Thuế quan đối ứng: 46 và 90%

Vào ngày thứ Tư, 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố các mức thuế quan 'đối ứng' với rất nhiều quốc gia.

Theo Nikkei Asia, đây là mức thuế quan quy mô lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump cho đến nay, bao gồm các mức thuế vượt quá 30% đối với các nền kinh tế châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam và Thái Lan. Riêng Việt Nam bị áp mức thuế quan 46%.

Vì sao là 46%?

Theo tài liệu do Nhà Trắng công bố về khuôn khổ thuế quan lần này, việc đánh thuế này sẽ được chia làm hai nhóm.

Đầu tiên là mức thuế cơ bản 10% áp dụng cho tất cả các quốc gia.

Ngoài ra, một số quốc gia sẽ phải gánh chịu một mức thuế “đối ứng” được tính toán riêng cao hơn mức 10% đó. Đây là những quốc gia được Mỹ cho là “vi phạm nghiêm trọng” về rào cản phi thuế quan.

Mức thuế đối ứng (được ông Trump gọi là đã “chiết khấu” rồi) sẽ bằng một tỷ lệ (chẳng hạn nhiều quốc gia là một nửa) tổng giá trị “thuế” mà chính quyền Hoa Kỳ tính toán rằng các quốc gia đã áp đặt lên Mỹ. Mức thuế mà Mỹ cho rằng các quốc gia áp đặt lên Mỹ bao gồm cả rào cản thương mại và thao túng tiền tệ. Rào cản thương mại cũng bao hàm những mục như thuế giá trị gia tăng vượt trội, trợ cấp xuất khẩu và hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Ví dụ, tổng mức thuế và rào cản thương mại của Trung Quốc đối với Mỹ được tính là 67%, vì vậy, mức thuế đối ứng đã chiết khấu của Mỹ áp dụng cho Trung Quốc là 34% (gần bằng một nửa mức đó).

Tương tự, Việt Nam bị cho rằng đã áp mức thuế và rào cản thương mại 90% với Mỹ, nên bị áp mức thuế 46%.

Vậy thì ở đâu ra con số 90% đó? Đó là vì họ áp dụng một công thức được Nhà Trắng công bố, mà hiểu nôm na là ông Trump muốn cân bằng thương mại giữa hai nước. Thành phần quan trọng trong đó là thâm hụt thương mại giữa hai nước, điều chỉnh cho độ co giãn của nhập khẩu và mức độ thuế quan ảnh hưởng đến giá nhập khẩu.

Lựa chọn các tham số cho công thức này là tùy theo nhóm chuyên gia của ông Trump lựa chọn để ra con số 90%. Vì vậy, chúng ta cần chú ý về câu chuyện độ co giãn và thuế quan, mà thực tế đằng sau là liên quan đến các hàng rào thuế quan và phi thuế quan ở Việt Nam.

Những ngành nào bị tác động?

Theo phân tích từ các công ty đầu tư ở Mỹ, những cổ phiếu các ngành da giày, nội thất và đồ chơi tại Mỹ đang bị ảnh hưởng nặng, dẫn đầu là Nike.

CNBC nhận định áp thuế 46% đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam “có thể sớm làm tăng chi phí cho các tập đoàn lớn trong lĩnh vực may mặc, nội thất và đồ chơi và một số công ty có thể chuyển phần chi phí tăng thêm này sang người tiêu dùng dưới hình thức tăng giá. Các mức thuế đối với Việt Nam sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4/2025.”

Trong khi đó, một số ngành lại tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi loại thuế quan được cho là có qua, có lại này của ông Trump. Ví dụ là sắt, thép, nhôm, đồng, vàng.

Tuy nhiên, đây chỉ mới là những đánh giá ban đầu và tập trung vào doanh nghiệp nhập khẩu Mỹ bị ảnh hưởng. Những nhóm ngành như thủy sản của Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng mạnh vì thuế suất hiện tại thấp xa với mức 46%.

Tiếp theo sẽ là gì?

Rõ ràng, Tổng thống Mỹ đưa ra các mức thuế quan này chỉ là một bước khởi đầu. Họ đã dự tính trước các nước sẽ cần đàm phán để giảm thuế suất và đây sẽ là một cuộc chơi dài hơi. Mặt khác, công thức đánh thuế thương mại đối ứng vừa được Nhà Trắng công bố gợi ý rằng họ muốn cân bằng thương mại hai nước, tính đến cả các yếu tố thuế quan và phi thuế quan. Điều đó có nghĩa rằng, Việt Nam sẽ phải nhìn nhận đến tất cả các lựa chọn thuế quan lẫn phi thuế quan trong đàm phán, bao gồm thuế giá trị gia tăng, điều kiện gia nhập thị trường, phí và cả câu chuyện tỷ giá (vì họ có đề cập đến cả thao túng tiền tệ).

Điều quan trọng là Việt Nam không nên có động thái đáp trả về thuế quan, mà nên lựa chọn thương lượng.

Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) vừa đưa ra một cảnh báo cho rằng, đây một cú sốc đối với hệ thống thương mại toàn cầu, nhưng không nhất thiết phải dẫn đến một cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Cách các quốc gia khác phản ứng với các mức thuế mới sẽ quyết định quy mô và mức độ tác động kinh tế từ ‘Ngày Giải phóng’ của ông Trump.

Tổ chức này cho rằng, các chính phủ cần giảm leo thang căng thẳng ở mức tối đa, bởi vì trả đũa thuế quan chỉ dẫn đến một cuộc chơi mà tất cả đều thua.

Thuế quan đối ứng với một số quốc gia và nền kinh tế châu Á

Khuôn khổ đánh thuế và công thức đánh thuế được Nhà Trắng công bố:

https://ustr.gov/issue-areas/reciprocal-tariff-calculations

https://www.whitehouse.gov/fact-sheets/2025/04/fact-sheet-president-donald-j-trump-declares-national-emergency-to-increase-our-competitive-edge-protect-our-sovereignty-and-strengthen-our-national-and-economic-security/

Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh)

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thue-quan-doi-ung-46-va-90-d261789.html
Zalo