Chưa phát hiện ca bệnh biến chứng do cúm

Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm thành phố chưa ghi nhận ca bệnh nào biến chứng vì cúm. Số bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế đều bị cúm thông thường.

 Bác sĩ BVTW Huế kiểm tra tình trạng nhức mỏi cơ của bệnh nhân cúm

Bác sĩ BVTW Huế kiểm tra tình trạng nhức mỏi cơ của bệnh nhân cúm

Lưu hành chủng cúm thường gặp

Thời điểm này, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế tiếp nhận nhiều ca bệnh cúm ở các độ tuổi khác nhau. Theo BS. Nguyễn Thị Hương, cán bộ Khoa Bệnh nhiệt đới, BVTW Huế thì từ đầu năm đến nay, tỷ lệ người bệnh nhập viện vì cúm tăng. Bình quân 10 người đến điều trị, thì một nửa số người trong đó bị cúm. Đến nay, vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào biến chứng nặng. Trong quá trình thực hiện xét nghiệm, kết quả cho thấy hầu hết người bệnh mắc cúm A kháng nguyên H1, H3 và cúm B/Victoria (chủng cúm mùa thường gặp).

Bệnh nhân (BN) Nguyễn Thị Đ., 72 tuổi, ở Phú Mỹ, Phú Vang nhập viện trong tình trạng bệnh nền huyết áp cao, người sốt, sổ mũi, ho, nhức mỏi cơ, tay trái không thể nâng lên được. Mới vào bệnh viện (BV), bà được cho hạ sốt bù điện giải, điều trị theo triệu chứng. Chị Hồ Thị H., 32 tuổi, ở quận Thuận Hóa sốt cao và sổ mũi nên đã đi khám và uống thuốc, song tình trạng không cải thiện. Tiếp đó, cứ hai tiếng một lần chị lên cơn sốt từ 39-40 độ, người mệt lả, ho khan; gia đình đưa chị đi nhập viện. Trong nhà chị, mẹ chồng cũng bị cúm; nhà có con nhỏ 3 tháng tuổi phải cách ly.

Giai đoạn đông xuân là điều kiện thuận lợi cho vi rút phát triển, trong đó có bệnh cúm. Bệnh cúm thường kéo dài 5-7 ngày. Một số trường hợp sau cúm bị suy nhược cơ thể kéo dài, dẫn tới tình trạng mất ngủ, mệt mỏi, ăn uống kém. Đối với người bị bệnh về tim mạch, đái tháo đường, COPD, hen phế quản, suy thận, suy giảm miễn dịch… cúm có nguy cơ biến chứng nặng. Các biểu hiện dễ nhận biết của căn bệnh này, gồm: sốt trên 38 độ, đau đầu, nhức mỏi cơ khớp, viêm đường hô hấp (ho, viêm họng, sổ mũi), một số người kèm nôn mửa. “Ngay khi cơ thể có dấu hiệu sốt kéo dài, mệt mỏi, khó thở, nhiều đàm, cần được thăm khám, điều trị. Trường hợp cúm nặng mới dùng thuốc kháng vi rút, do đó, người dân không tự ý mua thuốc kháng vi rút khi chưa có chỉ định”, BS Hương khuyến cáo.

Các chủng cúm cùng lưu hành sẽ có sự trao đổi, tạo thành nhiều chủng cúm mới. Mắc bệnh cúm không có kháng thể bảo vệ bền vững, người bệnh vẫn có thể nhiễm các chủng cúm khác. Do đó, tiêm vắc-xin phòng bệnh được đánh giá có hiệu quả giúp bảo vệ cơ thể.

Để phòng bệnh, cần nâng cao thể trạng cơ thể, giữ ấm cổ họng, bổ sung trái cây, rau củ, uống nước ấm. Bệnh cúm chủ yếu lây qua đường hô hấp, nên hạn chế đến chỗ đông người, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng; tránh dùng tay tiếp xúc mắt, mũi, miệng… Với trẻ dưới 5 tuổi, trẻ có bệnh mãn tính, cúm mùa có thể diễn biến nặng. Khi trẻ sốt cao trên 39 độ; thở nhanh; đau ngực; đau cơ nhiều; môi và tay chân tím, lạnh; li bì, mệt mỏi; nôn nhiều, nên đưa ngay đến cơ sở y tế.

ThS.BSCKII. Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc BVTW Huế thông tin: “Tại Khoa Vi sinh của đơn vị triển khai test nhanh cúm A, B. Lãnh đạo BV thông báo đến các khoa, phòng nhằm cảnh giác với căn bệnh này, thực hiện chỉ định xét nghiệm cúm trong trường hợp nghi ngờ. Đồng thời, theo dõi, báo cáo diễn biến ca bệnh biến chứng nếu có”.

Đổ xô đi tiêm phòng

Tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố, lượng người tiêm vắc-xin ngừa cúm 3 ngày trở lại đây tăng 7-8 lần so với thường lệ. Nhiều gia đình, vợ chồng, con cái, ông bà cũng đi tiêm phòng bệnh vì lo lắng.

Anh Nguyễn Văn Lợi, một giáo viên đưa con trai 7 tháng tuổi đi tiêm phòng, chia sẻ: “Trẻ nhỏ rất dễ bị cúm. Con đầu của mình đã tiêm phòng mũi này, mẹ bé làm trong ngành y tế nên gia đình chủ động đưa con đi tiêm. Trong điều kiện dịch bệnh đường hô hấp dễ lây lan, vợ chồng tôi cũng hạn chế đưa con đến tiệc tùng, lễ hội để giữ cho cháu”.

Hai mẹ con chị Lê Hoàng ở phường Gia Hội, quận Phú Xuân cũng hòa trong dòng người đi tiêm mũi phòng cúm. Chị Hoàng nói: “Con gái đầu của tôi sinh sống bên Nhật về thăm quê ngày Tết đã mua rất nhiều thuốc mang theo hành lý ký gửi. Đồng thời, dặn dò gia đình phải tiêm phòng cúm để đảm bảo sức khỏe. Cháu nhắc nhở vì lo cho mẹ lớn tuổi, em trai còn đi học tiếp xúc với nhiều người nguy cơ cao, cần phải dự phòng”.

Tương tự, vợ chồng ông Hoàng Đức Khoa, 71 tuổi ở phường Vĩnh Ninh, quận Thuận Hóa cùng nhau đăng ký tiêm. Bà Trần Thị Giá, vợ ông Khoa phân tích tuổi tác ông bà đã lớn, cơ địa dễ nhiễm bệnh nên tiêm phòng cúm cũng là cách đầu tư cho sức khỏe.

Tiêm vắc-xin giúp giảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70-80%; bảo vệ cơ thể lên tới 80%-90%. “Vắc-xin phòng cúm có thể tiêm cho người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi, trẻ dưới 9 tuổi lần đầu tiên tiêm 2 liều cách nhau 1 tháng. Trẻ trên 9 tuổi tiêm 1 liều, nhắc lại mỗi năm 1 lần. Người lớn khi tiêm nên kiêng sử dụng rượu bia và các chất kích thích”, ThS.BS Ngô Kim Nhã, Phó Trưởng phòng Phòng khám Đa khoa CDC thành phố lưu ý.

Năm 2024, Bộ Y tế ghi nhận gần 290 ngàn ca mắc cúm mùa, đã có 8 ca tử vong; biến chứng nguy hiểm nhất của cúm là viêm phổi. Bộ Y tế đề nghị các địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các ca bệnh lây qua đường hô hấp, viêm phổi nặng do vi rút… PGS.TS. Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Hệ thống theo dõi bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố vẫn vận hành cập nhật hàng ngày. Chúng tôi sớm tuyên truyền, đưa thông tin đến cộng đồng nhằm có biện pháp dự phòng cũng như chủ động điều trị tại các cơ sở y tế”.

Bài, ảnh: L. TUỆ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/y-te-suc-khoe/chua-phat-hien-ca-benh-bien-chung-do-cum-150703.html
Zalo