Bảo đảm tiến độ, nâng cao trách nhiệm chính trị trong thực hiện phân cấp, phân quyền

Chiều 20/5, Đoàn giám sát thường xuyên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc sắp xếp tổ chức bộ máy và triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp về việc triển khai Kế hoạch giám sát thường xuyên và công bố quyết định giám sát.

Đoàn giám sát thường xuyên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp về việc triển khai Kế hoạch giám sát thường xuyên và công bố quyết định giám sát.

Đoàn giám sát thường xuyên của Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp về việc triển khai Kế hoạch giám sát thường xuyên và công bố quyết định giám sát.

Về phía Đoàn Giám sát, có đồng chí Đoàn Anh Dũng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương, Trưởng đoàn; đồng chí Lê Thế Đôn - Phó Vụ trưởng Vụ Địa bàn 1, Ủy ban kiểm tra Trung ương; đồng chí Tưởng Mạnh Toàn - Kiểm tra viên cao cấp Vụ địa bàn 1A, Ủy ban kiểm tra Trung ương;

Về thành viên Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp có Đồng chí Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Ngọc; đồng chí Nguyễn Quang Thái, Phó Bí thư chuyên trách Đảng ủy Bộ Tư pháp nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thế Đôn, Phó Vụ trường Vụ địa bàn 1, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã công bố Quyết định số 1974-QĐ/UBKTTW ngày 20/5/2025 của Ủy ban kiểm tra Trung ương về việc thành lập Tổ công tác giám sát thường xuyên về việc sắp xếp tổ chức bộ máy và triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư pháp.

Kế hoạch nhằm giám sát, nắm bắt tình hình, đôn đốc và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện về sắp xếp tổ chức bộ máy và triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền gắn liền với chính quyền địa phương hai cấp, đảm bảo đúng các chủ trương, yêu cầu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các Nghị quyết, văn bản Quốc hội, Chính phủ và đúng tiến độ đề ra, kịp thời phát hiện, cảnh báo, ngăn ngừa những vướng mắc, hạn chế nếu có; nâng cao nhận thức, quyết tâm chính trị, trách nhiệm của gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đảng, đảng viên, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chủ trương lớn, có tính đột phá chiến lược của Trung ương ban hành trong thời gian vừa qua.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh nhấn mạnh việc triển khai các nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền là hết sức cấp thiết nhằm đáp ứng yêu cầu chỉ đạo khẩn trương của Bộ Chính trị. Đây là nhiệm vụ lớn, cần hoàn thành trong thời gian ngắn với sự chỉ đạo trực tiếp từ Trung ương. Với chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ hiện nay, tinh thần triển khai đã có sự thay đổi tích cực và quyết liệt hơn. Các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của chủ trương này. Riêng Bộ Tư pháp sẽ đảm bảo tiến độ hoàn thành nhiệm vụ theo đúng yêu cầu tại kế hoạch.

Về đầu mối thực hiện, Bộ trưởng đề xuất phân công Vụ Tổ chức cán bộ là đơn vị chủ trì tham mưu đối với nội dung sắp xếp tổ chức bộ máy; Vụ Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sẽ làm đầu mối về nội dung phân cấp, phân quyền. Vụ cũng sẽ chủ trì soạn thảo Nghị định của Bộ về nội dung này. Việc trao đổi thông tin hàng ngày sẽ được thực hiện trực tiếp giữa Vụ và các đơn vị liên quan, trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm cập nhật, kịp thời.

Bộ trưởng cũng cho biết, bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ phân cấp, phân quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, Bộ còn được Chính phủ giao hai nhiệm vụ trọng tâm. Đó là: Hướng dẫn các bộ, ngành xây dựng hai nghị định – một về phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương (xác định nhiệm vụ chuyển từ cấp huyện lên tỉnh hoặc từ huyện xuống xã), và một về phân cấp, phân quyền từ cấp Trung ương xuống địa phương. Tùy theo lĩnh vực quản lý, mỗi bộ có thể xây dựng một hoặc nhiều nghị định chuyên ngành. Ví dụ, các bộ đa ngành như Bộ Nông nghiệp – Môi trường có thể xây dựng nhiều nghị định cho các lĩnh vực như đất đai, môi trường.

Nhiệm vụ thứ hai là thẩm định tất cả các dự thảo nghị định phân cấp, phân quyền do các bộ, ngành chủ trì soạn thảo, bảo đảm đến ngày 30/5 có thể trình Bộ Chính trị dự thảo hoàn chỉnh. Bộ trưởng thẳng thắn nhìn nhận, khối lượng công việc hiện rất lớn và hết sức áp lực, các tổ công tác của các Phó Thủ tướng Chính phủ đều có sự tham gia tích cực của Bộ Tư pháp và hiện nay Bộ Tư pháp đang đảm nhiệm vai trò trung tâm trong quá trình thẩm định các nghị định của các bộ, mỗi bộ ít nhất hai nghị định, một số bộ có thể nhiều hơn.

Qua đó, Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, sau buổi làm việc này, Bộ Tư pháp sẽ soạn công văn gửi Đoàn kiểm tra để làm rõ những nội dung mà Bộ được Chính phủ phân công thêm liên quan đến nhiệm vụ xây dựng, hướng dẫn, thẩm định các nghị định về phân cấp, phân quyền. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến nhiệm vụ của Bộ và kết quả thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ. Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý tất cả báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp sẽ thể hiện rõ ba nguyên tắc lớn theo Kết luận số 155 của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về phân cấp, phân quyền, trong đó các bộ trưởng và bộ, ngành có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các yêu cầu này.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tư pháp sẽ nỗ lực tối đa để hoàn thành nhiệm vụ được giao và bày tỏ mong muốn nhận được sự phối hợp, chia sẻ từ các bộ, ngành nhằm hỗ trợ Chính phủ trong việc triển khai hiệu quả chủ trương phân cấp, phân quyền theo đúng định hướng của Trung ương.

Phương Mai

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-dam-tien-do-nang-cao-trach-nhiem-chinh-tri-trong-thuc-hien-phan-cap-phan-quyen-post549122.html
Zalo