng'.

 Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Phạm Bình An cùng lãnh đạo Trường Đại học VinUni điều hành thảo luận. Ảnh: M.HOA

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Phạm Bình An cùng lãnh đạo Trường Đại học VinUni điều hành thảo luận. Ảnh: M.HOA

Trọng tâm chuyển đổi: Công nghiệp, giao thông

TS Phan Thụy Kiều đại diện nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu phát triển, cho rằng, TPHCM cần sớm hoàn thiện khung chính sách tăng trưởng xanh để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, nhất là trong bối cảnh phát thải khí nhà kính lớn nhất cả nước và có thể gia tăng khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo nhóm nghiên cứu, giao thông và công nghiệp là hai lĩnh vực phát thải chính, trong đó riêng phương tiện giao thông tạo ra 13 triệu tấn CO2 /năm. Việc chuyển đổi sang xe buýt điện, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch trong sản xuất là những trọng tâm ưu tiên nhằm đảm bảo phát triển bền vững đến năm 2030 và xa hơn.

Gợi mở về động lực chuyển đổi xanh cho TPHCM mới, Ths Hồ Nguyễn Thái Bão, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho rằng, sau khi tái cấu trúc địa giới hành chính, TPHCM mở rộng diện tích lên hơn 6.700 km² và đứng trước thời cơ trở thành trung tâm kinh tế xanh của vùng Đông Nam bộ.

Trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, logistics xanh, tài chính xanh và kinh tế tuần hoàn. Lợi thế mới về quỹ đất, hạ tầng liên vùng và hệ sinh thái biển từ Bà Rịa – Vũng Tàu, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp trung hòa carbon, sản xuất thiết bị điện gió, và dịch vụ vận tải thủy xanh. Tuy nhiên, Thành phố cũng đối mặt với thách thức môi trường, đặc biệt tại các vùng rừng ngập mặn, đòi hỏi giải pháp quy hoạch đồng bộ và hướng tới mô hình phát triển bền vững.

PGS-TS Phan Thị Thục Anh, Trường Đại học VinUni cho biết, với vai trò là đối tác chiến lược, VinUni đã đồng hành cùng Nha Trang – Khánh Hòa xây dựng hai đề án chuyển đổi xanh cấp thành phố và cấp tỉnh, trở thành mô hình tiên phong cả nước. Dự án huy động hơn 50 chuyên gia trong và ngoài nước, mang lại tác động cụ thể trong các lĩnh vực như du lịch xanh, giao thông xanh, nông nghiệp xanh và lối sống xanh.

Đáng chú ý, tỷ lệ sử dụng vận tải công cộng ở Nha Trang chỉ 2,6%, trong khi 100% phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặt ra nhu cầu cấp thiết cho giao thông xanh. Ngoài ra, đề án đã đề xuất hơn 100 dự án cụ thể, hàng chục bộ tiêu chí, công cụ quản lý hiện đại như Digital Twin và BEMS, góp phần biến Khánh Hòa thành hình mẫu chuyển đổi xanh, thu hút đầu tư và nâng cao chất lượng sống bền vững.

Với TPHCM mở rộng, VinUni đề xuất tập trung vào các trụ cột chuyển đổi xanh, như công nghiệp (bao gồm cả lĩnh vực năng lượng), giao thông, nông nghiệp và môi trường, lối sống… Một số mô hình cụ thể như triển khai chợ truyền thống “không rác nhựa”, mô hình “khu phố không rác chôn lấp” và vườn rau trên mái kết hợp điện mặt trời. Giáo dục sống xanh trong trường học, áp dụng chatbot tư vấn tiêu dùng bền vững và công nghệ Digital Twin điều hành giao thông cũng là những giải pháp đáng chú ý…

 Chuyên gia từ VinUni góp ý về các trụ cột chuyển đổi xanh của TPHCM mở rộng. Ảnh: M.HOA

Chuyên gia từ VinUni góp ý về các trụ cột chuyển đổi xanh của TPHCM mở rộng. Ảnh: M.HOA

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Theo ông Lê Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuyển đổi xanh là tài chính và cơ chế pháp lý. Trong khi ngân sách nhà nước hạn hẹp và thủ tục sử dụng rất phức tạp, thì nhiều quỹ ngoài ngân sách lại sẵn sàng hỗ trợ đầu tư xanh với lãi suất thấp hoặc thậm chí không lãi. Do đó, cần sớm có cơ chế huy động, sử dụng các nguồn lực linh hoạt hơn.

Bên cạnh đó, những vướng mắc về thể chế, như trong Đề án kinh tế tuần hoàn ở Côn Đảo, đang khiến nhiều địa phương “vừa làm vừa mò” do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng. Ông cũng nhấn mạnh tình trạng chồng chéo trong quản lý, nhiều lĩnh vực có tới vài sở ngành cùng phụ trách, nhưng không rõ ai là đầu mối.

Còn theo đại diện Vũ Phong Energy Group, chuyển đổi xanh trong công nghiệp là trụ cột quan trọng và cấp thiết, cần hành động quyết liệt hơn để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tăng sử dụng năng lượng tái tạo.

Nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư điện mặt trời mái nhà nhưng vướng cơ chế, trong khi thời gian thu hồi vốn kéo dài. Câu chuyện mua bán điện trực tiếp từng được kỳ vọng, nhưng đến nay chỉ có Samsung thực hiện được. “Doanh nghiệp Việt Nam thì sao?” – đại diện Vũ Phong Energy Group đặt vấn đề, đồng thời đề xuất cần có đơn vị chuyên trách hỗ trợ kỹ thuật, pháp lý và nâng cao năng lực cán bộ địa phương để đồng hành với doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi.

MAI HOA

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuyen-doi-xanh-cho-tphcm-moi-can-go-ve-the-che-va-tai-chinh-post795054.html
Zalo