Có gì trong hệ sinh thái hàng không của bầu Hiển và T&T

Bầu Hiển và T&T Group đang từng bước xây dựng một hệ sinh thái hạ tầng, logistics, hàng không bài bản, thể hiện tham vọng lớn của doanh nhân gốc Hà Nội.

 Bầu Hiển đang không ngừng mở rộng hệ sinh thái T&T Group. Ảnh: T&T.

Bầu Hiển đang không ngừng mở rộng hệ sinh thái T&T Group. Ảnh: T&T.

Việc 2 công ty thành viên của T&T Group và quỹ BVIM trở thành cổ đông tại Vietravel Airlines đã cho thấy tham vọng trong việc xây dựng một hệ sinh thái hạ tầng, logistics, hàng không bài bản của ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch điều hành T&T Group.

Bầu Hiển cho rằng đây là cột mốc quan trọng của các doanh nghiệp thuộc tập đoàn trong giai đoạn phát triển mới. Trong đó, Vietravel Airlines sẽ là mắt xích quan trọng trong chuỗi các dự án mà doanh nghiệp đang triển khai.

Hiện, hệ sinh thái hàng không của bầu Hiển là "chiếc kiềng ba chân" bao gồm các siêu cảng logistics - sân bay, T&T Airlines và Vietravel Airlines.

Sân bay Quảng Trị

Ngày 6/7, dự án sân bay Quảng Trị do Liên danh T&T - Cienco4 đầu tư đã được khởi công. Đây là sân bay thứ 2 do tư nhân đầu tư sau Vân Đồn (Quảng Ninh) của Sungroup.

Dự án sân bay Quảng trị có quy mô hơn 265 ha, tổng vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Sân bay có khả năng phát triển khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu khai thác đến 5 triệu hành khách mỗi năm và 25.500 tấn hàng hóa mỗi năm.

Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, trong đó thời gian chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng là 24 tháng; thời gian vận hành, thu phí hoàn vốn là 47 năm 2 tháng. Dự kiến đến tháng 7/2026, công trình sẽ được đưa vào khai thác, sử dụng.

 Phối cảnh sân bay Quảng Trị. Ảnh: T&T.

Phối cảnh sân bay Quảng Trị. Ảnh: T&T.

Ông Đỗ Quang Hiển từng chia sẻ trong khu sân bay Quảng Trị có quy hoạch tích hợp 3.700 ha tổ hợp đô thị công nghiệp sân bay, đặc biệt là công nghiệp chế tạo và bảo trì, bảo dưỡng phụ kiện về công nghiệp hàng không. Đầu tiên là bảo trì bảo dưỡng, sau đó là sản xuất các linh kiện từ cấp độ 1 cho đến cấp cao.

Nhà sáng lập T&T Group bày tỏ mong muốn lãnh đạo Nhà nước quan tâm tới việc quy hoạch thành một tổ hợp công nghiệp hàng không và đô thị sân bay tại sân bay Quảng Trị.

"Siêu cảng" Superport Việt Nam

Được khởi công cuối năm 2021, dự án siêu cảng logistics của Công ty CP T&Y Superport Vĩnh Phúc do liên doanh giữa Tập đoàn T&T và đối tác Singapore là Tập đoàn YCH làm chủ đầu tư.

Sau khi hoàn thành, đây là một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất miền Bắc, kết nối các khu công nghiệp bằng đường bộ, đường sắt cũng như kết nối với Hà Nội, sân bay quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Sau một thời gian triển khai, đến nay một phần giai đoạn 1 của dự án đã đi vào hoạt động.

Trình bày về tầm nhìn tương lai của SuperPort, TS. Yap Kwong Weng, Tổng giám đốc SuperPort Việt Nam, cho biết trung tâm này sẽ tích hợp tất cả dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng trên đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển trong một trung tâm hậu cần duy nhất.

Siêu cảng này cùng với cảng Quảng Ninh - cũng thuộc T&T Group sẽ kết nối, hỗ trợ lẫn nhau trong việc vận tải đa phương thức.

T&T Airlines

T&T Airlines là doanh nghiệp được thành lập vào năm 2019 với số vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Đơn vị này hoạt động chính trong lĩnh vực vận tải hàng không, đại lý du lịch , kinh doanh đồ miễn thuế, các hoạt động hỗ trợ hàng không...

Về cơ cấu cổ đông, hiện T&T Group đang nắm 65% vốn của T&T Airlines. Bên cạnh đó, CTCP Cảng Quảng Ninh - một thành viên thuộc T&T Group cũng nắm 5% vốn tại đây. Bà Bùi Thị Kim Duy sinh năm 1968 giữ vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp.

Với chiến lược hiện tại, T&T Airlines chính là mắt xích quản lý và cung cấp dịch vụ hàng không tại đô thị sân bay hình thành trong tương lai.

Vietravel Airlines

Mảnh ghép gần đây được T&T Group bổ sung là hãng hàng không Vietravel Airlines.

Sau gần 4 năm hoạt động, Vietravel Airlines đã khai thác đường bay từ Hà Nội và TP.HCM đến các thành phố du lịch trong nước và quốc tế như Đà Nẵng, Đà Lạt, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Huế và Bangkok (Thái Lan). Tháng 11 vừa qua, hãng đã được nâng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 1.300 tỷ đồng.

 Việc đầu tư vào Vietravel Airlines giúp T&T Group tiết kiệm thời gian. Ảnh: VU.

Việc đầu tư vào Vietravel Airlines giúp T&T Group tiết kiệm thời gian. Ảnh: VU.

Một nguồn tin cho biết nhóm cổ đông mới liên quan T&T đã nắm tổng cộng 75% vốn Vietravel Airlines, tương đương với việc đã nắm quyền chi phối hãng hàng không này.

Chuyên gia đánh giá việc T&T Group quyết định thực hiện thương vụ M&A Vietravel Airlines là một bước đi khôn ngoan và tiết kiệm thời gian.

Việc này giúp T&T Group nhanh chóng sở hữu một hãng hàng không, thay vì tiến hành các thủ tục phức tạp, kéo dài để xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Ngoài ra, đây là hãng bay tư nhân trong nước có tiềm năng để đầu tư nhất hiện tại trong bối cảnh Bamboo Airways vẫn loay hoay tái cấu trúc và Vietjet đã hoạt động tương đối bài bản, ổn định.

Với chiến lược mở rộng mảng hàng không và hạ tầng hàng không, nhiều nhà đầu tư liên tưởng đến hệ sinh thái hàng không mà "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn đã làm Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG).

Tuy nhiên, hệ sinh thái của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang đặt trọng tâm chính vào việc kinh doanh các dịch vụ tại sân bay như hàng miễn thuế, đồ ăn, phòng chờ...

Trong khi trọng tâm của T&T Group đang mở rộng tham vọng hướng tới các dự án hạ tầng quy mô lớn, đô thị sân bay... tương tự cách các đô thị sân bay lớn trên thế giới đang hoạt động.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/co-gi-trong-he-sinh-thai-hang-khong-cua-bau-hien-va-t-t-post1519224.html
Zalo