Chú trọng tiêu chí 'mềm'

Nếu ở giai đoạn đầu xây dụng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, các địa phương thường tập trung nguồn lực thực hiện các tiêu chí 'cứng' nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn thì ở giai đoạn sau, chương trình NTM chú trọng đời sống tinh thần, chất lượng cuộc sống của người dân và các giá trị văn hóa. Những tiêu chí 'mềm' mang tính định tính như: môi trường, an ninh, trật tự xã hội, văn hóa... được nhiều địa phương quan tâm và phát triển.

LẤY XÂY DỰNG THIẾT CHẾ VĂN HÓA LÀ NỀN TẢNG

Trong công cuộc xây dựng NTM, văn hóa giữ vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Năm 2010, khi triển khai xây dựng NTM, 10/10 xã trên địa bàn huyện Đồng Phú có hội trường, khu thể thao, sân vận động nhưng không đảm bảo quy định. Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp huyện và các xã, thị trấn cơ bản hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao (TDTT) cho người dân. Hiện cấp huyện có 1 trung tâm văn hóa - thể thao, 1 đội thông tin tuyên truyền lưu động, 1 thư viện, 1 nhà truyền thống, 1 nhà thi đấu đa năng và 1 sân vận động được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách huyện. 100% xã, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao, nhà văn hóa ấp được đầu tư trang thiết bị, bàn ghế, hệ thống âm thanh, ánh sáng, tủ sách…, các khu thể thao ấp được quy hoạch và đầu tư xây dựng. Ngoài ra, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, nhiều địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất kinh doanh lĩnh vực TDTT như: Sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, hồ bơi, cầu lông, bida, thể dục thể hình, yoga… và thành lập các câu lạc bộ văn hóa, thể thao như câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, dưỡng sinh… Cùng với đầu tư cơ sở vật chất, các hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ, thi đấu TDTT được duy trì tổ chức thu hút đông người dân tham gia. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh địa phương.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đồng Phú được giữ gìn và phát huy, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đồng Phú được giữ gìn và phát huy, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân

Tại ấp 2, xã Tân Lập, dễ dàng nhận thấy cảnh quan nông thôn khang trang, sạch, đẹp. Những hàng hoa đủ màu sắc, cây xanh được cắt tỉa gọn gàng chạy dài, làm “mềm hóa” những tuyến đường bê tông. Từ lâu người dân ấp 2 đã xem nhà văn hóa là điểm sinh hoạt tinh thần, gắn kết tình làng, nghĩa xóm. Khu thể thao của ấp luôn nhộn nhịp vào buổi sáng và buổi chiều hằng ngày. Bà Nguyễn Thị Linh ở ấp 2 chia sẻ: Quá trình xây dựng NTM kiểu mẫu, người dân rất đồng tình, ủng hộ. Nay ai cũng phấn khởi khi thấy diện mạo nông thôn khang trang, phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT phát triển mạnh. Hằng tuần, chúng tôi tham gia quét dọn, ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung. Từ những hoạt động tập thể được tổ chức thường xuyên, tinh thần đoàn kết trong ấp ngày càng bền chặt.

PHÁT HUY VAI TRÒ KINH TẾ TẬP THỂ

Những năm qua, huyện Đồng Phú tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), tạo điều kiện để nông dân tiếp cận mô hình HTX kiểu mới. Đến nay, toàn huyện có 92 trang trại theo tiêu chí mới, thu nhập bình quân mỗi trang trại đạt từ 700 triệu đến 2 tỷ đồng/năm; thành lập 15 HTX nông nghiệp (gồm 2 HTX chăn nuôi gia súc, gia cầm, 12 HTX hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt - cây ăn trái và 1 HTX về lĩnh vực vận tải), thu nhập bình quân từ 8-12 triệu đồng/người/tháng. Nhiều HTX đã tham gia tích cực vào quá trình thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giữ vững các tiêu chí “mềm” trong xây dựng NTM.

Giai đoạn 2010-2024, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao giá trị, hiệu quả, chất lượng sản phẩm; nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất (HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ, trang trại...), hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, xây dựng giải pháp để thực hiện, tạo sự bình đẳng và khuyến khích các chủ thể tham gia chuỗi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, góp phần giảm nghèo. Với nguồn vốn phát triển sản xuất được ngân sách nhà nước hỗ trợ từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã thực hiện 38 dự án phát triển sản xuất với 391 hộ được hỗ trợ.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú cho biết: Trọng tâm của xây dựng NTM là nâng cao chất lượng đời sống người dân. Hoàn thiện tiêu chí NTM đã khó, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn còn khó hơn. Nếu như nhóm tiêu chí hạ tầng phụ thuộc vào nguồn vốn thì các tiêu chí “mềm” lại phụ thuộc vào nội lực địa phương cũng như ý thức của cộng đồng. Không phải cứ đạt chuẩn là kết thúc, mà tất cả chỉ mới bắt đầu. Duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt đang là thách thức không nhỏ đối với các địa phương. Vì vậy, khi đã đạt chuẩn, các địa phương trong huyện phải tiếp tục nỗ lực để giữ vững và phát triển các tiêu chí, để thực sự góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Minh Hiền

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/81/169124/chu-trong-tieu-chi-mem
Zalo