Chủ động xanh hóa hoặc bị bỏ lại phía sau

Đối với các DN tư nhân tại Việt Nam hiện nay, chuyển đổi xanh đang dần trở thành yêu cầu sống còn, không chỉ để tăng trưởng mà còn để thích ứng dài hạn với kinh tế toàn cầu.

Máy bay Airbus a320 neo của Vietnam Airlines giảm 16% tiêu hao nhiên liệu, giảm 75% tiếng ồn và giảm được khoảng 50% khí thải độc hại so với các dòng động cơ thế hệ trước. Ảnh: Khánh Huy

Máy bay Airbus a320 neo của Vietnam Airlines giảm 16% tiêu hao nhiên liệu, giảm 75% tiếng ồn và giảm được khoảng 50% khí thải độc hại so với các dòng động cơ thế hệ trước. Ảnh: Khánh Huy

Yêu cầu khắt khe về phát triển bền vững

Tại hội thảo “DN chuyển đổi xanh để giữ vững lợi thế cạnh tranh gia tăng xuất khẩu trong giai đoạn mới” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức vừa qua, các đại biểu cho rằng, hiện nay, các ràng buộc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ngày càng chi phối dòng vốn và xu hướng tiêu dùng toàn cầu, DN tư nhân Việt Nam đứng trước một áp lực không nhỏ: hoặc chủ động xanh hóa, hoặc bị bỏ lại phía sau. Để tăng trưởng xanh không chỉ là khẩu hiệu, DN cần bắt đầu từ tầm nhìn chiến lược, hành động thực chất và đồng hành cùng những chính sách thúc đẩy chuyển đổi bền vững.

Theo bà Trần Thị Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa (VCCI), trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang có nhiều biến động với những yêu cầu ngày càng khắt khe về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, “chuyển đổi xanh” đã trở thành một xu thế tất yếu giúp DN muốn tồn tại và phát triển lâu dài. Theo đó, người tiêu dùng ngày nay, đặc biệt là thế hệ trẻ không chỉ quan tâm đến chất lượng và giá cả sản phẩm mà còn chú trọng đến yếu tố môi trường, quy trình sản xuất và nguồn gốc bền vững của sản phẩm. Họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, có bao bì tái chế và ít tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Điều này cho thấy một sự chuyển dịch lớn trong hành vi tiêu dùng không còn là xu hướng ngắn hạn mà đã trở thành một phong cách sống rõ rệt.

Bà Trần Thị Thanh Tâm nhận định, các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản đang ngày càng áp dụng các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn. Những quy định như: cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu, yêu cầu về chứng nhận sản phẩm hữu cơ, sản phẩm có carbon thấp… Nếu không kịp điều chỉnh, DN sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật.

Tuy nhiên, mỗi thách thức cũng chỉ ra cơ hội. Chuyển đổi xanh không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường mà còn mang lại nhiều giá trị thiết thực cho DN, đó là giúp nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu, thể hiện trách nhiệm xã hội và môi trường cho DN; tối ưu hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu từ đó giảm chi phí vận hành; tạo cơ hội tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tài trợ quốc tế và các chương trình hỗ trợ phát triển bền vững.

Không chỉ là khẩu hiệu

Nhận định về xuất khẩu số và xu thế chuyển đổi xanh, cơ hội cho DN Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển mạnh trong thời gian qua, tại Việt Nam năm 2022 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 7% so với năm trước. Chuyển đổi số là xu hướng mạnh mẽ hiện nay với các nhu cầu gia tăng và ngày càng cao về xuất khẩu trực tuyến, tập trung vào thị trường ngách. Theo ông Nguyễn Văn Thành, bối cảnh xã hội hiện nay đang tiến tới thương mại số cũng như phát triển hệ sinh thái thương mại điện tử bền vững trong một xu hướng tiêu dùng bền vững. Biểu hiện cụ thể là người tiêu dùng ngày càng hạn chế sử dụng các mặt hàng tác động tiêu cực tới môi trường cũng như chú ý hơn tới thương hiệu, mục tiêu kép của sản phẩm xanh và sạch hiện nay…

Dự báo đến năm 2027 thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam có thể đạt 5,5 tỷ USD, vì thế để gia tăng xuất khẩu, DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng xanh hóa, phát triển bền vững bảo đảm yêu cầu đặt ra đối với các nước trên thế giới. Cùng với đó, đẩy mạnh đào tạo cho các DN về phát triển nhân lực số, hạ tầng logistic; xây dựng tiếp cận đa kênh trên các sàn thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước qua thương mại điện tử… để gia tăng xuất khẩu.

Các DN cũng cần có một hành lang pháp lý, có những quy định, quy chế quản lý một cách chặt chẽ, bảo đảm công bằng, minh bạch, nhưng cũng cần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng với đó, Nhà nước cần kết nối các dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa trong nước thông qua thương mại tử và tối ưu các thủ tục hành chính, cũng như thuận lợi hóa các thủ tục để hỗ trợ xuất khẩu cho các DN trong thời gian tới.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/chu-dong-xanh-hoa-hoac-bi-bo-lai-phia-sau-419547.html
Zalo