Khẳng định thương hiệu, điểm đến Di sản Mỹ Sơn trên bản đồ du lịch
Nếu 20 năm trước, khách tham quan đến Di sản Mỹ Sơn (Duy Xuyên, Quảng Nam) chỉ vài chục người/ngày. Thì nay, lượng khách tham quan đến với Mỹ Sơn có khi lên đến 2.000 du khách mỗi ngày, trong đó đa phần khách quốc tế. Lượng khách luôn vượt chỉ tiêu hằng năm so với mức đề ra, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của địa phương, tăng nguồn thu ngân sách Nhà nước, có kinh phí để đầu tư lại cho công tác bảo tồn di sản.
Bảo tồn gắn với phát huy di sản
Ông Nguyễn Công Khiết – Giám đốc Ban Quản lý (BQL) Di sản văn hóa Mỹ Sơn chia sẻ, nếu Hội An là cảng thị, đô thị cổ tập trung các hoạt động của con người thì Mỹ Sơn là thánh địa của người Chăm, là nơi thờ phụng thần linh gắn liền với tầng lớp tu sĩ Bà-la-môn nên lượng khách đến tham quan chủ yếu để khám phá về mặt tâm linh. Do đó nơi đây cũng hạn chế một số dịch vụ vui chơi giải trí, ăn uống..., nên không thu hút lượng khách đa dạng như Hội An.
Tuy nhiên, những năm qua, Mỹ Sơn luôn cố gắng làm tốt công tác bảo tồn và phát huy di sản một cách hài hòa, không quá nặng về nguồn thu, nhưng không có nghĩa thiếu đầu tư phục vụ du khách. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Mỹ Sơn đã, đang tập trung cho nguồn nhân lực và vật lực. Trong đó, nguồn vật lực trở thành yếu tố mấu chốt trong công tác bảo tồn. Theo đó, thông qua các nguồn lực hỗ trợ trong nước và quốc tế đã giúp hồi sinh nhiều nhóm đền tháp Mỹ Sơn. Đơn cử, từ năm 2003 – 2013, từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ Ý, Chính phủ Việt Nam và UNESCO đã tập trung bảo tồn nhóm tháp G tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 – 2022, Chính phủ Ấn Độ hỗ trợ bảo tồn 3 nhóm tháp A, K, H với gần 60 tỷ đồng…
Song song với việc nghiên cứu về di tích, công tác tìm hiểu các giá trị văn hóa của cộng đồng xung quanh và vùng phụ cận trong thời gian gần đây cũng được các tổ chức quốc tế quan tâm. Các kết quả từ công tác nghiên cứu khoa học đã để lại những công trình xuất bản có giá trị như phim tài liệu “Mỹ Sơn - Thung lũng thần linh và nghệ thuật”, hàng chục cuốn sách xuất bản về Mỹ Sơn, các cuộc trưng bày, triển lãm ở cộng đồng địa phương, các sự kiện văn hóa… đã góp phần vào việc nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ di sản và quảng bá đến công chúng.
Cùng với sự quan tâm về văn hóa vật thể, những giá trị về văn hóa phi vật thể hiện nay đang trở thành vấn đề quan trọng cần được bảo tồn gìn giữ và phát huy. Ngoài việc tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, củng cố các cơ sở khoa học thực hiện công tác bảo tồn gìn giữ văn hóa phi vật thể Chăm tại một vùng đất in đậm dấu ấn văn hóa Chăm như Mỹ Sơn nói riêng và Duy Xuyên nói chung, công tác quảng bá giá trị dân gian Chăm được đơn vị thường xuyên quan tâm. Trong 20 năm qua, giá trị nổi bật nhất của công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể là việc xây dựng thành công thương hiệu múa Chăm Mỹ Sơn. Bắt đầu từ nền văn hóa phi vật thể dân gian Chăm, BQL đã hình thành ý tưởng, xây dựng con người, ra đời Đội văn nghệ dân gian Chăm mà ngày nay là Phòng Văn hóa Nghệ thuật Dân gian Chăm...
Sản phẩm du lịch cũng được đổi mới và nâng cao chất lượng, xây dựng nhiều sản phẩm mới được du khách đánh giá cao. Phát triển dịch vụ xe điện thân thiện với môi trường và phù hợp với loại hình du lịch hiện đại. Đưa vào khai thác sản phẩm như chụp hình qua vé, cho thuê trang phục Chăm kết hợp với chụp hình in trên sản phẩm lưu niệm. Xây dựng và triển khai vị trí dừng nghỉ kết hợp quảng bá sản phẩm truyền thống Chăm trên hành trình tham quan theo lộ trình đi E, F. Đặc biệt, tổ chức biểu diễn văn nghệ dưới chân tháp mang lại nét mới, tạo sự sống động cho di tích.
Điểm đến trên bản đồ du lịch
Theo lãnh đạo BQL Di sản Mỹ Sơn, mặc dù nằm ở vị trí biệt lập, kiến trúc ngoài trời, hàng ngày đón một lượng khách tương đối đông, đối tượng khách đủ thành phần nhưng công tác an ninh trong mọi thời điểm đều được giữ an toàn. Đơn vị đã xây dựng lực lượng an ninh bảo vệ ngày một chính quy, chuyên nghiệp. Từ đó, tổ chức duy trì tốt công tác bảo vệ, trực thường xuyên, hầu hết hiện vật đã được bảo vệ nguyên vẹn, tính mạng du khách được an toàn. Trong 20 năm qua tại khu di tích không để xảy ra trường hợp gây mất ANTT nào đáng tiếc, không có việc trộm cắp hay xâm hại các hiện vật, công trình. Công tác bảo vệ các đoàn chính khách, bảo vệ các nguyên thủ trong nước và quốc tế tham quan Mỹ Sơn, các sự kiện, lễ hội diễn ra an toàn.
Lượng khách tham quan tăng trưởng hàng năm, năm sau cao hơn năm trước. Nếu 20 năm trước, khách tham quan chỉ vài trăm lượt, đến nay số lượng khách đạt hàng trăm ngàn lượt. Đối tượng khách ngày một mở rộng, thị trường khách ngày càng đa dạng. Cụ thể, năm 2023 là 378.778 lượt, đạt 343,2% so với cùng kỳ, trong đó khách nước ngoài đạt 334.416 lượt, đạt 500% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu đạt trên 60 tỷ đồng. Năm 2024 là 445.949 lượt, đạt 117,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách nước ngoài đạt 404.813 lượt, đạt 121,1% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ước đạt hơn 71 tỷ đồng…
“Có thể nói, qua 25 năm được vinh danh Di sản văn hóa thế giới, công tác quản lý, bảo tồn Mỹ Sơn đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Cơ sở pháp lý về bảo tồn Mỹ Sơn ngày càng được củng cố vững chắc, sự can thiệp trực tiếp qua công tác trùng tu, tôn tạo giúp kiến trúc di tích từng bước ra khỏi tình trạng đổ nát, sang giai đoạn ổn định, bền vững. Thời gian qua, Mỹ Sơn cũng triển khai tốt các chương trình, dự án hợp tác quốc tế trong việc khảo cổ, trùng tu các nhóm tháp, tranh thủ được nguồn lực và kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, qua đó các di tích được gìn giữ, bảo tồn, phát huy theo hướng bền vững. Song song với đó, công tác phát huy giá trị di sản với những sản phẩm du lịch được định hình đã khẳng định thương hiệu, điểm đến Di sản Mỹ Sơn trên bản đồ du lịch Quảng Nam và miền Trung Việt Nam, có sức lan tỏa đến vùng phụ cận xung quanh. Bộ mặt Mỹ Sơn ngày một thay đổi, đời sống cộng đồng từng bước nâng lên, góp phần tích cực trong phát triển KT-XH của địa phương”- ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao &Du lịch tỉnh Quảng Nam đánh giá.