Chủ tịch Thaco, Hòa Phát kiến nghệ thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ
Gặp mặt Thủ tướng tại 'Hội nghị Diên Hồng', Chủ tịch Hòa Phát và Thaco đã đề xuất sáng kiến để chung tay phát triển ngành công nghiệp tại Việt Nam.
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 21/9, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đã kiến nghị nhiều giải pháp với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành để khối doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào công cuộc phát triển đất nước.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long bày tỏ phấn khởi vì Chính phủ đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn. Và để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần tích cực tháo gỡ về thể chế chính sách, tạo dựng môi trường kinh doanh ngày càng tốt hơn cho doanh nghiệp. Ông Trần Đình Long đề xuất Chính phủ cần sớm phê duyệt Quy hoạch cảng biển, từ đó gỡ nút thắt trong nhiều lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp.
Về phát triển công nghiệp phụ trợ, ông Trần Đình Long mong Chính phủ, Thủ tướng, các Bộ, ngành có các chính sách cụ thể, rõ ràng ủng hộ, bảo hộ sản xuất trong nước trên cơ sở phù hợp các thông lệ quốc tế, có các chính sách đặc thù để nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp lớn.
Ông Trần Đình Long kiến nghị Chính phủ cần đẩy nhanh tiến độ phát triển các mỏ sắt trong nước để giảm chi phí nhập khẩu quặng sắt cho doanh nghiệp, cụ thể là cần thiết đưa mỏ sắt Quý Xa (Lào Cai) vào hoạt động. Chủ tịch Hòa Phát cũng bày tỏ, về vấn đề kỹ thuật, Hòa Phát đủ năng lực để sản xuất thép cho đường ray các đường sắt tốc độ cao.
Cơ hội phát triển công nghiệp nền tảng ở Việt Nam
Là Tập đoàn đa ngành hàng đầu tại Việt Nam với lĩnh vực cốt lõi là sản xuất và lắp ráp ô tô, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho biết, hiện nay đang là giai đoạn thay đổi rất nhiều về công nghệ, đặc biệt ngành công nghiệp ô tô đang hướng tới xanh, sạch.
Tập đoàn Trường Hải đang theo đuổi là trung tâm sản xuất ô tô cho các hãng quốc tế tại Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, đặc biệt khu vực ASEAN. Tuy nhiên, nếu chuyển qua hoàn toàn xe điện thì đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian về đầu tư hạ tầng, về an toàn.
"Hiện nay, gần như các hãng ô tô mà Trường Hải hợp tác thì đều có xe điện nhưng số lượng vào Việt Nam còn hạn chế," ông Dương nói và đề xuất có các hội thảo để các bên đóng góp đề xuất, ý kiến nhằm thay đổi xu hướng của thị trường các loại xe như xe xanh, xe điện, xe ít tiêu hao nhiên liệu...
Về công nghiệp hỗ trợ, Trường Hải "may mắn đi sớm" vào lĩnh vực cơ khí. Tập đoàn đang triển khai tiếp khu công nghiệp sản xuất về cơ khí công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam. Ông Dương chia sẻ, trong lĩnh vực về linh kiện ô tô, năm 2024, Trường Hải đã bán (linh kiện) cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với 13 triệu USD, dự kiến sang năm sẽ nhiều hơn.
Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đã có trong rất nhiều ngành nghề. Tuy nhiên, để đầu tư lĩnh vực này, đòi hỏi về sản lượng và công nghệ rất lớn. Vì vậy, đại diện Tập đoàn Trường Hải cũng kiến nghị Chính phủ xem xét và quan tâm đến ngành công nghiệp này.