Nâng cao giá trị trong sản xuất qua chuỗi liên kết

Hiện nay, các sản phẩm trong nông nghiệp, thường chịu tác động của thị trường, từ đó người sản xuất luôn gặp cảnh 'được mùa - mất giá'. Để giá trị sản phẩm làm ra của nông dân ổn định, bền vững; trong sản xuất, cần phải xây dựng chuỗi liên kết gắn quy hoạch vùng sản xuất cũng như ứng dụng khoa học - kỹ thuật, góp phần gia tăng giá trị cho hàng hóa nông sản.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tham quan mô hình sản xuất lúa trong Đề án tại cánh đồng của Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo, huyện Châu Thành.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT tham quan mô hình sản xuất lúa trong Đề án tại cánh đồng của Hợp tác xã nông nghiệp Phước Hảo, huyện Châu Thành.

Đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trà Vinh cho biết: với mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, tuần hoàn, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững… Trong năm 2025, đòi hỏi phải tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, bảo đảm tính đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, liên kết sản xuất gắn với hình thành và phát triển bền vững các chuỗi hàng hóa tiêu thụ nông sản chủ lực. Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và chỉ dẫn địa lý để tăng sức cạnh tranh, bảo đảm đầu ra cho hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Thời gian qua, với 02 mặt hàng nông sản chủ lực là lúa và dừa đang mang lại giá trị khá cao cho người sản xuất. Qua thực hiện Kế hoạch số 69/KH-UBND, ngày 06/8/2021 của UBND tỉnh về chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; kết quả nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ sản xuất đã xây dựng được các chuỗi liên kết trong sản xuất; xây dựng mã vùng trồng xuất khẩu, nội địa cho nhiều mặt hàng như lúa gạo; cây ăn trái và thủy sản (tôm)...

Trong chăn nuôi, Trà Vinh có 05 cơ sở nuôi gia súc, gia cầm được cấp giấy chứng nhận chăn nuôi VietGAP; 26 cơ sở chăn nuôi (08 cơ sở nuôi heo và 18 cơ sở nuôi gà thịt) tham gia chuỗi liên kết của Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Greenfeed và Công ty Vietlight. Trong trồng trọt, cấp 62 mã số vùng trồng nội địa, diện tích 3.968ha trên các loại cây trồng (dừa, dừa sáp, lúa, ớt, mía, đậu phộng, bí đỏ, bắp, mít, cam sành, củ cải, dưa hấu) và 37 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, diện tích 2.904ha cho cây trồng sầu riêng, xoài, chuối, lúa, ớt, mít, thanh long, dừa, dưa hấu, chôm chôm, nhãn, bưởi; đồng thời, được Cục Bảo vệ thực vật xác nhận cấp mới 02 mã số đóng gói xuất khẩu…

Trong năm 2025, tỉnh xây dựng thêm 08 mã vùng trồng dừa xuất khẩu, diện tích 457,17ha và 01 mã số trồng đu đủ xuất khẩu EU, diện tích 02ha. Đồng thời, xác lập quyền sở hữu công nghiệp: đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý Dừa sáp Trà Vinh và 06 nhãn hiệu chứng nhận (Tôm Trà Vinh, Cua Trà Vinh, Lúa gạo hữu cơ Trà Vinh, Tôm hữu cơ Long Hòa - Hòa Minh, Thanh Long Trà Vinh, Bưởi Trà Vinh) được xác lập quyền.

Với diện tích sản xuất lúa hàng năm của tỉnh hơn 202.000ha; sản lượng trên 1,1 triệu tấn/năm. Từ vụ lúa đông - xuân 2023 - 2024, Trà Vinh triển khai Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án) của Bộ NN-PTNT. Đề án được xem là một bước đi quan trọng nhằm cải thiện hiệu quả sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường.

Qua đó, hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ canh tác hiện đại như hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước, máy móc nông nghiệp thông minh và các giống lúa có khả năng chống chịu tốt trước biến đổi khí hậu. Khuyến khích áp dụng các phương pháp canh tác giảm phát thải, như giảm sử dụng phân hóa học, quản lý rơm rạ hợp lý và sử dụng phân hữu cơ. Hình thành chuỗi giá trị bền vững, kết nối nông dân với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa chất lượng cao; xây dựng thương hiệu lúa gạo đặc trưng của Trà Vinh, tạo giá trị gia tăng trên thị trường…

Riêng trong vụ lúa đông - xuân năm 2024 - 2025, diện tích sản xuất lúa trong đề án đã xuống giống được 883,5ha, vượt 20,8% kế hoạch; gồm 02 mô hình điểm 98,4ha và 14 mô hình nhân rộng 785,1ha (huyện Càng Long 69,5ha, Cầu Kè 105,5ha, Tiểu Cần 210ha, Châu Thành 215ha, Cầu Ngang 70ha và Trà Cú 115ha).

Nông dân Thạch Rích bên thửa ruộng 2,5ha tham gia sản xuất theo Đề án ở vụ lúa đông - xuân 2024 - 2025.

Nông dân Thạch Rích bên thửa ruộng 2,5ha tham gia sản xuất theo Đề án ở vụ lúa đông - xuân 2024 - 2025.

Nông dân Thạch Rích, Ấp 3, xã Phong Phú, huyện Cầu Kè cho biết: đây là vụ lúa đầu tiên của các thành viên trong Hợp tác xã nông nghiệp Dân Tiến tham gia sản xuất theo Đề án (50ha); riêng gia đình tham gia được 2,5ha với giống lúa OM 5451. Với giá lúa hiện nay ổn định, nên người sản xuất muốn đạt thêm giá trị gia tăng trên cây lúa cần phải tham gia vào Đề án, trước mắt là giúp nông dân giảm chi phí sản xuất (phân bón, thuốc, giống...) để tăng lợi nhuận và cải thiện môi trường sản xuất nông nghiệp (giảm phát thải khí nhà kín), bảo vệ sức khỏe...

Bên cạnh cây lúa, từ cuối năm 2023 đến nay, hiệu quả từ cây dừa mang lại cho nông dân khá cao (bình quân đạt giá trị 20 triệu đồng/tháng/ha). Hiện diện tích cây dừa của tỉnh hơn 27.500ha (trong đó, 5.237ha diện tích dừa đạt chứng nhân hữu cơ được các doanh nghiệp như Công ty Betrimex (Bến Tre); Công ty Cổ phần Chế biến dừa Á Châu; Công ty Cổ phần Trà Bắc… bao tiêu sản phẩm). Cấp 29 mã số vùng trồng (cây dừa), trong đó 10 mã số vùng trồng xuất khẩu/diện tích 1.392ha và 02 cơ sở đóng gói dừa xuất qua Trung Quốc.

Nói về mô hình liên kết trong thu mua dừa của nông dân, anh Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp Tuân Hằng, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần cho biết: hiện nay, người trồng dừa rất phấn khởi, với giá dừa khô trái tăng khá cao và các bạn hàng Trung Quốc đặt điểm thu mua dừa tại Bến Tre rất nhiều đầu mối xuất khẩu… Đối với dừa hữu cơ, hiện hợp tác xã được Công ty Cổ phần Chế biến dừa Á Châu giao thu mua dừa hữu cơ ở xã Tân Hòa, Tân Hùng (có kèm danh sách hộ tham gia trồng dừa) luôn đảm bảo giá cao hơn 05% so với ngoài thị trường.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/nang-cao-gia-tri-trong-san-xuat-qua-chuoi-lien-ket-43724.html
Zalo