Hiểm họa từ lưới điện nông thôn mất an toàn ở Quảng Nam

Quảng Nam là một trong những địa phương sớm hoàn thành công tác bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành điện quản lý, đầu tư nâng cấp và khai thác. Thế nhưng, thực tế ở tỉnh Quảng Nam vẫn còn tồn tại nhiều bất cập về quy hoạch đường điện, hạ tầng điện xuống cấp; chất lượng điện còn nhiều hạn chế ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Thậm chí người dân không khỏi lo lắng khi hạ tầng lưới điện luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn khi mùa mưa bão.

Lưới điện ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn.

Lưới điện ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Nam luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn.

Dọc các tuyến đường nông thôn ở tỉnh Quảng Nam, hình ảnh đường dây điện mắc chằng chịt, chồng chéo như “mạng nhện” giờ đây đã không hiếm để nhìn thấy. Nhiều đường dây điện nằm sát bụi cây ven đường hoặc mái nhà hay mặt nước, tiềm ẩn nguy cơ điện giật rất cao.

Nhiều dây điện mắc chằng chịt chạy sát trước nhà người dân.

Nhiều dây điện mắc chằng chịt chạy sát trước nhà người dân.

Dây điện đã vậy, cột điện cũng không khá hơn. Nhiều cột được làm từ tre, gỗ lâu ngày đã mục nát, xiêu vẹo, có thể đổ bất cứ lúc nào. Việc người dân tự ý đấu nối đường dây điện bằng nhiều loại dây không đủ trọng tải, treo mắc công tơ lộn xộn, sử dụng cây cối, cọc tre để dẫn điện là một trong những nguyên nhân làm lưới điện nông thôn tỉnh Quảng Nam luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Nhiều cột điện được làm từ tre, gỗ lâu ngày đã mục nát, xiêu vẹo, có thể đổ bất cứ lúc nào.

Nhiều cột điện được làm từ tre, gỗ lâu ngày đã mục nát, xiêu vẹo, có thể đổ bất cứ lúc nào.

Theo bà Lê Thị Hoa ở xã Bình Hải, huyện Thăng Bình cho biết, cứ đến mùa mưa tình trạng chập điện thường xuyên xảy ra, rất nguy hiểm. Nguy hiểm hơn cả là việc người dân tự ý kéo điện ra bờ ao để phục vụ cho công việc bơm tưới, dây điện đặt ngay dưới đất, có đoạn cột điện gãy mà vẫn chưa thay thế để dây điện nằm luôn dưới mặt nước, khiến cho không ít người đi qua đây phải lo sợ.

Cột điện bằng cây gỗ gãy vẫn chưa thay thế để dây điện nằm luôn dưới mặt nước.

Cột điện bằng cây gỗ gãy vẫn chưa thay thế để dây điện nằm luôn dưới mặt nước.

Không chỉ đường dây điện nguy hiểm mà hình ảnh nhiều công-tơ điện xuống cấp “chen lấn nhau” trên cột điện cũng làm cho không ít người hoang mang. Trong khi, phần dây ra sau công-tơ là tài sản và trách nhiệm đầu tư của hộ sử dụng điện, song người dân chưa quan tâm cải tạo, thay thế. Nhiều hộ vẫn sử dụng những dây điện cũ nên không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật.

Chằng chịt dây điện đấu nối sau công-tơ.

Chằng chịt dây điện đấu nối sau công-tơ.

Ông Nguyễn Bốn tại xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước bức xúc: “Hạ tầng lưới điện xuống cấp từ nhiều năm nay, đường dây điện chắp vá. Thực trạng trên, không chỉ gây tình trạng tổn thất điện năng mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn”.

Nhiều công-tơ điện xuống cấp “chen lấn nhau” trên cột điện.

Nhiều công-tơ điện xuống cấp “chen lấn nhau” trên cột điện.

Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có chủ trương kết thúc tiếp nhận trước ngày 31/12/2020 tại văn bản số 5926/EVN-KD ngày 18/12/2017. Do vậy, tỉnh Quảng Nam đã triển khai quyết liệt chủ trương bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cho ngành điện. Như vậy đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ còn lại 1 Hợp tác xã Duy Sơn (có nhà máy thủy điện và hệ thống lưới điện trung hạ áp, trạm biến áp riêng) còn hoạt động kinh doanh điện nông thôn.

Trên thực tế, lưới điện hạ áp nông thôn của các hợp tác xã hầu hết được tiếp nhận từ dự án REII, REII mở rộng. Phần lớn các Hợp tác xã có hiệu quả kinh doanh điện năng thấp, chênh lệch giữa chi phí mua điện và bán điện đủ trả nợ vốn vay REII và REII mở rộng, trả chi phí cho đội ngũ quản lý vận hành và chi phí quản lý, lợi nhuận thấp, nên việc trích khấu hao để đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đầu tư xây dựng mới lưới điện hạ áp nông thôn hằng năm của các hợp tác xã còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng cao của người dân.

Do đó, tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các hợp tác xã hoạt động kinh doanh điện thấp bàn giao cho ngành điện để thực hiện đầu tư, nâng cấp lưới điện, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện phục vụ người dân.

Hạ tầng lưới điện ở nông thôn Quảng Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng cao của người dân.

Hạ tầng lưới điện ở nông thôn Quảng Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng cao của người dân.

Ông Nguyễn Đinh Viễn, Trưởng phòng Quản lý năng lượng kỹ thuật, Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết, do chủ trương tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn của EVN đã kết thúc vào cuối năm 2020, nên việc bàn giao lưới điện các Hợp tác xã thống nhất bàn giao sau năm 2021 gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa được EVN thống nhất tiếp nhận. Sau nhiều lần Sở Công thương tham mưu, UBND tỉnh Quảng Nam có nhiều văn bản gửi EVN đề nghị EVN thống nhất gia hạn thời gian tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh, thì đến ngày 22/7/2023, EVN đã có văn bản số 4245/EVN-KD tiếp tục thực hiện tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Hiện nay, các hợp tác xã và các điện lực địa phương đang gấp rút thực hiện các hồ sơ thủ tục để hoàn thành công tác chuyển giao.

“Hằng năm, Sở Công thương đã có các chỉ đạo, đề nghị Công ty Điện lực Quảng Nam triển khai các biện pháp bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối với hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn, từ năm 2020 đến 2023 ngành điện đã đầu tư cải tạo, nâng cấp sau tiếp nhận với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, giảm tỷ lệ tổn thất điện năng trung bình từ 9,5% xuống còn 4,5%”, ông Viễn thông tin thêm.

Hệ thống lưới điện nông thôn ở Quảng Nam cần sớm được đầu tư, nâng cấp.

Hệ thống lưới điện nông thôn ở Quảng Nam cần sớm được đầu tư, nâng cấp.

Trên thực tế, trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra những vụ tai nạn điện mà nguyên nhân chính xuất phát từ sự xuống cấp của hệ thống lưới điện nông thôn. Sự chủ quan của người dân, sự thiếu quan tâm của đơn vị quản lý đã dẫn đến các trường hợp tai nạn do điện giật.

Mặc dù ngành điện đã có nhiều nỗ lực để đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn, thế nhưng vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân trong việc giăng mắc và sử dụng điện đã dẫn đến tình trạng nguy hiểm trên. Thiết nghĩ ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có giải pháp thiết thực hơn để bảo đảm an toàn cho hệ thống lưới điện nông thôn.

ANH QUÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hiem-hoa-tu-luoi-dien-nong-thon-mat-an-toan-o-quang-nam-post850736.html
Zalo