Chủ động ứng phó, nâng cao năng lực chống thiên tai cho người lao động

Theo TS. Hoàng Mạnh Hùng – Giảng viên chính ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp Trường Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân, giải pháp cơ bản để giúp người lao động đảm bảo sinh kế là chủ động ứng phó trước, trong và sau thiên tai. Trong đó, tập trung khắc phục thiệt hại sau thiên tai gây ra; đồng thời, nâng cao năng lực chống thiên tai cho người lao động.

Tại tọa đàm “Giải pháp đảm bảo sinh kế cho người lao động sau thiên tai” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid Việt Nam), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức vào ngày 31/3, nhiều chuyên gia đã nêu lên các giải pháp đa chiều nhằm bảo đảm sinh kế cho người lao động sau thiên tai.

TS. Hoàng Mạnh Hùng – Giảng viên chính ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp Trường Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân.

TS. Hoàng Mạnh Hùng – Giảng viên chính ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp Trường Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân.

Thiệt hại nông nghiệp sau bão Yagi chiếm 38% tổng thiệt hại của nền kinh tế

Trong khuôn khổ tọa đàm, TS. Hoàng Mạnh Hùng – giảng viên chính ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp Trường Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, lĩnh vực về nông nghiệp nông thôn bị thiệt hại rất lớn sau thiên tai năm 2024, đặc biệt là cơn bão Yagi. Theo thống kê, tổng số thiệt hại về nông nghiệp là 350.000 ha lúa, chiếm tới 75.000 ha lúa bị mất trắng, mất từ 75% trở lên. Ngoài ra, về gia súc thiệt hại hơn 44.000 và hàng triệu con gia cầm. Thiệt hại lớn nữa là hệ thống hạ tầng.

Theo TS. Hoàng Mạnh Hùng, thiệt hại về nông thôn không phải một sớm một chiều xử lý ngay được mà đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường. Với thiệt hại này, khi quy đổi ra số giá trị của tài chính thì thống kê tổng giá trị thiệt hại nông nghiệp sau bão Yagi là 3.800 tỷ đồng, chiếm tới 38% tổng hiệt hại của nền kinh tế.

Lý giải về vấn đề này, TS. Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, hạ tầng của khu vực nông thôn yếu kém hơn so với khu vực đô thị; xu hướng phát triển nông nghiệp hiện nay khác với trước đây là nông nghiệp về công nghệ cao, tiên tiến, nông nghiệp xanh - tuần hoàn - bền vững. “Hạ tầng nông nghiệp rất dễ bị chi phối bởi thiên tai do đặc tính bao trùm rộng lớn và phức tạp. Nên khi có thiên tai rất khó lường trước được. Cơn bão Yagi vừa qua, chúng ta nhận thấy rằng chúng ta không lường trước được. Những thiệt hại của nó quá lớn” – TS. Hoàng Mạnh Hùng nói.

Cần chiến lược dài hạn cho tạo việc làm tạm thời cho người lao động sau thiên tai

Những thiên tai nghiêm trọng trong năm 2024 đã gây ra tác động sâu rộng đến người lao động tại Việt Nam, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương như nông dân công nhân lao động phổ thông và ngư dân. Mất việc làm và giảm thu nhập là ảnh hưởng chính mà những đối tượng này phải gánh chịu. Việc hỗ trợ tài chính, đào tạo nghề và xây dựng hệ thống an sinh xã hội tốt hơn sẽ là yếu tố quan trọng để giúp họ phục hồi và thích ứng với các thách thức trong tương lai.

Các chuyên gia tham gia chia sẻ tại Tọa đàm.

Các chuyên gia tham gia chia sẻ tại Tọa đàm.

Việc giúp người lao động đảm bảo sinh kế sau thiên tai cần một chiến lược dài hạn, kết hợp giữa cứu trợ trước mắt và phát triển bền vững. Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và bản thân người lao động cần phối hợp để xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với thiên tai, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo việc làm lâu dài.

Theo TS. Hoàng Mạnh Hùng, tái thiết sản xuất sau thiên tai không phải việc một sớm một chiều. Do đó, tạo việc làm tạm thời và thu nhập thay thế cho người lao động được khuyến khích và coi là một trong những giải pháp hiệu quả, quan trọng.

TS. Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, thiên tai là điều không mong muốn nhưng để thích ứng cần một chiến lược dài hạn. Cần phải có dự báo trước để đưa ra giải pháp khắc phục. Riêng đối với những thiên tai lớn, cần trang bị kỹ năng cho các lao động nông nghiệp. Song, vẫn phải thừa nhận ràng, do năng lực còn hạn chế, nên khi có thiên tai xảy ra, đội ngũ lao động nông nghiệp sẽ có những thiệt hại lớn hơn so với đội ngũ lao động phi nông nghiệp.

Việc đào tạo nghề ngắn hạn cũng là cần thiết để hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, đào tạo phải được làm thường xuyên và phải xem xét ở từng vùng miền và bám vào nhu cầu của thị trường lao động tại khu vực đó. Bản thân chính người lao động cũng phải xác định năng lực và nhu cầu lao động của mỗi người.

Giải pháp cơ bản được TS. Hoàng Mạnh Hùng nêu là chủ động ứng phó trước, trong và sau thiên tai, trong đó, tập trung khắc phục thiệt hại sau thiên tai gây ra. Đồng thời, nâng cao năng lực chống thiên tai gồm có: hạ tầng và kỹ năng, trong đó, chú trọng vào yếu tố con người mà cụ thể là hỗ trợ, khuyến khích người nông dân đứng dậy lao động sản xuất sau thiên tai.

Thủy Tiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chu-dong-ung-pho-nang-cao-nang-luc-chong-thien-tai-cho-nguoi-lao-dong.659351.html
Zalo