Chương trình truyền thông về Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024 : Bước đột phá của sự chung tay

Nhằm triển khai Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; hướng đến mục tiêu của Chính phủ là đưa phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050, thời gian qua chính quyền TP Hà Nội đã cùng các cấp, ngành không ngừng nỗ lực đưa ra các quyết sách, với nhiều chương trình, kế hoạch.

Chương trình truyền thông về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024” do Báo Kinh tế & Đô thị chủ trì, cũng chính là hiện thực hóa mục tiêu của TP, góp phần lan tỏa tinh thần, trách nhiệm tác bảo vệ môi trường Thủ đô của mọi tầng lớp Nhân dân.

Điểm khác biệt của Chương trình năm nay

Chương trình truyền thông về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024” gồm 2 nội dung: Nội dung thứ nhất - mang tính chủ đạo của chương trình là Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024”, chính thức khởi động ngay sau TP ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND ngày 15/4/2024 và kết thúc thời gian nhận bài vào 10/10/2024. Nội dung thứ hai là tổ chức các sự kiện truyền thông về bảo vệ môi trường, điển hình là tọa đàm “Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó”.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ phát động Chương trình truyền thông về "Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023". Ảnh: Phạm Hùng

Các đại biểu thực hiện nghi lễ phát động Chương trình truyền thông về "Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023". Ảnh: Phạm Hùng

Theo ông Nguyễn Thành Lợi - Trưởng BTC, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị, 2024 là năm thứ 4, Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024” được tổ chức và là năm thứ 2 được nâng cấp lên thành Chương trình truyền thông về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội”. Điểm khác biệt của năm nay, đó là Chương trình truyền thông về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024” nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô của Báo Kinh tế & Đô thị. Vì thế, trong khuôn khổ Chương trình, tọa đàm "Giảm khí thải bằng chuyển đổi phương tiện xanh: Câu chuyện không phải dễ hay khó" được tổ chức, với sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành, đã góp phần không nhỏ trong việc tìm ra giải pháp hiệu quả trong tổ chức giao thông, phát triển loại hình vận tải xanh và phương tiện công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân; lan tỏa tinh thần, trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức và cá nhân về bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm khói, bụi từ khí thải phương tiện giao thông, nâng cao chất lượng không khí và chất lượng cuộc sống cho người dân, hướng tới sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Cùng với đó, điểm nhấn - yếu tố cốt lõi của Chương trình truyền thông vẫn là Cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội. Năm nay là lần thứ 4 diễn ra Cuộc thi. Cuộc thi chính thức khởi động ngay sau Kế hoạch 117/KH-UBND ban hành và kết thúc thời gian nhận bài vào 10/10/2024 – kéo dài thêm 10 ngày so với kế hoạch ban đầu, là 30/9/2024.

“Mặc dù thời gian triển khai Cuộc thi khá gấp rút, chỉ trong vòng hơn 5 tháng, lại chịu ảnh hưởng nặng nề của bão số 3, song năm nay Cuộc thi vẫn nhận được sự quan tâm, tham gia của đông đảo độc giả cả nước, đặc biệt là những người đang sinh sống, học tập và công tác trên địa bàn Hà Nội. Tổng số lượng bài dự thi năm nay là 2.976 bài, tăng 616 bài so với năm 2023 (2.360 bài), gấp gần 10 lần so với năm đầu tiên – 2020 (299 bài). Trong đó có nhiều loạt bài tham dự được đăng trên các báo T.Ư và Hà Nội. Nhìn chung bài dự thi đã đáp ứng được mục tiêu đề ra là lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường TP Hà Nội đến đông đảo cộng đồng ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Đặc biệt, có không ít tác phẩm dự thi của các phóng viên, nhà báo, chuyên gia… đã chạm trúng vấn đề trong cải thiện môi trường của Hà Nội, được thể hiện với nhiều thể loại khác nhau, nhưng phần lớn thể hiện rõ nét phong cách báo chí hiện đại – báo chí thời công nghệ số, như: Longform, eMagazine, Multimedia, Megastory, báo chí đa phương tiện,…” - ông Nguyễn Thành Lợi chia sẻ.

Cũng theo ông Nguyên Thành Lợi, các bài dự thi tập trung vào 4 chủ đề chính: Thứ nhất, đề cập việc thực hiện phân loại, xử lý rác thải và đề xuất giải pháp hiệu quả cho Hà Nội theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Thứ hai, phản ánh, ghi nhận nỗ lực của Hà Nội trong việc cải thiện môi trường sông, hồ, làng nghề và đề xuất thêm giải pháp; Thứ ba, cập nhật về thực trạng ô nhiễm không khí và giải pháp cho Hà Nội; Thứ tư, phản ánh cách làm hay, các sáng kiến cải thiện môi trường và hành động đẹp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố Hà Nội trong công tác bảo vệ môi trường.

Dấu ấn Cuộc thi viết

Một trong những thành công đáng ghi nhận của Cuộc thi, đó là bên cạnh những tác giả gạo cội là những chuyên gia, phóng viên, nhà báo, đã có hàng nghìn bài dự thi của cán bộ, giáo viên, học sinh tại 114 trường học trên địa bàn Thủ đô. Chất lượng bài thi dù chưa như mong muốn nhưng rõ ràng sự vào cuộc tích cực của ngành giáo dục mà cụ thể là Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội, Phòng Giáo dục & Đào tạo các quận/huyện, Ban giám hiệu các trường,… đã lan tỏa được ý thức, trách nhiệm đối với môi trường Thủ đô không chỉ trong cán bộ, giáo viên, học sinh ở 114 trường học mà còn lan tỏa được vào tư duy trong đông đảo các em học sinh ở các cấp khác nhau. Điển hình như: Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai) với 610 bài; THCS Đa Tốn (huyện Gia Lâm) với 268 bài; Trường THCS Nguyễn Du (huyện Sóc Sơn) gần 180 bài; Trường THCS Trương Công Giai, Trường THCS Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) với hơn 100 bài/trường;…

Theo BTC, Cuộc thi viết về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội năm 2024” đã trải qua 3 vòng: vòng Sơ loại, Sơ khảo và Chung khảo. Ở vòng Sơ loại, Ban Thư ký Cuộc thi đã chọn ra 40 tác phẩm vào vòng Sơ khảo. Hội đồng Sơ khảo sau một tuần làm việc cũng đã chọn được 30/40 tác phẩm vào vòng Chung khảo. Ở vòng Chung khảo, hội đồng cũng đã phải cân lên đặt xuống. Trong số 30 tác phẩm lọt vào Chung khảo, phần lớn là tác phẩm của các phóng viên, nhà báo - những người viết chuyên nghiệp, đang công tác tại các cơ quan báo chí, như: Báo Tuổi trẻ, Lao động, Nông thôn ngày nay, Dân trí, Đài tiếng nói Việt Nam, Báo điện tử VTC News, Kinh tế & Đô thị, Tuổi trẻ Thủ đô, Lao động Thủ đô, tạp chí Kinh tế Môi trường, Phụ nữ Thủ đô, Đài truyền hình Hà Nội, tạp chí Môi trường và Cuộc sống,…

Chương trình truyền thông về “Bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024” đã nhận được sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp. Có thể kể đến như: Tập đoàn Vingroup, Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco), Công ty Unilever Việt Nam, Công ty CP chuỗi thực phẩm TH (TH Truemilk), Công ty CP Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội, Công ty TNHH MTV Môi trường Hà Nội (Urenco), Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), Tổng công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng đô thị Hà Nội (UDIC)… Đây là những doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình phát triển kinh tế xanh, góp phần lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường Thủ đô, chung sức tạo nên thành công cho Chương trình.

Đáng nói, đối với các loạt bài của những cây bút chuyên nghiệp đến từ các cơ quan báo chí T.Ư và Hà Nội đã thể hiện rõ sự chuyên nghiệp trong chọn, triển khai vấn đề. Điển hình là loạt bài phóng sự điều tra 3 kỳ “Sông Đáy đang bị bức tử” của tác giả Nguyễn Quý (Báo Kinh tế & Đô thị), đã chỉ ra được những sai phạm bởi công trình trái phép, trạc thải lấn sông, khiến con sông từng được coi là một trong những biểu tượng thiên nhiên của Thủ đô cứ chết dần chết mòn. Đây là tác phẩm mà tác giả đã dày công tìm hiểu, thậm chí trong quá trình tác nghiệp cũng chịu nhiều sức ép nhưng với bản lĩnh của người làm báo, tác giả đã vượt qua được những khó khăn, trở ngại để phanh phui những sai phạm làm ảnh hưởng tới môi trường.

Tiếp đến là tác phẩm:Vị thế của Thủ đô Hà Nội trong mục tiêu Netzero vào năm 2050 của Chính phủ” (4 kỳ) được trình bày dưới dạng Emagazine của nhóm tác giả: Nguyễn Văn Chương, Phạm Thị Giang, Nguyễn Mạnh Quân, Nguyễn Hải An (tạp chí Kinh tế Môi trường). Qua tuyến bài, nhóm tác giả đã đưa ra những ý kiến mang tính chuyên sâu của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường với mong muốn Thủ đô Hà Nội giữ vai trò tiên phong trong mục tiêu Việt Nam đạt NetZero vào năm 2050.

Một đề tài mà cũng chính là ý tưởng của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ trong một lần tiếp xúc cử tri huyện Sóc Sơn, thu hút sự quan tâm và phấn khởi trong cộng đồng người dân Thủ đô, đã được báo Lao động đề cập bằng loạt bài 5 kỳ ở thể loại báo chí đa phương tiện: “Tiến tới hiện thực hóa ý tưởng biến bãi rác lớn nhất Hà Nội thành công viên”của tác giả: Thiều Thị Thu Trang và Nguyễn Cao Hải Danh, đã cho độc giả cái nhìn toàn cảnh một cách sinh động nhất về thực tế những gì đang tồn tại và diễn ra ở khu xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội. Sức nặng của tác phẩm chính là ý kiến của chuyên gia về những yếu tố mà Hà Nội cần lưu ý khi muốn “biến” bãi rác thành công viên, giúp lãnh đạo TP có những quyết sách phù hợp và hiệu quả.

Năm nay, đề tài liên quan đến cải tạo chất lượng môi trường nước sông Tô Lịch cũng được các báo khai thác sâu với nhiều góc tiếp cận khác nhau. Song nhìn chung là các tác phẩm đều thể hiện sự lạc quan về sự hồi sinh “dải lụa đen” – dòng sông Tô Lịch, khi Hà Nội đang khẩn trương thực hiện thi công nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Có thể kể đến tác phẩm: loạt bài 4 kỳ “Ô nhiễm sông Tô Lịch: Dự án 20 nghìn tỷ có giúp "dải lụa đen" hồi sinh?” của tác giả Nguyễn Văn Định – Trần Việt Phương (bút danh: Gia Khiêm – Việt Phương, Báo Nông thôn ngày nay); “Hơn 300 cống xả biến sông Tô Lịch thành cống nước đen lộ thiên, Hà Nội “giải cứu” thế nào?” (3 kỳ) của nhóm tác giả: Vũ Anh Văn, Phạm Đức Huy, Nguyễn Thị Vui, Phạm Thị Thu Hương, Đỗ Huy Mạnh (Báo điện tử VTC News); “Đường ống ngầm kỳ vọng hồi sinh sông Tô Lịch” (2 kỳ) của tác giả Nguyễn Hồng Quang (báo Tuổi trẻ); “Hồi sinh” sông Tô Lịch: Đừng giậm chân tại chỗ” của tác giả: Nguyễn Văn Hải và Cao Thị Mỹ Hà (Báo Dân trí);… Đáng nói, các loạt bài trên đều ít nhiều đề cập tới giải pháp để Hà Nội về đích đúng hẹn.

Liên quan tới vấn đề phân loại rác thải, một số tác phẩm dự thi đã không bỏ qua đề tài mang tính thời sự của năm 2024, đó là việc chuẩn bị và thực hiện phân loại rác tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vào đầu năm 2025 của Hà Nội. Ở loạt bài 5 kỳ của tác giả Nguyễn Thị Giáng với chủ đề “Hà Nội với quyết tâm phân loại rác tại nguồn” đăng trên chuyên trang Pháp luật và Xã hội (báo Kinh tế & Đô thị) cũng đãphản ánh sinh động về tình hình thực hiện triển khai thí điểm phân loại rác tại quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng… với sự chuyển biến rõ nét về nhận thức của người dân trong việc thực hiện chủ trương phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tuy nhiên, tác giả cũng cho thấy quá trình thí điểm vẫn có những bất cập cần sớm được tháo gỡ và nêu rõ các kiến nghị, giải pháp của đơn vị chính quyền, công ty môi trường và người dân.

Cùng đề tài này, nhóm tác giả: Hồng Linh - Diệp Trang - Thụy Bảo - Gia Hân - Vũ Thái (là các em học sinh, sinh viên Hà Nội cùng nhau tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn) đã có loạt bài 3 kỳ Hạn cuối phân loại chất thải rắn vào cuối năm 2024, có khả thi?” cũng đã thể hiện sự tâm huyết ở góc nhìn về việc phân loại rác trong nhà trường và đề xuất một số giải pháp để việc thực hiện được hiệu quả.

Ngoài ra, bài của GS.TS Hoàng Xuân Cơ với chủ đề: Hai việc lớn Hà Nội cần phải làm ngay cho vấn đề môi trường” đăng trên báo Kinh tế & Đô thị; loạt bài 5 kỳ “Xây dựng nông thôn thành những miền quê đáng sống” của tác giả Trọng Tùng (Báo Kinh tế & Đô thị) hay tác phẩm Hành trình 12 năm nhặt rác quanh hồ Gươm của bà lão U70” của tác giả Nguyễn Văn Công (Trường cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội); ... cũng đã nêu bật được các vấn đề môi trường ở nhiều góc độ của Thủ đô, góp phần hiến kế giải pháp cũng như lan tỏa hành động đẹp vì môi trường Hà Nội.

Danh sách 16 tác phẩm đạt giải

Thương Huế

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuong-trinh-truyen-thong-ve-bao-ve-moi-truong-tren-dia-ban-tp-ha-noi-nam-2024-buoc-dot-pha-cua-su-chung-tay.html
Zalo