Nông nghiệp bền vững dựa trên các giải pháp then chốt

Tiếp tục phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững trong năm 2025, ngành Nông nghiệp huyện Đơn Dương dựa trên các giải pháp then chốt về tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, nhân rộng chuỗi giá trị liên kết sản xuất, cung ứng thị trường trên cơ sở lấy kinh tế tập thể làm hạt nhân.

Huyện Đơn Dương tiếp tục phát huy lợi thế cảnh quan, đặc trưng văn hóa để phát triển du lịch canh nông, tích hợp đa giá trị sản phẩm

Huyện Đơn Dương tiếp tục phát huy lợi thế cảnh quan, đặc trưng văn hóa để phát triển du lịch canh nông, tích hợp đa giá trị sản phẩm

Theo ngành Nông nghiệp huyện Đơn Dương, để đạt hiệu quả hơn khi thực hành tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong năm 2025 đều căn cứ vào lợi thế so sánh của từng vùng sinh thái của địa phương. Giải pháp ở đây được huyện Đơn Dương lựa chọn mức độ ứng dụng công nghệ theo lợi thế so sánh của từng vùng sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, cây đặc sản; qua đó, tạo ra những sản phẩm cạnh tranh năng lực cao trên thị trường, gia tăng lợi nhuận thu hoạch qua từng thời vụ. Tiêu biểu, huyện Đơn Dương phát triển 1.550 ha cây ăn quả, trong đó bao gồm diện tích chuyển đổi, mở rộng vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các loại cây bơ, cam, quýt, hồng ăn trái, dứa Cayen. Đối với cây cà phê, huyện Đơn Dương tiếp tục thực hiện chương trình tái canh, trồng mới, cải tạo những diện tích già cỗi, năng suất thấp, đảm bảo duy trì diện tích hơn 1.320 ha, trong đó nhân rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng bền vững, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Riêng cây rau các loại, huyện Đơn Dương đẩy mạnh các biện pháp công nghệ thủy canh, canh tác trên giá thể, canh tác theo quy trình hữu cơ, tuần hoàn để nâng hệ số sử dụng đất lên 3 - 3,5 lần mỗi năm.

Với lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm, huyện Đơn Dương phát triển theo hướng trang trại quy mô lớn gắn với biện pháp kỹ thuật tuần hoàn, chăn nuôi hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học, đáp ứng yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Riêng chăn nuôi thủy sản, huyện tập trung khai thác diện tích mặt nước để áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến thâm canh nuôi trồng các loại giống đạt năng suất, chất lượng cao, tối đa hóa hiệu quả kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Đáng kể, huyện Đơn Dương tích cực đổi mới phương thức sản xuất với trọng tâm nâng cao năng lực hoạt động kinh tế tập thể, nòng cốt nhân rộng mô hình hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng. Trong đó, hỗ trợ đào tạo nhân lực chuyên sâu của hợp tác xã về phát triển thị trường, xây dựng và nâng cao thương hiệu sản phẩm. Ngoài ra, huyện Đơn Dương triển khai các giải pháp phát triển sản phẩm OCOP, phát triển thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”’; đầu tư hệ thống logistics kết nối vùng sản xuất nông nghiệp với các trung tâm tiêu thụ nông sản trong cả nước. Đặc biệt, đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; nâng cấp, xây dựng mới hệ thống công trình thủy lợi trọng điểm, nâng lên 75% tỷ lệ diện tích nước tưới chủ động sản xuất...

Về những nhóm giải pháp trọng tâm, trọng điểm phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại, bền vững trong năm 2025, ngành Nông nghiệp huyện Đơn Dương xác định: Bên cạnh nâng cao tiêu chí từng vùng trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao hiện có, huyện tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Đồng thời, ứng dụng công nghệ số từ khâu chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản nông sản; kinh doanh, quản lý, giám sát nguồn gốc nông sản, chuỗi cung ứng sản phẩm. Ngoài ra, huyện Đơn Dương phát huy các lợi thế về cảnh quan để phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, tích hợp đa giá trị…

Thực hành đồng bộ những giải pháp phát triển nông nghiệp toàn diện, hiện đại, bền vững dựa vào các giải pháp then chốt nêu trên, huyện Đơn Dương phấn đấu đạt tăng trưởng đến 6,8% khu vực nông - lâm - thủy; tăng thêm diện tích gieo trồng gần 38.064 ha, duy trì diện tích canh tác 18.924 ha; diện tích rau, hoa ứng dụng công nghệ cao 11.344 ha; giá trị sản xuất bình quân 230 triệu đồng/ha/năm trở lên…

VĂN VIỆT

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202502/nong-nghiep-ben-vung-dua-tren-cac-giai-phap-then-chot-6e82c51/
Zalo