Khắc phục rủi ro và ứng phó với khủng hoảng nợ

Vừa qua, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ đã dẫn đầu đoàn công tác của Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam tham dự Hội nghị về Quản lý nợ lần thứ 14 năm 2025 với chủ đề 'Quản lý nợ theo hướng sáng tạo và bền vững: Khắc phục rủi ro và ứng phó với khủng hoảng'. Đây là hoạt động do Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) tổ chức 2 năm một lần tại TP. Geneva, Thụy Sĩ.

Đoàn KTNN Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh: TL

Đoàn KTNN Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh: TL

Đây là lần thứ 2 KTNN Việt Nam tham dự Hội nghị. Trước đó, đoàn công tác của KTNN Việt Nam do Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn làm Trưởng đoàn lần đầu tiên đã tham gia Hội nghị về Quản lý nợ lần thứ 13 của UNCTAD, tổ chức vào tháng 12/2022 tại Geneva, Thụy Sĩ.

Nỗ lực giải quyết khủng hoảng, đảm bảo phát triển bền vững

Theo các chuyên gia của UNCTAD, trong bối cảnh thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) gặp nhiều thách thức về tài chính và chi phí trả nợ đang làm cạn kiệt nguồn lực cần thiết cho phát triển, Liên hợp quốc đang triển khai một số chương trình để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ và đảm bảo phát triển bền vững. Gần đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã bổ nhiệm một nhóm chuyên gia nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực để khắc phục tình trạng này.

Hội nghị lần thứ 14 được thiết kế gồm 9 phiên thảo luận, trao đổi chuyên môn sâu nhằm tìm ra những giải pháp phù hợp. Tại phiên thảo luận về chủ đề 01 - Tìm kiếm giải pháp thoát khỏi tình trạng bế tắc về nợ, các chuyên gia quốc tế đã tổng hợp thông tin chuyên sâu từ các sáng kiến quốc tế nhằm nỗ lực tìm kiếm giải pháp để thoát khỏi tình trạng nợ, bao gồm cả cho các nước G20, Hiệp ước tương lai và Hội nghị quốc tế lần thứ 4 về tài trợ cho phát triển.

Với phiên thảo luận về chủ đề 02 - Thanh khoản và khả năng trả nợ, các chuyên gia nhận định, kể từ khi Sáng kiến đình chỉ việc trả nợ và Khuôn khổ chung trong giai đoạn Covid-19 ra đời, đã có nhiều cuộc trao đổi về việc các nước đang phát triển phải đối mặt với vấn đề thanh khoản và khả năng trả nợ, do đó, cách tốt nhất là phải xây dựng được các giải pháp để đảm bảo việc vay nợ không tác động quá lớn đến sự phát triển.

Thảo luận về công cụ pháp lý (chủ đề 03), các chuyên gia quốc tế cho rằng, dù ở hình thức luật mềm (văn bản, quy định…) hay luật cứng (điều ước quốc tế…), các sáng kiến xây dựng quy tắc đều có vai trò quan trọng để tạo dựng được sự đồng thuận đối với việc giải quyết nợ không bền vững. Các công cụ luật mềm (như các Nguyên tắc UNCTAD về thúc đẩy hoạt động cho vay và vay nợ có trách nhiệm của quốc gia) đã xác định các quy tắc bao trùm để ứng phó với những vấn đề của nợ công trong thực tiễn. Mặc dù không có tính ràng buộc pháp lý nhưng các công cụ này rất quan trọng, thúc đẩy sự đồng thuận giữa các quốc gia về các chuẩn mực hướng dẫn.

Qua thảo luận về mối liên hệ giữa nợ và khí hậu (chủ đề 04), các đại biểu cho rằng, các nước đang phát triển với gánh nặng nợ cao và dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu đang đối mặt với “vòng luẩn quẩn”, trong đó việc phục hồi sau thiên tai và chuyển đổi cơ cấu kinh tế để phục hồi khí hậu đòi hỏi phải có sự đầu tư. Điều này dẫn đến gia tăng vay nợ tốn kém và làm suy giảm tính bền vững nợ, từ đó duy trì tình trạng đầu tư không đầy đủ vào các hành động vì khí hậu. Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia cần trao đổi chuyên sâu về các công cụ tài chính mới để nâng cao tính linh hoạt và khả năng phục hồi trong quản lý nợ công, từ đó có định hướng hiệu quả hơn khi tình trạng nợ trở nên phức tạp và có thể phá vỡ “vòng luẩn quẩn” của mối liên hệ giữa nợ và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phiên thảo luận về chủ đề 05 - Quản trị, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch trong bối cảnh thế giới tồn tại các hạn chế tài khóa, đã cung cấp những phương pháp các chính phủ đã áp dụng để tăng cường quản trị và trách nhiệm giải trình về nợ công thông qua báo cáo minh bạch, giám sát của Quốc hội, kiểm toán toàn diện và các quy tắc tài khóa được xây dựng phù hợp. Đây là những yếu tố thiết yếu của quản trị tốt trong quản lý nợ, bởi trong thời kỳ thịnh vượng hoặc khi gặp nhiều thách thức, trách nhiệm giải trình về nợ công đóng vai trò rất quan trọng.

Mong muốn cải thiện tính minh bạch của nợ, tại phiên thảo luận 06, các chuyên gia quốc tế đã đề cập đến tầm quan trọng của các số liệu thống kê nợ chi tiết và chất lượng dữ liệu, tập trung vào các thông lệ tốt và các tiêu chuẩn quốc tế để thúc đẩy tính minh bạch và đảm bảo quản lý nợ hiệu quả. Ngoài ra, các đại biểu cùng chia sẻ những phương pháp thu thập, biên soạn, phổ biến và giải thích số liệu thống kê nợ, bao gồm các yêu cầu đang thay đổi trên toàn cầu nhằm tăng cường tính minh bạch trong báo cáo nợ.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: ST

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: ST

Về vấn đề chiến lược quản lý các thách thức liên quan đến thể chế để xây dựng cơ quan quản lý nợ bền vững (chủ đề 07), theo các chuyên gia, tăng cường năng lực và quản lý việc luân chuyển nhân sự để tạo ra dữ liệu và số liệu thống kê nợ chất lượng là những ưu tiên then chốt đối với cơ quan quản lý nợ.

Với chủ đề 08 - Xây dựng mối quan hệ liên kết giữa nợ công và các thách thức của Hệ thống thông tin tích hợp về quản lý tài chính (IFMIS), các chuyên gia nhận định, việc tích hợp quản lý nợ công với các thành phần cốt lõi khác của quản lý tài chính công (như kho bạc, dự toán ngân sách và kế toán) giúp tăng cường giám sát tài chính, giảm thiểu rủi ro và cải thiện công tác hỗ trợ quản trị tài khóa. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là làm thế nào để chính phủ kết nối các đặc điểm riêng biệt của hệ thống quản lý nợ với các thành phần khác của hệ thống quản lý tài chính công.

Trong phiên thảo luận của chủ đề 09 - Những yêu cầu mới đối với hệ thống báo cáo nợ, xu hướng nợ và những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ thông tin dẫn tới gia tăng các mức độ phức tạp mới trong công tác quản lý nợ hiệu quả đã được nhiều chuyên gia đề cập đến. Sự phức tạp ngày càng gia tăng này đòi hỏi phải cập nhật thêm các yêu cầu đối với các hệ thống quản lý nợ.

Học hỏi kinh nghiệm thực tiễn về quản lý nợ công

Tham gia các phiên thảo luận của Hội nghị, KTNN Việt Nam đã dành mối quan tâm tới tất cả các chủ đề, đặc biệt là với chủ đề 02, 03, 08, 09. Theo chia sẻ của Vụ Tổng hợp (KTNN), Việt Nam là một trong những nước đang phát triển nên cần rất nhiều nguồn lực để đầu tư, trong đó bao gồm cả những nguồn lực vay ngoài nước. Với kinh nghiệm, thực tiễn quản lý nợ công, KTNN mong muốn học hỏi kinh nghiệm của các nước trong quản lý nợ công quốc gia, cụ thể là đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì tỷ lệ nợ công khoảng bao nhiêu % GDP là phù hợp.

Cũng theo Vụ Tổng hợp, việc tham gia và áp dụng các hình thức luật mềm hay luật cứng sẽ phát sinh những rủi ro cho cả bên vay và bên cho vay nợ do không có tính ràng buộc pháp lý. Do đó, KTNN Việt Nam mong muốn qua trao đổi, thảo luận về công cụ pháp lý có thể biết rõ hơn những rủi ro có thể xảy ra trong tương khai khi áp dụng rộng rãi hình thức luật mềm; những rủi ro này tác động thế nào đến kế hoạch vay và trả nợ quốc gia; đồng thời lắng nghe những kinh nghiệm quản lý những rủi ro này.

Đại diện Vụ Tổng hợp nêu rõ, KTNN Việt Nam đã được nghiên cứu về các quốc gia điển hình, cũng như trao đổi từ chuyên gia của UNCTAD về Hệ thống thông tin tích hợp về quản lý tài chính, vì vậy, Hội nghị và các phiên thảo luận là cơ hội để KTNN Việt Nam nắm bắt thông tin chi tiết hơn về kinh nghiệm phát triển cơ sở hạ tầng, năng lực nhân sự để đảm bảo xây dựng và vận hành hệ thống tích hợp một cách đồng bộ, phát huy hiệu quả cao.

KTNN Việt Nam cũng nhận thấy, ngày nay, xu hướng nợ và những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ thông tin đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, dẫn tới gia tăng các mức độ phức tạp mới trong công tác quản lý nợ hiệu quả. Theo đó, sự phức tạp ngày càng gia tăng này đòi hỏi việc cập nhật các yêu cầu đối với các hệ thống quản lý nợ. Tại Hội nghị, KTNN Việt Nam mong muốn nắm bắt được những yêu cầu mới đối với hệ thống báo cáo nợ và cách thức đánh giá mức độ đạt chuẩn của hệ thống quản lý nợ, cùng với những bài học kinh nghiệm của các quốc gia trong tiến trình cập nhật các yêu cầu đối với các hệ thống quản lý nợ, nhất là việc sắp xếp thứ tự ưu tiên của các yêu cầu để tập trung nguồn lực triển khai./.

NHÓM PV

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/khac-phuc-rui-ro-va-ung-pho-voi-khung-hoang-no-39224.html
Zalo