Bác sĩ Nguyễn Xuân Cường: 'Người giữ mạch sống' ở Trường Sa

Là Bệnh xá trưởng đảo Trường Sa, bác sĩ Nguyễn Xuân Cường không chỉ “giữ mạch sống” cho bộ đội và ngư dân, mà còn truyền cảm hứng về lòng yêu nước.

Đến với Trường Sa vào những ngày đầu tháng 5 lịch sử, khi huyện đảo vừa kỷ niệm 50 năm giải phóng Trường Sa, ngay từ khi đặt chân lên cổng chào thị trấn Trường Sa, tôi đã cảm nhận được sự chào đón thân tình của cán bộ, chiến sĩ và bà con trên đảo.

Trong quân phục người lính, Đại úy, bác sĩ Nguyễn Xuân Cường - Bệnh xá trưởng, Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa là hình ảnh tiêu biểu của những chiến sĩ, trí thức trẻ sẵn sàng rời xa đất liền, tình nguyện ra nơi đầu sóng ngọn gió ở quần đảo Trường Sa để cống hiến chuyên môn, giữ gìn sức khỏe cho bộ đội và ngư dân.

Dẫn tôi đi thăm vườn thuốc Nam của Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa, bên cạnh giới thiệu tác dụng của từng cây thuốc trong vườn cũng như những khó khăn của các y, bác sĩ trong chăm sóc vườn thuốc trong môi trường điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở đảo, bác sĩ Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ cảm xúc trong những ngày đầu ra đảo công tác.

Nhận công tác tại đảo Trường Sa từ tháng 1/2025, bác sĩ Cường bước vào môi trường mới không chỉ đầy gian nan mà còn chất chứa ý nghĩa lớn lao.

Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa là trung tâm y tế lớn trong khu vực Trường Sa được các y bác sĩ và điều dưỡng của Bệnh viện Quân y 175 đảm nhiệm, sẵn sàng khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho bà con ngư dân trong khu vực và tiếp nhận bệnh nhân nặng từ cơ sở y tế ở các đảo nhỏ lân cận chuyển đến. Trong tình huống cấp cứu, các y bác sĩ sẵn sàng triển khai ekip và tiến hành phẫu thuật khi có tình huống cấp cứu về ngoại khoa…

Trung tâm Y tế thị trấn Trường Sa nơi bác sĩ Cường và các đồng đội công tác, là một cơ sở y tế quân, dân y kết hợp. Đây là nơi tiếp nhận và xử lý các ca bệnh của quân nhân, người dân trên đảo, đặc biệt là ngư dân đánh bắt hải sản ở quần đảo Trường Sa.

Không như ở đất liền, điều kiện chăm sóc y tế ngoài đảo gặp nhiều thách thức: khí hậu khắc nghiệt, thiếu thốn vật tư, nhân lực y tế mỏng. Thế nhưng, với tinh thần “vượt khó vì bệnh nhân”, bác sĩ Cường cùng tổ quân y vẫn đều đặn ngày đêm túc trực, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp.

Chỉ tính riêng năm 2024 và quý I/2025, bệnh xá đã tiếp nhận hơn 2.000 lượt bệnh nhân, trong đó có khoảng 65 ca cấp cứu nặng. Đó là những chấn thương nghiêm trọng, hội chứng giảm áp khi lặn sâu, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, thậm chí cả những cơn đột quỵ bất ngờ.

Trong ký ức của bác sĩ Cường, có những ca bệnh đã để lại dấu ấn đặc biệt. Anh kể lại một trường hợp khiến cả bệnh xá phải gồng mình suốt nhiều ngày: một ngư dân đang đánh bắt ở vùng đảo Thuyền Chài chẳng may bị cuốn tay vào máy xay đá lạnh, bàn tay bị dập nát nghiêm trọng, đứt các gân cơ và mạch máu.

Giữa biển khơi, thời gian là yếu tố sống còn. Các thuyền viên tức tốc đưa bệnh nhân vượt biển hơn nửa ngày để về đến đảo Trường Sa. Khi tiếp nhận, bác sĩ Cường đánh giá đây là trường hợp “rất nặng” nếu không xử lý kịp, bệnh nhân có thể mất toàn bộ bàn tay.

Ngay lập tức, bệnh xá kích hoạt hệ thống telemedicine kết nối trực tiếp với các chuyên gia tại Bệnh viện Quân y 175.

Qua hội chẩn từ xa, các bác sĩ hai đầu cầu thống nhất phương án mổ cấp cứu, nối gân, xử lý tổn thương phần mềm và theo dõi hậu phẫu chặt chẽ.

Sau hơn nửa tháng điều trị và phục hồi chức năng, điều kỳ diệu đã xảy ra, bàn tay bệnh nhân được bảo tồn, cảm giác và vận động trở lại.

Bác sĩ Cường cho biết, người ngư dân ấy sau đó trở về với biển khơi, tiếp tục cuộc mưu sinh giữa sóng gió cũng là tiếp tục hành trình giữ chủ quyền biển đảo từ trong lao động.

Khoảnh khắc thấy anh ấy cử động được từng ngón tay, tôi hiểu vì sao mình có mặt ở Trường Sa. Đó không chỉ là nhiệm vụ y tế mà là nhiệm vụ chính trị, là nghĩa tình quân dân, là lòng yêu nước được cụ thể hóa mỗi ngày”- bác sĩ Cường xúc động nói.

Không chỉ dựa vào kinh nghiệm chuyên môn, công tác y tế trên đảo còn yêu cầu sự chủ động, linh hoạt và bản lĩnh vững vàng. Nhờ sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Cục Quân y, Quân chủng Hải quân và các bệnh viện tuyến Trung ương, Bệnh xá Trường Sa được trang bị khá đầy đủ thiết bị như máy X-quang, siêu âm, máy gây mê – hồi sức, máy theo dõi sinh hiệu, nội soi tai mũi họng…

Những thiết bị này giúp chúng tôi tự tin hơn khi xử lý các ca bệnh phức tạp, nhất là trong bối cảnh không thể chuyển viện ngay lập tức” - bác sĩ Cường nói.

Anh cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống telemedicine, như một cầu nối chuyên môn không khoảng cách, giúp nâng cao chất lượng điều trị tại chỗ và tiết kiệm chi phí vận chuyển.

Được chỉ huy đảo giới thiệu đến thăm bệnh xá, chúng tôi cảm nhận rõ không khí làm việc nghiêm túc nhưng thân tình. Bận rộn chuyên môn, các y bác sĩ nơi đây vẫn không quên nhiệm vụ tuyên truyền sức khỏe, phòng bệnh, giữ gìn môi trường sống, góp phần xây dựng một Trường Sa xanh.

Không giấu được trăn trở, bác sĩ Nguyễn Xuân Cường chia sẻ mong muốn trong tương lai Trường Sa sẽ có những trung tâm y tế quy mô lớn hơn, đa chuyên khoa hơn để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của quân và dân trên đảo.

Chúng tôi mơ ước ở đây có một bệnh viện hiện đại, nơi không còn sự cách biệt về điều kiện y tế giữa đất liền và hải đảo” - anh nói.

Thu Hường

Đồ họa: Hồng Thịnh

Thu Hường - Hồng Thịnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bac-si-nguyen-xuan-cuong-nguoi-giu-mach-song-o-truong-sa-388509.html
Zalo