Khẩn trương gỡ khó cho xuất khẩu sầu riêng
Sản phẩm sầu riêng có triển vọng trở thành một trong những sản phẩm chiến lược, uy tín của Việt Nam đối với thị trường trên thế giới
Trước thềm Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững vào ngày 24-5 tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (Bộ NN-MT), đã có chia sẻ với báo chí về định hướng phát triển bền vững ngành sầu riêng thời gian tới.
.Phóng viên: Một trong những vấn đề được nhắc tới nhiều trong thời gian vừa qua là tồn dư Cadimi và chất vàng O trong sầu riêng xuất khẩu. Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật đã có kết quả điều tra chưa, thưa ông?

- Ông HUỲNH TẤN ĐẠT: Trong quá trình điều tra xác định rõ nguyên nhân về các kim loại nặng tồn dư trong quá trình sản xuất sầu riêng, chúng tôi đã tiến hành điều tra khảo sát ở tất cả các vùng trồng sầu riêng: Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, thông qua lấy mẫu đất, mẫu nước và lấy mẫu thân cành lá cũng như quả sầu riêng để phân tích.
Theo phân tích sơ bộ, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới tồn dư Cadimi trên sầu riêng vượt ngưỡng.
Thứ nhất, một số vùng có đặc điểm thổ nhưỡng chứa sẵn Cadimi ở mức cao hơn trung bình, đi kèm với độ pH đất thấp làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng lành mạnh, khiến cây hút theo kim loại nặng.
Thứ hai, nhiều vùng trồng mới, người dân còn thiếu kinh nghiệm, đang lạm dụng phân bón hóa học với liều lượng cao gấp nhiều lần khuyến cáo, vô tình làm gia tăng nguy cơ tồn dư. Chúng tôi đã khuyến cáo rất rõ tuyệt đối không sử dụng phân bón chứa Cadimi.
Với chất vàng O, một loại phẩm màu công nghiệp bị cấm sử dụng trong thực phẩm, sau khi nhận thông báo cảnh báo, các đoàn kiểm tra đã rà soát tại những vùng trồng sầu riêng bị nghi ngờ nhưng không ghi nhận việc sử dụng chất này trong quy trình canh tác. Do đó, nếu có tồn dư, khả năng cao là phát sinh ở các khâu trung gian, ngoài phạm vi quản lý của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.
Chúng tôi đã chuyển toàn bộ hồ sơ điều tra sang các cơ quan chức năng để tiếp tục làm rõ các hành vi sai phạm, từ đó xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nếu không minh bạch sẽ xử lý đến cùng, vì một lô hàng sai có thể làm mất đi cả thị trường.
.Theo ông, việc Trung Quốc cấp thêm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam có phải là tin đáng mừng không? Điều này có ý nghĩa như thế nào?
- Theo quy định, cứ 3 tháng, Cục Trồng trọt và Cục Bảo vệ thực vật sẽ cập nhật mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng, sau đó gửi thông tin sang phía Trung Quốc để phê duyệt. Trong đợt xét duyệt ngày 21-5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) chính thức thông báo phê duyệt bổ sung 829 mã số vùng trồng và 131 cơ sở đóng gói sầu riêng được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Như vậy, đến nay, tổng mã số vùng trồng là 1.396 và 188 mã cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Việc được cấp thêm mã số là bước tiến quan trọng, nhất là trong bối cảnh khu vực Tây Nguyên sắp bước vào chính vụ thu hoạch vào tháng 7. Điều này giúp giảm áp lực thu hoạch, phân phối, cũng như hạn chế tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu hay rủi ro biến động giá.
Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô đồng nghĩa với việc phải nâng cao năng lực quản lý. Các chủ sở hữu mã số cần nhận thức rằng mã số vùng trồng không chỉ là một giấy phép, mà còn là tài sản, là thương hiệu, là kết quả của công sức và uy tín đã gây dựng. Việc duy trì chất lượng và tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật là điều kiện tiên quyết để bảo vệ thương hiệu sầu riêng Việt Nam.
.Vậy Bộ NN-MT có những định hướng cụ thể nào nhằm phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng trong thời gian tới?
- Để phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng, điều quan trọng trước tiên là các địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội cần tận dụng cơ hội từ thị trường Trung Quốc khi đã được cấp thêm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Song song đó, việc tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật từ phía nước nhập khẩu là yếu tố then chốt để giữ vững uy tín, chất lượng và vị thế sản phẩm.
Tôi tin rằng nếu các doanh nghiệp và người dân tuân thủ nghiêm túc những điều kiện đã cam kết trong Nghị định thư thì khả năng cao chúng ta sẽ được phía Trung Quốc giảm tần suất kiểm tra, thậm chí được ưu tiên thông quan theo cơ chế "luồng xanh". Nhờ vậy, sản phẩm sầu riêng của Việt Nam không chỉ giữ vững thị trường mà còn có cơ hội vươn xa, trở thành một trong những mặt hàng chiến lược, góp phần nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.