Chương trình phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng 'Cho đi là còn mãi'

Chiều ngày 20/5, tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà (thành phố Hưng Yên), Công đoàn Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Công đoàn ngành Y tế Việt Nam tổ chức chương trình phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng tới toàn thể cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà.

Chương trình phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng "Cho đi là còn mãi"

Chương trình phát động đăng ký hiến tặng mô, tạng "Cho đi là còn mãi"

Đây là hoạt động hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và Công đoàn Y tế Việt Nam trong Chương trình đăng ký hiến tặng mô, tạng "Cho đi là còn mãi” .

Phát biểu tại chương trình, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Gia Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết, từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992, đến cuối năm 2024, Việt Nam đã thực hiện được 9.516 ca ghép tạng tại 27 bệnh viện và trung tâm trên cả nước. Trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.000 ca ghép tạng thành công, cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Dù số lượng được ghép cao như vậy nhưng danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài, mỗi ngày có có rất nhiều người không có tạng để ghép. Một người chết não hiến tạng, có thể cứu sống 6-8 người, giúp cải thiện sức khỏe gần 100 người, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình và xã hội. Năm 2024, Việt Nam đã có 41 ca hiến tặng mô, tạng sau khi chết. Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước có 33 ca hiến tặng mô, tạng. Đây là điểm nhấn mở ra cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân chờ ghép khác.

Tại Hưng Yên, ngày 31/12/2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức phẫu thuật lấy, vận chuyển 2 đơn vị tạng từ một bệnh nhân chết não 39 tuổi, ở huyện Tiên Lữ, hiến tạng để cứu giúp cho 2 cuộc đời khác được hồi sinh.

Hiện nay, nguồn mô, tạng hiến còn khan hiếm so với nhu cầu cần được ghép. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa hiểu hết về ý nghĩa nhân đạo của việc hiến tặng mô, tạng sau khi chết. Chính vì vậy việc nâng cao nhận thức của người dân rất quan trọng.

Tại chương trình phát động, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà đã kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân viên trong bệnh viện đăng ký tham gia hiến tặng mô, tạng, đồng thời cam kết, Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà sẽ hỗ trợ tối đa về thủ tục và tư vấn cho những người có nguyện vọng hiến mô, tạng.

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà đăng ký hiến tặng mô, tạng

Cán bộ, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà đăng ký hiến tặng mô, tạng

Kết thúc chương trình, đã có hơn 100 cán bộ, nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Hưng Hà và các tình nguyện viên đăng ký hiến tặng mô tạng. Được biết, đến hết tháng 4/2025 trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có 400 người đăng ký hiến mô, tạng sau khi chết, với mong muốn có thể "kéo dài" sự sống cho người khác.

Ngọc Bích

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chuong-trinh-phat-dong-dang-ky-hien-tang-mo-tang-cho-di-la-con-mai-3181307.html
Zalo