Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?

Việc hàng nghìn người đổ xô đến một địa điểm để chụp hình là minh chứng cho việc văn hóa du lịch bị phụ thuộc vào mạng xã hội.

 TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ tại sự kiện giới thiệu sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường chiều ngày 1/12. Ảnh: Đức Huy.

TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ tại sự kiện giới thiệu sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường chiều ngày 1/12. Ảnh: Đức Huy.

Trong thời gian gần đây, người sử dụng mạng xã hội lan truyền câu nói: “Một chuyến đi thật sự trọn vẹn khi bạn có những tấm ảnh đẹp để đăng”. Nhiều tài khoản thể hiện sự đồng tình với điều này bởi đối với họ, những tấm hình là minh chứng cho một chuyến du lịch “thành công”.

Vậy nhưng, trong buổi chia sẻ với độc giả chiều ngày 1/12, TS Đặng Hoàng Giang cho rằng tư duy này đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.

Thiên nhiên bị thay thế bằng những tiểu cảnh nhân tạo

Du lịch theo trào lưu, chạy theo số đông để chụp hình đăng lên mạng xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho môi trường và văn hóa địa phương. Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.

Các khu vực hoang sơ, vốn mang giá trị sinh thái và văn hóa đặc biệt, bị xâm lấn bởi những công trình phục vụ việc “sống ảo”. Ví dụ, tại Đà Lạt, các hồ nước và cánh rừng tự nhiên đang dần bị thay thế bằng những tiểu cảnh nhân tạo như “cổng trời,” “tổ chim” hay hồ nước nhân tạo.

 Cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường. Ảnh: Tramdoc.

Cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường. Ảnh: Tramdoc.

TS Đặng Hoàng Giang nhận định: “Chúng ta đang biến những vẻ đẹp tự nhiên thành sân khấu để phục vụ cho thẩm mỹ của đám đông, bất chấp hậu quả nghiêm trọng đối với hệ sinh thái”.

Bên cạnh đó, không gian sống của người dân bản địa cũng chịu áp lực nặng nề khi phải thích nghi với nhu cầu của du khách. Các giá trị văn hóa về kiến trúc, cảnh quan, vốn gắn bó với đời sống và lịch sử của người dân, dần bị thương mại hóa hoặc thay thế bởi những hình thức giải trí thời thượng. Tại nhiều địa phương, người dân đã từ bỏ cách làm du lịch bền vững để tập trung vào các sản phẩm “ăn liền,” đáp ứng thị hiếu ngắn hạn.

Điều này có thể thấy ở đảo Boracay ở Philippines. Nơi đây từng được biết đến như một thiên đường nhiệt đới với bãi biển trắng mịn và hệ sinh thái biển phong phú. Tuy nhiên, trong những năm 2010, áp lực từ lượng khách du lịch tăng đột biến đã dẫn đến sự chuyển đổi từ du lịch bền vững sang việc tập trung xây dựng hàng loạt khu nghỉ dưỡng, nhà hàng nhằm đáp ứng nhu cầu ngắn hạn của du khách. Hệ quả là môi trường bị ô nhiễm. Do vậy, năm 2017-2018, nơi đây đã phải đóng cửa để cải tạo.

Trào lưu du lịch theo số đông không chỉ bóp méo khái niệm về cái đẹp mà còn khuyến khích lối sống tiêu dùng quá mức. Những bức ảnh lung linh trên mạng xã hội đôi khi phải trả giá bằng sự suy thoái môi trường và mất đi những giá trị bền vững.

Làm sao để thưởng thức thiên nhiên?

Đối diện với thiên nhiên ngày nay, không ít người cảm thấy bối rối khi tìm cách thực sự "thưởng thức" thay vì chỉ chụp ảnh. Thưởng thức thiên nhiên không chỉ là hành động quan sát mà còn đòi hỏi sự thấu hiểu và kết nối sâu sắc.

Một trong những cách để đạt được sự kết nối này là vận dụng kiến thức. TS Đặng Hoàng Giang giải thích rằng kiến thức có thể biến những điều tưởng như bình thường trở nên kỳ diệu. Ví dụ, khi hiểu về chu kỳ 120 năm của cây tre hoa nở có thể khiến ta cảm nhận được sự đặc biệt và quý giá của khoảnh khắc này.

 Bức tranh Thụy Sĩ trong lòng Đà Lạt từng gây sốt mạng xã hội. Sau khi tìm hiểu, nhiều người nhận ra khung cảnh Thụy Sĩ ở đây thực chất là một tấm bạt lớn, được căng phía trước một bức tường. Ảnh: Sơn Đoàn.

Bức tranh Thụy Sĩ trong lòng Đà Lạt từng gây sốt mạng xã hội. Sau khi tìm hiểu, nhiều người nhận ra khung cảnh Thụy Sĩ ở đây thực chất là một tấm bạt lớn, được căng phía trước một bức tường. Ảnh: Sơn Đoàn.

“Với kiến thức, thiên nhiên có thể kể cho chúng ta câu chuyện về tiến hóa, thời gian và sự sống”, TS Đặng Hoàng Giang nói.

Ngoài kiến thức, một yếu tố khác để thưởng thức thiên nhiên là khả năng tận dụng đa giác quan. Trong thế giới hiện đại đầy xao nhãng, việc tắt điện thoại và dành thời gian quan sát, lắng nghe âm thanh của rừng, hay cảm nhận làn gió thổi qua mặt có thể là một trải nghiệm mới lạ. Những hành động này giúp người du lịch thoát khỏi sự hời hợt và cảm nhận vẻ đẹp một cách trọn vẹn.

Ngoài ra, TS Đặng Hoàng Giang gợi ý rằng thay vì tìm kiếm những hình ảnh hoàn mỹ như các bức hình sống ảo trên mạng, người du lịch hãy khám phá sự đa dạng và bất ngờ của tự nhiên. Đằng sau những điều tưởng chừng kỳ lạ, như chiếc mũi dài của loài khỉ hay đôi chân to lớn của một loài chim nước, lại là câu chuyện về sự tiến hóa. Khi hiểu được chức năng và ý nghĩa của những đặc điểm này, người đi du lịch sẽ nhận ra vẻ đẹp chân thực và sâu sắc của thiên nhiên.

Qua đó, thiên nhiên không chỉ là nơi để thư giãn mà còn là nguồn cảm hứng vô tận, giúp con người nhìn nhận cuộc sống một cách sâu sắc hơn.

Thưởng thức thiên nhiên không chỉ mang lại niềm vui mà còn giúp con người hiểu rõ hơn về sự gắn kết giữa bản thân và môi trường. Từ đó, mỗi chuyến đi không chỉ là hành trình khám phá, mà còn là cơ hội để con người học hỏi và trân trọng thế giới quanh mình.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/he-luy-cua-cuoc-chay-dua-du-lich-song-ao-post1515389.html
Zalo