Nền kinh tế Việt Nam 10 tháng năm 2024 là 'bức tranh rất đẹp'
Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 có nhiều điểm sáng. Chỉ số toàn ngành công nghiệp tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 27, 26 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15.8% so với cùng kỳ; khách quốc tế đến Việt Nam đạt 14,1 triệu lượt người…
Với những chỉ số tích cực trên, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định.
"Bức tranh của nền kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm là bức tranh rất đẹp, tôi cho rằng nền kinh tế của Việt Nam rất lạc quan trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những điểm tựa cho dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tôi cho rằng 2 tháng cuối năm 2024 là thời điểm nước rút, có thể tạo ra những kỳ tích mới chưa từng có trong lịch sử phát triển của Việt Nam thời kỳ đổi mới".
Chia sẻ về dư địa tăng trưởng của nền kinh tế trong 2 tháng cuối năm, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7% cả năm 2024 của Việt Nam là khả thi bởi 3 động lực tăng trưởng đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đang được thúc đẩy và có chiều hướng thuận lợi hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức ở phía trước cần được nhận diện và có những giải pháp tháo gỡ kịp thời để tạo đà cho nền kinh tế bứt phá trong thời gian tới.
"Từ nay đến cuối năm thách thức lớn nhất của chúng ta chính là câu chuyện đảm bảo cân bằng hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá; giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Mặc dù, tỷ giá từ năm đến nay chúng ta tăng khoảng 4,5% nhưng chúng tôi nhìn nhận cả năm 2024 chúng ta chỉ tăng khoảng ở mức 3,5-4%, điều này hoàn toàn khả thi".
Các chuyên gia cũng cho rằng, cần tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của các ngành công nghiệp. Đồng thời cần có chính sách tài khóa quyết liệt, hỗ trợ sản xuất hàng hóa, dịch vụ và khuyến khích tiêu dùng, tạo vòng tròn sản xuất - lưu thông, tạo ra nhu cầu thực trong nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án về đất đai; thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; thúc đẩy các nguồn lực đầu tư của nền kinh tế, trong đó xác định đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, những ngành công nghiệp mới…Điều này sẽ góp phần nâng tăng trưởng 2 tháng cuối năm và cả năm 2024.