Chư Sê gặp khó trong quản lý khoáng sản

Huyện Chư Sê có trữ lượng khoáng sản lớn, chủ yếu là than bùn và khoáng sản thông thường làm vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, những khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ và một phần nằm trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân khiến công tác quản lý gặp không ít khó khăn.

Đầu tháng 12-2024, qua nguồn tin báo về vụ khai thác khoáng sản trái phép tại làng Tơ Drăh, UBND xã Bar Măih đã cử lực lượng xuống hiện trường xác minh vụ việc. Qua xác minh, vị trí khai thác thuộc đất của ông Đinh Hrăm.

Theo đó, ông Hrăm đã thuê máy xúc của ông Nguyễn Minh Tú (trú tại làng Phăm Klăh, xã Bar Măih) đào đất để trồng cà phê. Trong quá trình đào đất thấy có nhiều đá cục nên ông Hrăm thuê người chẻ đá để bán.

Tại hiện trường có hơn 1.200 viên đá chẻ, khoảng 15 m3 đá cục và 1 máy phát điện. Sau khi làm rõ, UBND xã đã lập biên bản, báo cáo UBND huyện để xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Văn Thương-Chủ tịch UBND xã Bar Măih-cho biết: Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép chủ yếu xảy ra tại làng Phăm Ngol, Tơ Drăh.

“Hàng năm, trên địa bàn xảy ra 1-2 vụ khai thác khoáng sản trái phép. Trong khi người dân cải tạo đất để sản xuất nông nghiệp thì phát hiện đá mồ côi nên lợi dụng khai thác để bán.

Đầu năm 2024, UBND xã đã kiện toàn đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, xây dựng nhà yến và lò đốt than trên địa bàn xã. Đồng thời, xây dựng kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản tại các thôn, làng”-ông Thương thông tin thêm.

 Hiện trường vụ khai thác đá trái phép tại làng Tơ Dră (xã Bar Măih, huyện Chư Sê). Ảnh: L.N

Hiện trường vụ khai thác đá trái phép tại làng Tơ Dră (xã Bar Măih, huyện Chư Sê). Ảnh: L.N

Xã Hbông có 16 khu vực quy hoạch khoáng sản. Trên địa bàn xã có 6 doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản. Ngoài ra, khoáng sản còn phân bố nhỏ lẻ nằm rải rác, xen kẽ trong diện tích đất nông nghiệp của người dân, chủ yếu là đá xây dựng.

Năm 2024, trên địa bàn xã xảy ra 5 vụ vi phạm pháp luật về lĩnh vực khoáng sản, trong đó có 2 vụ khai thác và 3 vụ vận chuyển khoáng sản trái phép. Sau khi phát hiện, UBND xã đã xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 1,9 triệu đồng. Tang vật thu giữ là 20 m3 đá dạng cục, 2.200 viên đá chẻ và 1 máy phát điện.

Ông Phạm Hữu Viên-Chủ tịch UBND xã Hbông-thông tin: “Hiện có lượng khoáng sản khá lớn được các hộ dân thu gom trong quá trình canh tác nông nghiệp nhưng chưa có phương án tận thu. Đây chính là nguyên nhân dẫn tới những vụ việc vi phạm trong thời gian qua.

Để ngăn chặn tình trạng này, xã đã xin ý kiến cấp thẩm quyền có cơ chế giải phóng đá tập kết ở bờ ruộng để người dân có đất canh tác và Nhà nước cũng không bị thất thu nguồn khoáng sản”.

 Hiện trường bãi đá do người dân làng Tơ Drăh (xã Bar Măih, huyện Chư Sê) khai thác trái phép. Ảnh: L.N

Hiện trường bãi đá do người dân làng Tơ Drăh (xã Bar Măih, huyện Chư Sê) khai thác trái phép. Ảnh: L.N

Trao đổi với P.V, bà Phùng Thị Hà-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Sê-cho hay: Trên địa bàn huyện có 23 khu vực quy hoạch khoáng sản với diện tích khoảng 110 ha. Chủng loại khoáng sản chủ yếu là than bùn, đá xây dựng, đá vôi, cát xây dựng và đất san lấp.

Khoáng sản phân bố ở các xã Hbông, Ayun, Ia Pal, Ia Tiêm, Bar Măih, Kông Htok và Ia Ko. Hiện có 14 khu vực đã được cấp phép, 2 khu vực đang lập thủ tục cấp phép và 7 khu vực chưa cấp phép.

Do khoáng sản phân bố nhỏ lẻ và rộng khắp nên rất khó cho công tác quản lý. Đặc biệt, một số cá nhân lợi dụng việc cải tạo đất nông nghiệp rồi tận thu khoáng sản để trục lợi.

Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 45 vụ vi phạm Luật Khoáng sản, địa phương đã xử phạt với tổng số tiền hơn 628 triệu đồng. Tang vật thu giữ gồm: hơn 482 m3 đá xây dựng loại cục, 26.610 viên đá chẻ, 850 viên đá comik, 6 m3 đá lô ka và một số phương tiện khai thác đá...

“Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra chủ yếu vào thời gian ngoài giờ hành chính, ban đêm, nơi khai thác ở vùng sâu, vùng xa. Để công tác quản lý khoáng sản đạt hiệu quả cần tăng cường kiểm tra liên ngành. Trong đó, lực lượng Công an tăng cường kiểm tra các phương tiện có dấu hiệu vận chuyển khoáng sản trái phép.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra chuyên ngành đối với doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoáng sản”-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện kiến nghị.

LÊ NAM

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chu-se-gap-kho-trong-quan-ly-khoang-san-post304028.html
Zalo