Các quốc gia định hình tương lai qua chính sách dân số
Vụ Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (UN DESA) vừa phối hợp với nhiều ban ngành và các tổ chức liên quan để trình bày phân tích toàn diện về những thay đổi trong nhân khẩu học, vấn đề được nhận định sẽ định hình thế kỷ 21.

Thế giới đang nỗ lực giải quyết bài toán khó về nhân khẩu học toàn cầu. Ảnh minh họa: baoquocte.vn
Dựa trên dữ liệu từ 197 quốc gia, báo cáo cho thấy các chính sách quốc gia đang phát triển như thế nào để ứng phó với những thay đổi nhân khẩu học chưa từng có này.
Câu chuyện về hai xu hướng: Tỷ lệ sinh cao và suy giảm dân số
Một trong những chủ đề chính của báo cáo là sự phân kỳ toàn cầu về xu hướng dân số.
Trong đó, khu vực châu Phi cận Sahara tiếp tục chứng kiến sự gia tăng dân số nhanh chóng. Điều này được thúc đẩy bởi tỷ lệ sinh cao và mức độ cải thiện về khả năng sống sót của trẻ em. Ngược lại, các quốc gia ở châu Âu, Đông Á và một số khu vực của châu Mỹ đang phải vật lộn với tình trạng dân số giảm hoặc tỷ lệ dân số “đi ngang”, chủ yếu là do tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ ngày càng tăng.
Những thay đổi này có ý nghĩa sâu sắc đối với sự phát triển kinh tế, hệ thống bảo trợ xã hội và thị trường lao động của các quốc gia. Trước tình hình này, chính phủ các nước đang hành động vô cùng tích cực với nhiều chính sách khác nhau. Cụ thể, hơn 2/3 các quốc gia có tỷ lệ sinh thấp đã đưa ra các chính sách nhằm thúc đẩy tỷ lệ sinh, gồm ưu đãi tài chính, giảm thuế, kéo dài thời gian nghỉ thai sản của cha mẹ và trợ cấp chăm sóc trẻ em. Những biện pháp hỗ trợ này được thiết kế để việc sinh con trở nên thuận lợi và dễ quản lý hơn.
Ưu tiên chính sách cho từng quốc gia
Ở những khu vực có tỷ lệ sinh cao, đặc biệt là ở châu Phi và Nam Á, trọng tâm vẫn là giảm tỷ lệ sinh thông qua mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản và cải thiện giáo dục cho phụ nữ. Những can thiệp này được coi là chìa khóa, không chỉ để làm chậm tốc độ tăng trưởng dân số, mà còn để trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy phát triển bền vững.
Chính phủ các nước hiện đang điều chỉnh chính sách nhân khẩu học phù hợp với chính sách xã hội để thúc đẩy bình đẳng giới, cải thiện chất lượng sức khỏe và trình độ học vấn của người dân. Ở nhiều quốc gia, việc lồng ghép chính sách kế hoạch hóa gia đình vào các chiến lược phát triển toàn diện đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn những khoảng cách đáng kể, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và khu vực thu nhập thấp, nơi phụ nữ vẫn phải đối mặt với những rào cản trong việc tiếp cận các biện pháp tránh thai hiện đại. Cùng với đó, họ cũng khó tiếp cận các dịch vụ chăm sóc bà mẹ và nhận thông tin về sức khỏe tình dục.
Do đó, báo cáo nhấn mạnh rằng giải quyết những thách thức này là điều cần thiết để đạt được quá trình chuyển đổi nhân khẩu học công bằng và bền vững.
Xã hội già hóa và tương lai của công việc
Bên cạnh những khác biệt trong tỷ lệ sinh, vấn đề già hóa dân số cũng đang nổi lên như một trong những thách thức nhân khẩu học cấp bách nhất ở các nền kinh tế phát triển và mới nổi. Điều này được thể hiện rõ nhất khi tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh, đặc biệt là ở các quốc gia như Italy, Đức, Trung Quốc và Nhật Bản.
Sự thay đổi nhân khẩu học này gây ra nhiều tác động đối với kinh tế - xã hội, có thể kể đến như lực lượng lao động giảm, nhu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe tăng và áp lực ngày càng lớn lên hệ thống lương hưu. Để ứng phó, nhiều quốc gia đang thực hiện các bước để khuyến khích quá trình già hóa năng động và khỏe mạnh. Các chiến lược bao gồm tăng độ tuổi nghỉ hưu theo luật, khuyến khích người lao động lớn tuổi tiếp tục làm việc, thúc đẩy học tập suốt đời và nỗ lực tạo ra nơi làm việc hòa nhập với mọi lứa tuổi... Báo cáo nhấn mạnh những phản ứng chính sách này là rất quan trọng để duy trì công bằng giữa các thế hệ và khả năng phục hồi kinh tế.
Quản lý di cư: Cân bằng dòng chảy và hội nhập cộng đồng
Di cư quốc tế tiếp tục là một đặc điểm quan trọng của bối cảnh nhân khẩu học ngày nay, ảnh hưởng đến hầu như mọi khu vực. Với hơn 280 triệu người di cư quốc tế trên toàn thế giới, nhiều quốc gia đang phát triển các phương pháp tiếp cận phù hợp hơn nhằm tăng hiệu quả quản lý di cư. Những phương pháp này bao gồm chính sách thu hút lao động di cư có tay nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của sinh viên quốc tế và người lao động, đồng thời điều chỉnh dòng người tị nạn…
Hành động vì tương lai
Xuyên suốt báo cáo, một thông điệp thường trực là tầm quan trọng của việc đưa các chính sách dân số vào các nguyên tắc về quyền con người.
Các chính sách trao quyền cho cá nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái thông qua giáo dục, y tế và các cơ hội kinh tế được chứng minh là cách tạo ra kết quả nhân khẩu học bền vững nhất.
Khi các thách thức về nhân khẩu học trở nên phức tạp hơn, từ tình trạng di dân do khí hậu đến hậu quả kinh tế của già hóa dân số, các khuôn khổ chính sách thích ứng, hướng tới tương lai sẽ rất cần thiết.
Với tình hình nhân khẩu học của thế giới hiện nay, báo cáo kêu gọi các quốc gia coi các xu hướng nhân khẩu học không phải là trở ngại mà là cơ hội để định hình tương lai toàn diện, công bằng và bền vững.