Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận 'Mắc ca Sơn La'

Xây dựng nhãn hiệu mắc ca Sơn La mở ra cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp, địa phương, xác lập cơ sở pháp lý cần thiết để bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm.

Sản phẩm chất lượng được tạo nên từ thiên nhiên và con người Sơn La

Được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại hạt”, mắc ca (tên khoa học là Macadamia) được ưa chuộng bởi hương vị thơm ngon, giá trị dinh dưỡng cao, ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và mỹ phẩm.

Hiện nay, ở Việt Nam, mắc ca được trồng nhiều tại Sơn La và cho chất lượng hạt rất tốt. Trong 1kg hạt Mắc ca chứa tới: 752,25 mg Phospho, 1.182,78 mg Magie, 522,8 mg Canxi, 3.885,5 mg Kali, 1,67 mg Vitamin B1 và hàm lượng Carbonhydrate đạt 9,91% và hàm lượng acid béo không bão hòa lên tới 69,25%. Hạt mắc ca Sơn La có chất lượng tốt và hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các sản phẩm hạt mắc ca nổi tiếng từ Australia, Mỹ...

Quả mắc ca xanh ở xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: Báo Sơn La

Quả mắc ca xanh ở xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh: Báo Sơn La

Hạt mắc ca ở Sơn La có kích thước đồng đều, vỏ mỏng màu sáng, nhân đầy đặn và hạt được sấy khô nứt tự nhiên. Đặc biệt, hạt mắc ca Sơn La được đánh giá có vị thơm nhẹ, bùi, béo và ngọt nhẹ.

Thổ nhưỡng, khí hậu chính là điều kiện thuận lợi đầu tiên để hạt Mắc ca phát triển tại Sơn La, sở hữu những yếu tố vô cùng lý tưởng để gây giống, trồng trọt loại cây vốn dễ trồng nhưng rất khó tính này.

Không những vậy, Sơn La còn có nguồn nhân công địa phương rất cần mẫn, lành nghề từ đó tạo nên chất lượng tuyệt vời cho “Mắc ca Sơn La”. Với những tiềm năng to lớn đó, “Mắc ca Sơn La” cần nhanh chóng xây dựng thương hiệu để phát triển, đưa sản phẩm Mắc ca đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Mở rộng thị trường

Mắc ca được trồng thử nghiệm tại Sơn La từ năm 2003. Từ một vài nông hộ trồng thử nghiệm, đến nay diện tích Mắc ca toàn tỉnh đã nâng lên hơn 1.000 ha; tập trung chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sốp Cộp, Sông Mã; sản lượng trung bình đạt 8 tấn quả/ha/năm. Sản phẩm Mắc ca của tỉnh đang khẳng định được chất lượng, có uy tín trên thị trường.

Sau hơn 20 năm bén rễ trên đất Sơn La, cây Mắc ca đã khẳng định được tính ưu việt hơn so với một số loại cây trồng khác. UBND tỉnh đẩy mạnh công tác hỗ trợ để các địa phương trong tỉnh từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng và là điều kiện để người dân nhân rộng mô hình trồng cây mắc ca nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Nhận thấy tiềm năng phát triển cây Mắc ca rất lớn, Hiệp hội mắc ca Việt Nam phấn đấu đến năm 2025, diện tích Mắc ca của tỉnh Sơn La đạt trên 5.000 ha; đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trồng được 130.000 - 150.000 ha mắc ca, xuất khẩu trên 100 triệu USD các sản phẩm từ hạt Mắc ca.

Dự báo, đến năm 2025, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm mắc ca đạt 220 nghìn tấn nhân, tương đương 850 nghìn tấn hạt tươi. Trong khi đó, nguồn cung mắc ca được dự báo sẽ chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thị trường đến năm 2030, mở ra cơ hội lớn cho các quốc gia xuất khẩu mắc ca vào những thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức.

Thị trường xuất khẩu hạt mắc ca của Việt Nam có xu hướng mở rộng. Việc hạt mắc ca của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản - một thị trường tiêu dùng cao cấp và khắt khe, nhất là đối với các sản phẩm từ nông nghiệp. Đây là cơ hội đã rộng mở hơn cho xuất khẩu mắc ca Việt Nam ra thế giới. So với các đối thủ cạnh tranh tại khu vực Nam Mỹ và châu Phi, Việt Nam có lợi thế lớn để tận dụng tiềm năng thị trường nhờ vào việc ký kết các hiệp định thương mại tự do với hầu hết các quốc gia kể trên.

Theo Viện Điều tra quy hoạch rừng, tỉnh Sơn La là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi nhất để phát triển vùng trồng mắc ca tại khu vực Tây Bắc Bộ. Với tiềm năng thị trường, việc xác định chất lượng, định hướng phát triển sản xuất, thương mại sản phẩm, mắc ca Sơn La đứng trước cơ hội lớn để vươn ra khắp thị trường Thế giới.

Bảo hộ nhãn hiệu mắc ca Sơn La: Quản lý, bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ

Nhằm nâng cao danh tiếng, khẳng định sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu và thu hút đầu tư để xây dựng chuỗi giá trị mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho người dân và doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững, năm 2022, tỉnh Sơn La đã phối hợp cùng Công ty TNHH Nghiên cứu và tư vấn chuyển giao công nghệ và đầu tư (Concetti) thực hiện dự án “Đăng ký bảo hộ, xây dựng và triển khai hệ thống quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La” cho sản phẩm Mắc ca của tỉnh Sơn La”.

Một số sản phẩm mắc ca Sơn La. Ảnh: sonla.gov.vn

Một số sản phẩm mắc ca Sơn La. Ảnh: sonla.gov.vn

Dưới đây là một số kết quả nổi bật của dự án sau hai năm triển khai:

Thứ nhất, đã xác định được đặc thù về hình thái và chất lượng Mắc ca mang nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La”.

Thứ hai, đã xây dựng được Bộ hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La” và ngày 14/05/2024, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành Quyết định số 55280/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Mắc ca Sơn La.

Thứ ba, đã xây dựng được Hệ thống nhận diện thương hiệu mang nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La” cho sản phẩm Mắc ca của tỉnh Sơn La.

Thứ tư, đã xây dựng được Hệ thống văn bản quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La” cho sản phẩm Mắc ca của tỉnh Sơn La và đã được ban hành.

Thứ năm, đã xây dựng được các tiêu chí và hồ sơ kiểm soát chất lượng Mắc ca mang nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La”.

Thứ sáu, xây dựng và quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La”.

Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm Mắc ca của tỉnh Sơn La góp phần hoàn thiện phương pháp luận về nghiên cứu nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông sản cùng loại. Kết quả dự án góp phần làm cơ sở thực tiễn và lý luận để xây dựng và phát triển mô hình nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông sản khác.

Trải qua thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển, tỉnh Sơn La đã xác định được đường hướng chiến lược để phát triển cây Mắc ca và một trong những yêu cầu bức thiết và quan trọng phát triển Mắc ca là xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm “Mắc ca Sơn La”.

Xây dựng và phát triển nhãn hiệu: Nâng tầm giá trị đặc sản vùng miền

Việc xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hạt Mắc ca không chỉ mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp, địa phương, mà còn xác lập cơ sở pháp lý cần thiết để bảo vệ danh tiếng cho sản phẩm, ngăn chặn những hành vi xâm phạm đến nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, từng bước quy hoạch lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị cho Mắc ca Sơn La; quảng bá, giới thiệu sản phẩm mắc ca trên thị trường trong nước. Mục tiêu xa hơn là đăng ký bảo hộ sản phẩm “Mắc ca Sơn La” ở nước ngoài.

Bởi vậy, để phát triển và thương mại hóa Mắc ca, việc bảo hộ nhãn hiệu “Mắc ca Sơn La” là rất quan trọng. Các Quy chế, Quy định được ban hành thông qua việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Mắc ca Sơn La” giúp ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu và quyền sử dụng nhãn hiệu, giúp doanh nghiệp Việt tự tin vươn ra thị trường Thế giới, tránh sự cạnh tranh không lành mạnh.

Thiết kế và in ấn bộ nhận diện nhãn hiệu cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Mắc ca Sơn La” nhằm mục tiêu thống nhất hình ảnh sản phẩm quả Mắc Ca Sơn La đến người tiêu dùng, để người tiêu dùng nhận diện đúng sản phẩm “Mắc ca Sơn La” trên thị trường. Các sản phẩm của bộ nhận diện nhãn hiệu bao gồm: Tờ rơi, poster, biển hiệu quảng cáo, bao bì sản phẩm (túi, thùng, hộp...) và tem nhãn hàng hóa.

Hoạt động quảng bá sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận Mắc ca Sơn La trên cổng thông tin điện tử được thực hiện thông qua các hoạt động như: viết bài, ghi hình... và đăng tải trên sóng Đài phát thanh truyền hình Sơn La, Bản tin Khoa học và công nghệ, cổng thông tin điện tử của Sở Khoa học và công nghệ...

Việc bảo hộ nhãn hiệu có thể coi như một cái “khóa” bảo vệ doanh nghiệp trong nước trước sự bất lợi khi mở cửa thị trường, từ đó định hình tương lai sản xuất và tiêu thụ Mắc ca bền vững, nâng tầm giá trị sản phẩm Việt.

Ngọc Ánh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/xay-dung-quan-ly-va-phat-trien-nhan-hieu-chung-nhan-mac-ca-son-la-d38453.html
Zalo