Vì sao các hãng tàu vẫn 'xa lánh' tuyến đường Biển Đỏ?

Mặc dù đã có nhiều triển vọng hòa bình ở Trung Đông trong thời gian qua, các hãng tàu vận tải hàng hải quốc tế vẫn e ngại việc quay lại tuyến đường biển trọng yếu tại khu vực này.

Kể từ khi lực lượng vũ trang Houthis (Yemen) bắt đầu chiến dịch tấn công các tàu thương mại đi qua Biển Đỏ vào năm 2023, các hãng vận tải hàng hải quốc tế đã tránh tuyến đường biển này và lựa chọn đi vòng qua Mũi Hảo Vọng phía nam châu Phi - một chuyến đi kéo dài và tốn kém hơn nhiều.

Tuy vậy, theo tờ The New York Times, trong khi lực lượng Houthis đã tuyên bố hôm 19-1 sẽ dừng chiến dịch tấn công theo thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas, lưu lượng tàu đi qua tuyến đường vận tải quan trọng này vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước đây.

Chưa an tâm để quay lại Biển Đỏ

Vào tháng 2-2025, gần 200 tàu container đã đi qua Eo biển Bab el-Mandeb - cửa ngõ ở phía nam Biển Đỏ - nơi lực lượng Houthis tập trung các cuộc tấn công, theo dữ liệu từ công ty phân tích vận tải hàng hải Lloyd's List Intelligence. Con số này tăng so với 144 tàu ghi nhận vào tháng 2-2024 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức hơn 500 tàu trước khi lực lượng Houthis bắt đầu chiến dịch tấn công.

 Mặc dù lực lượng Houthis đã tuyên bố ngừng tấn công, lưu lượng tàu đi qua tuyến đường vận tải ở Biển Đỏ vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước. Ảnh: AFP

Mặc dù lực lượng Houthis đã tuyên bố ngừng tấn công, lưu lượng tàu đi qua tuyến đường vận tải ở Biển Đỏ vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước. Ảnh: AFP

Một trong những lý do mà các hãng vận tải hàng hải không có kế hoạch quay trở lại Biển Đỏ đó là họ vẫn chưa thấy các nước đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài, mang tính rộng mở và bao quát tình hình Trung Đông.

"Các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn vẫn chưa mang lại sự tự tin mà khách hàng của chúng tôi cần để chuyển hướng 100% trở lại qua Kênh đào Suez, và chúng tôi không có dự báo rằng điều đó sẽ thay đổi trong tương lai gần" - ông Chris Greenwood - phó Chủ tịch công ty quản lý cảng và hàng hải đa quốc gia Inchcape Shipping Services, nói.

Thêm vào đó, các hãng tàu vận tải cũng lo ngại rằng họ có thể phải lặp lại những thay đổi tốn kém và đột ngột trong hoạt động của mình nếu tình hình quanh Biển Đỏ trở nên nguy hiểm và bất ổn một lần nữa.

Hãng tàu biển Maersk (có trụ sở tại Đan Mạch) cho biết họ "sẽ tiếp tục lựa chọn đi vòng qua phía nam châu Phi cho đến khi việc đi lại an toàn qua khu vực [Biển Đỏ] mang tính bền vững hơn".

Tương tự, Mediterranean Shipping Company - một hãng vận tải hàng hải lớn ở Ý - nói rằng "để đảm bảo an toàn cho các thủy thủ và đảm bảo tính nhất quán và khả năng dự đoán của dịch vụ cho khách hàng", hãng cũng sẽ tiếp tục điều tàu đi vòng qua phía nam châu Phi.

Lợi nhuận từ tuyến đường mới

Một lý do khác đó là các công ty vận tải hàng hải đã phần lớn thích nghi với sự gián đoạn ở Biển Đỏ, và thậm chí còn hưởng lợi từ việc giá cước vận chuyển tăng đột biến sau khi lực lượng Houthis bắt đầu tấn công các tàu thương mại đi qua khu vực.

Điều này là do các công ty vận chuyển đã đặt mua hàng trăm tàu chở hàng mới khi họ thu được lợi nhuận dồi dào từ sự bùng nổ thương mại toàn cầu trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Thông thường, tình trạng dư thừa tàu sẽ làm chi phí vận chuyển giảm mạnh.

Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra vì các tàu buộc phải sử dụng tuyến đường vòng qua châu Phi. Kết quả là nhu cầu về tàu vận tải tăng mạnh và đẩy giá thuê tàu lên cao trên tất cả các tuyến vận chuyển toàn cầu.

Ông Greenwood cho biết việc chuyển hướng khỏi Biển Đỏ đã dẫn đến nhu cầu vận chuyển đối với tàu chở hàng tăng 4,5%, nhu cầu về tàu chở dầu tăng 7,5% và nhu cầu đối với tàu chở container tăng 17%.

 Các công ty vận tải hàng hải đã phần lớn thích nghi, thậm chí còn hưởng lợi từ việc giá cước vận chuyển tăng đột biến sau những căng thẳng quanh Biển Đỏ. Ảnh: MAERSK

Các công ty vận tải hàng hải đã phần lớn thích nghi, thậm chí còn hưởng lợi từ việc giá cước vận chuyển tăng đột biến sau những căng thẳng quanh Biển Đỏ. Ảnh: MAERSK

Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu đầu tư S&P Global (Mỹ), giá vận chuyển ngay lập tức một container loại 12,2 m lên đến hơn 5.200 USD vào đầu tháng 1-2025, cao nhất kể từ mùa hè năm 2022. Mặc dù đã giảm xuống còn khoảng 3.000 USD/container vào giữa tháng 2 vừa qua, mức giá này vẫn cao hơn rất nhiều so với mức giá dưới 1.000 USD/container trước khi xung đột Hamas-Israel xảy ra.

Triển vọng về giao thương qua Biển Đỏ

Tuy vậy, triển vọng về tình hình vận tải biển quanh châu Phi trong tương lai vẫn tiếp tục là một ẩn số đối với các hãng vận tải hàng hải trên thế giới.

Một mặt, các chuyên gia đánh giá rằng Mỹ chưa cho thấy những triển vọng rõ ràng trong tương lai gần về việc dập tắt khả năng tấn công của lực lượng Houthis trên Biển Đỏ. Trung tướng Alexus G. Grynkewich - chỉ huy các chiến dịch của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - cho biết các cuộc không kích mới nhất của Mỹ nhằm vào lực lượng Houthis có "mục tiêu rộng hơn nhiều" so với các chiến dịch dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Các chuyên gia khu vực Trung Đông cũng cho biết lực lượng Houthis đã chứng minh rằng họ có khả năng hành động độc lập và có thể chống cự lại các cuộc tấn công với lực lượng lớn hơn nhiều. Điều này tiếp tục khiến các hãng tàu vận tải e ngại quay trở lại tuyến đường vận tải hàng hải truyền thống này.

"Một giải pháp quân sự riêng lẻ, đặc biệt là giải pháp tập trung vào các cuộc không kích, có thể sẽ không đủ để đánh bại Houthis và ngăn chặn vĩnh viễn các hoạt động tấn công của họ" - ông Jack Kennedy, chuyên gia phân tích rủi ro khu vực Trung Đông làm việc tại S&P Global, nhận định.

TRỌNG TẤN

Nguồn PLO: https://plo.vn/vi-sao-cac-hang-tau-van-xa-lanh-tuyen-duong-bien-do-post842800.html
Zalo