Chủ tịch FPT Trương Gia Bình 'nhân đôi' tài sản nhờ cổ phiếu công nghệ

Nhờ giá cổ phiếu FPT tăng gần 83% trong năm 2024, giá trị tài sản dựa trên cổ phiếu của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã tăng hơn 7.000 tỷ đồng năm vừa qua.

 Tài sản của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã tăng gần gấp đôi trong năm 2024 nhờ sóng cổ phiếu công nghệ. Ảnh: FPT.

Tài sản của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã tăng gần gấp đôi trong năm 2024 nhờ sóng cổ phiếu công nghệ. Ảnh: FPT.

Trong năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khép lại với chỉ số VN-Index tăng gần 137 điểm (+12%) so với hồi đầu năm, đóng cửa ở 1.266,78 điểm. Dù chỉ số chính có hiệu suất tăng trưởng 2 con số, chỉ số ít tỷ phú Việt Nam ghi nhận khối tài sản trên sàn chứng khoán gia tăng trong năm vừa qua.

Chủ tịch FPT thắng lớn

Trong năm 2024, một trong những nhóm ngành ghi nhận tăng trưởng đột biến là công nghệ, đáng kể nhất là “ông lớn” đầu ngành Tập đoàn FPT. Khép lại năm 2024, cổ phiếu FPT đã tăng gần 83%, là một trong những bluechip có hiệu suất tốt nhất năm.

Đáng chú ý, mã chứng khoán này đã lập kỷ lục vượt đỉnh 42 lần chỉ trong 1 năm. Vốn hóa của tập đoàn nhờ đó cũng vươn lên vị trí thứ 2 trên sàn HoSE với quy mô 220.000 tỷ đồng, chỉ sau Vietcombank.

Đà tăng giá của cổ phiếu không chỉ giúp vốn hóa Tập đoàn FPT tăng trưởng mạnh mà còn giúp Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình "kiếm" hàng nghìn tỷ đồng. Theo đó, 2024 là một năm đại thành công với Chủ tịch Tập đoàn FPT khi lượng cổ phiếu mà ông nắm giữ cũng tăng trưởng tương ứng lên 15.600 tỷ đồng.

Kể từ cuối năm 2023, cổ phiếu FPT luôn nhận được các yếu tố hỗ trợ từ thị trường. Đặc biệt, "gã khổng lồ" công nghệ thế giới Nvidia cũng tạo ra chất xúc tác đáng kể thúc đẩy thị giá FPT nói riêng và sóng cổ phiếu công nghệ nói chung.

 Giá cổ phiếu FPT tăng ấn tượng trong năm 2024. Ảnh: TradingView.

Giá cổ phiếu FPT tăng ấn tượng trong năm 2024. Ảnh: TradingView.

Giữa năm 2024, FPT công bố hợp tác chiến lược toàn diện với Nvidia ở lĩnh vực nghiên cứu AI. Trong đó, 2 bên dự kiến xây dựng nhà máy AI, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và trở thành đối tác phát triển dịch vụ trong mạng lưới đối tác của Nvidia.

Theo biên bản ghi nhớ, FPT dự kiến đầu tư 200 triệu USD để xây dựng nhà máy cung cấp nền tảng điện toán đám mây phục vụ nghiên cứu phát triển AI và có chủ quyền tại Việt Nam.

Đây chính là mốc thời gian đánh dấu nhịp đi lên mạnh mẽ của mã chứng khoán này

Kết quả kinh doanh thuận lợi cũng hỗ trợ giá cổ phiếu FPT. Sau 11 tháng năm 2024, FPT ước tính doanh thu đạt 56.404 tỷ đồng, tăng gần 20%. Lợi nhuận trước thuế cũng tăng với biên độ tương ứng lên hơn 10.000 tỷ đồng.

Tài sản của nhiều tỷ phú trồi sụt

Nếu dựa trên lượng cổ phiếu sở hữu trực tiếp, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, tiếp tục giữ vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Hiện ông chủ Hòa Phát đang nắm giữ hơn 1,65 tỷ cổ phiếu HPG (chiếm 25,8% vốn), tương đương giá trị gần 44.000 tỷ đồng.

So với đầu năm, giá trị số cổ phiếu của ông Long chỉ tăng gần 6%, chủ yếu do thị giá HPG biến động tương đối dữ dội vào giai đoạn cuối năm.

Xếp sau Chủ tịch Hòa Phát là Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng. Với 691 triệu cổ phiếu VIC nắm trực tiếp, ông Vượng đang sở hữu khối tài sản trị giá 28.000 tỷ đồng, nhưng đã giảm 7% trong một năm.

Thực tế, giá trị tài sản dựa trên cổ phiếu VIC của Chủ tịch Vingroup lớn hơn nhiều nếu tính cả lượng sở hữu gián tiếp tại các doanh nghiệp liên quan như CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh, CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI.

Ước tính, tổng giá trị số cổ phiếu VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm giữ cả trực tiếp và gián tiếp lên đến 91.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2027 khối tài sản này giảm xuống dưới ngưỡng 100.000 tỷ đồng.

Ngoài lượng cổ phiếu thuộc sở hữu cá nhân, người thân của các đại gia cũng sở hữu khối lượng cổ phiếu khổng lồ.

Như bà Vũ Thị Hiền, vợ Chủ tịch Trần Đình Long, hiện nắm hơn 440 triệu cổ phiếu HPG (chiếm 6,88% vốn), giá trị hơn 11.700 tỷ đồng. Bà Hiền cũng nằm trong top 10 tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam đến cuối năm 2024.

Trong khi đó, bà Phạm Thu Hương, vợ ông Phạm Nhật Vượng, sở hữu hơn 170 triệu cổ phiếu VIC với giá trị khoảng 6.900 tỷ đồng.

Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh hiện nắm trực tiếp 78,6 triệu cổ phiếu (chiếm 1,11% vốn ngân hàng) với giá trị tương đương hơn 1.930 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính cả lượng cổ phiếu TCB những người thân trong gia đình ông Hùng Anh nắm giữ, khối tài sản này vẫn lên tới hàng tỷ USD.

Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, vợ ông Hồ Hùng Anh, hiện nắm hơn 348 triệu cổ phiếu TCB, tương đương 9.100 tỷ đồng. Con gái Hồ Thủy Anh (sinh năm 2001) và con trai Hồ Anh Minh (sinh năm 1995) cũng sở hữu mỗi người gần 8.400 tỷ đồng giá trị cổ phiếu TCB, trong khi người con gái còn lại là Hồ Minh Anh cũng nắm giữ trên 144 triệu cổ phiếu TCB, giá trị tương đương gần 3.600 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khối tài sản của các “cậu ấm, cô chiêu” nhà ông Hồ Hùng Anh thậm chí còn vượt qua quy mô của nhiều doanh nhân kỳ cựu như như Chủ tịch Hóa chất Đức Giang Đào Hữu Huyền (8.300 tỷ đồng), Chủ tịch Vĩnh Hoàn Trương Thị Lệ Khanh (6.300 tỷ đồng) Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt Nguyễn Văn Đạt (7.000 tỷ đồng)...

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/chu-tich-fpt-truong-gia-binh-nhan-doi-tai-san-nho-co-phieu-cong-nghe-post1522303.html
Zalo