Chuột, giòi đầy đường, rác chất cao 2 mét, mùi hôi bao trùm Birmingham

Những ngày gần đây, Will Timms gần như không có giờ nào ngơi nghỉ. Chuyên gia kiểm soát dịch hại này dành cả ngày để rong ruổi khắp Birmingham, xử lý chuột, gián, sinh vật lạ trong nhà người dân.

 Thành phố lớn thứ 2 của Anh đang ngập trong rác. Ảnh: CNN.

Thành phố lớn thứ 2 của Anh đang ngập trong rác. Ảnh: CNN.

Điện thoại anh không ngừng đổ chuông khi khoảng 17.000 tấn rác chất đống trên các con phố ở thành phố lớn thứ hai của Anh.

“Mùi hôi không thể chịu nổi”, Timms nói với CNN. “Thức ăn thối rữa, dòi từ các túi rác, bò ra, lúc nhúc trên sàn nhà”.

Chuột to hơn cả mèo chạy khắp thành phố

Công nhân thu gom rác của Birmingham đang đình công để yêu cầu tăng lương, khiến khoảng 1,2 triệu cư dân tại đây không được thu gom rác suốt nhiều tuần qua. Các túi rác chất thành đống, có nơi cao đến vài mét, rải rác khắp các con phố lát gạch đỏ. Ở khu Balsall Heath, gió rít qua các lỗ thủng trên đống rác đang phân hủy - nơi chuột và chuột cống đã khoét hang làm tổ.

“Nó chẳng khác gì nhà hàng 5 sao cho lũ chuột, lại còn có cả khách sạn đi kèm”, Timms mỉa mai.

Công việc của Timms đang bùng nổ - đến mức anh không thể xử lý hết và phải chuyển bớt cho các đối thủ cùng ngành. Anh cho biết số cuộc gọi từ người dân phát hiện chuột trong nhà tăng khoảng 50% kể từ khi cuộc đình công bắt đầu.

Đây là một bức tranh ảm đạm về thành phố thuộc nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới - nơi từng là trung tâm của cuộc cách mạng công nghiệp nước Anh, nhưng trên thực tế, chưa đầy hai năm trước đã tuyên bố phá sản.

“Rác ở khắp nơi, chuột cũng vậy... Chúng to hơn cả mèo,” Abid, một người qua đường tại Balsall Heath nói với CNN. “Đây là nước Anh. Năm 2025 rồi. Chuyện gì đang xảy ra vậy?”.

Mọi chuyện bắt đầu khi gần 400 công nhân thu gom rác đình công vì chính quyền thành phố quyết định loại bỏ một vị trí công việc trong hệ thống nhân sự. Nghiệp đoàn Unite, đại diện cho người lao động, cho rằng động thái này chặn đứng cơ hội tăng lương của công nhân và giáng cấp một số người, khiến họ có thể mất tới 8.000 bảng Anh (khoảng 10.390 USD) mỗi năm.

Hội đồng thành phố Birmingham phủ nhận con số này và cho biết đã đề nghị các vị trí thay thế cùng cơ hội đào tạo lại cho những người bị ảnh hưởng. Trên trang web của mình, hội đồng tuyên bố “không công nhân nào bị mất thu nhập” và cho rằng thay đổi nhân sự là một phần thiết yếu trong nỗ lực trở nên “ổn định về tài chính” và hiện đại hóa dịch vụ thu gom rác.

Cuộc tranh chấp căng thẳng này đã bước sang tháng thứ tư liên tiếp và ngày càng leo thang. Ban đầu, các cuộc đình công diễn ra gián đoạn, nhưng từ đầu tháng 3, nó đã chuyển sang đình công vô thời hạn. Hiện chỉ còn một số công nhân và nhân viên hợp đồng làm việc, và theo hội đồng thành phố, chưa đến một nửa số xe rác hoạt động như bình thường.

Một số khu vực của thành phố chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn các khu khác khi CNN đến khảo sát vào tuần trước.

Hôm 31/3, hội đồng thành phố tuyên bố tình trạng “sự cố nghiêm trọng” - cơ chế cho phép triển khai thêm xe thu gom rác khẩn cấp trên toàn thành phố. Hội đồng cũng cho biết người biểu tình đã chặn xe rác tại các kho chứa, khiến việc thu gom từ các hộ gia đình giảm mạnh.

“Đây là một công việc nguy hiểm, dơ bẩn và đòi hỏi thể lực cao... nên người lao động xứng đáng được trả công xứng đáng”, ông Onay Kasab, đại diện cấp quốc gia của công đoàn Unite, nói với CNN.

 Công nhân môi trường đình công kéo dài khi chính quyền thành phố quyết định loại bỏ một vị trí công việc trong hệ thống nhân sự. Ảnh: CNN.

Công nhân môi trường đình công kéo dài khi chính quyền thành phố quyết định loại bỏ một vị trí công việc trong hệ thống nhân sự. Ảnh: CNN.

Tài chính kiệt quệ

Hơn một thập kỷ trước, loạt phim nổi tiếng “Peaky Blinders” của đài BBC - kể về một băng nhóm tội phạm ở Birmingham thập niên 1920 - đã giúp thành phố này nổi tiếng toàn cầu, kéo theo ngành du lịch và một phần danh tiếng cần thiết.

Nhưng Birmingham đang gặp khó khăn.

Cuối năm 2023, Hội đồng thành phố Birmingham - do Đảng Lao động cầm quyền điều hành - đã nộp thông báo theo Điều 114, tương đương với việc tuyên bố phá sản trong chính quyền địa phương, tạm ngừng tất cả chi tiêu ngoài các dịch vụ thiết yếu như giáo dục và thu gom rác.

Thành phố lâm vào tình trạng này phần lớn do các tranh chấp về vấn đề bình đẳng lương kéo dài nhiều năm, buộc họ phải chi trả khoản bồi thường khổng lồ cho các cựu nhân viên - chủ yếu là phụ nữ từng bị trả lương thấp hơn nam giới cho cùng một công việc.

Tuy nhiên, những sai lầm trong quản lý cũng góp phần khiến tình hình thêm trầm trọng.

Nhu cầu sử dụng dịch vụ ngày càng tăng khi người dân Birmingham sống lâu hơn, trong khi chi phí cung cấp các dịch vụ leo thang. Đây là tình trạng chung của nhiều chính quyền địa phương trên khắp nước Anh, vốn đang ở bờ vực khủng hoảng tài chính.

Chính quyền địa phương Anh nhận phần lớn ngân sách từ các khoản trợ cấp của chính phủ trung ương. Nhưng kể từ năm 2010, các khoản trợ cấp này giảm mạnh khi chính phủ Bảo thủ thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” kéo dài để cắt giảm nợ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Tài chính công (Institute for Fiscal Studies) công bố vào tháng 6/2024, nguồn tài chính tính theo đầu người của các hội đồng ở Anh - bao gồm cả thuế địa phương và trợ cấp - hiện thấp hơn trung bình 18% so với năm 2010.

Với Timms - người đã gắn bó cả đời với thành phố - tình trạng rác thải hiện tại khiến anh không khỏi đau lòng. “Tôi tức giận với cách thành phố đang xuống cấp”, anh nói. “Nó ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả mọi người”.

Tuy nhiên, những tin tức tiêu cực không thể che mờ tình yêu của anh với quê hương.

“Người Birmingham có sự đoàn kết rất đặc biệt, điều đó thật tuyệt vời”, anh nói. “Tôi yêu thành phố bằng cả trái tim”.

Hà Linh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuot-gioi-day-duong-rac-chat-cao-2-met-mui-hoi-bao-trum-birmingham-post1543219.html
Zalo