Chủ động thích ứng, mở rộng thị trường
HNN.VN - 'Ứng phó của doanh nghiệp (DN) trước chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ là nội dung hội thảo được Sở Tài chính tổ chức trong ngày 24/5.Tham dự hội thảo có các ông: Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Đậu Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại hội thảo
Đa dạng hóa thị trường
Các chính sách điều chỉnh thương mại, đặc biệt là các chính sách thuế đối ứng giữa các nền kinh tế lớn như: Hoa Kỳ, Trung Quốc,… đang tạo ra những tác động không nhỏ đến hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư, sản xuất và chuỗi cung ứng của các DN Việt Nam, trong đó có các DN trên địa bàn thành phố. Việc Hoa Kỳ áp dụng hoặc điều chỉnh chính sách thuế đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam không chỉ là thách thức trước mắt, mà còn đặt ra yêu cầu lâu dài trong việc nâng cao tính minh bạch, xuất xứ rõ ràng và khả năng thích ứng của DN.
Trên địa bàn thành phố, số lượng DN có hoạt động liên quan lĩnh vực xuất nhập khẩu khá lớn. Tuy nhiên, số lượng bị tác động trực tiếp khoảng hơn 200 DN với các mặc hàng chủ yếu trong lĩnh vực may mặc như: nguyên phụ liệu, sản xuất sợi, dệt may, máy móc phụ tùng; linh kiện phụ tùng ô tô; sản phẩm dệt may, sợi, thủy sản…
Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin giúp DN đưa ra các giải pháp ứng phó hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế.
Ông Đậu Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI chỉ rõ, việc Hoa Kỳ áp mức thuế quan với hàng hóa Việt Nam tác động rất lớn đến cộng đồng DN. Trong đó, các DN sản xuất, xuất khẩu đi Hoa Kỳ bị tác động đặc biệt lớn, nhất là trong cạnh tranh thị phần, chuỗi cung ứng… Việc áp mức thuế quan này cũng sẽ tạo nên sự chuyển hướng thương mại, cũng như những nguy cơ cạnh tranh phức tạp ở các thị trường xuất khẩu khác… Từ đó, nguy cơ cạnh tranh ở thị trường nội địa sẽ mạnh mẽ hơn. Các tác động dây chuyền từ tài chính vĩ mô; thâm hụt thương mại; tình trạng thu hẹp sản xuất; thất nghiệp trong các ngành xuất khẩu; sụt giảm sản xuất công nghiệp, dịch vụ dẫn tới suy giảm tăng trưởng cũng có thể xảy ra.
Chính phủ đang triển khai rất nhiều giải pháp về giảm thuế suất nhập khẩu; đàm phán giảm thuế đối ứng của Việt Nam; các giải pháp đàm phán song phương đã được khởi động. Tuy nhiên, song hành với các giải pháp của Chính phủ, DN cũng phải có các giải pháp tự thân nhằm thích ứng phù hợp.

Ông Đậu Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng thư ký VCCI trao đổi cùng doanh nghiệp
Ông Đậu Anh Tuấn đề xuất, DN đang có các đơn hàng hiện có cần theo dõi sát động thái, phối hợp, đàm phán với nhà nhập khẩu; tranh thủ xuất hàng trong giai đoạn tạm hoãn thuế; từng bước điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu. DN phải chủ động đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong đó tận dụng các thị trường có FTA; thị trường nội địa. Từng bước cải cách, đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh trong đó tập trung cải thiện chuỗi cung ứng, nâng cao vị trí trong chuỗi giá trị; nâng cao năng lực cạnh tranh; định hướng kinh doanh bền vững.
Đồng thời kiến nghị Chính phủ cần có các hỗ trợ trực tiếp cho DN bị ảnh hưởng như: hỗ trợ về thủ tục xử lý các đơn hàng bị chậm, hủy; hỗ trợ về tín dụng, giãn hoãn nợ… để xử lý vướng mắc về dòng tiền. Các giải pháp hỗ trợ để đa dạng hóa thị trường; quảng bá, xúc tiến ở các thị trường khác; hỗ trợ kết nối đối tác, tận dụng FTA cũng cần được đẩy mạnh hơn.
Kiến tạo hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp năng động hơn
Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Quý Phương cũng chia sẻ, cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ liên quan đến việc đàm phán về mức thuế quan của Hoa Kỳ, vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (NQ68); Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Các nghị quyết này đã xác định khu vực kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cùng với đó những nội dung mang tính đột phá và “cởi trói” thực chất cho khu vực kinh tế tư nhân cũng được hiện thực. Đây sẽ là nền tảng thúc đẩy DN phát triển một cách toàn diện.

Các hoạt động hỗ trợ, xúc tiến thương mại được triển khai liên tục
Trên địa bàn thành phố, chính quyền rất quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số, thúc đẩy chuyển đổi số đồng bộ trong quản lý; tăng cường thực hiện các buổi tiếp xúc DN, thường xuyên tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho DN, nhà đầu tư thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động của 4 Tổ công tác do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng.
Cùng với đó, nhiều chính sách hỗ trợ DN trong chuyển đổi số, công nghệ; hỗ trợ tư vấn 1:1 về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ; hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân DN, hỗ trợ tiếp cận tín dụng,... cũng được triển khai và được cộng đồng DN ghi nhận.
4 năm liền, thành phố Huế có chỉ số PCI (chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc (TOP 10) cả nước. Năm nay, thành phố Huế còn xếp ở vị trí thứ 6 toàn quốc về chỉ số PCI, điều này không chỉ là sự ghi nhận, mà còn là động lực để thành phố Huế tiếp tục nỗ lực hơn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Huế Phan Quý Phương cho hay, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo đúng tinh thần NQ68, đồng thời kiến tạo một hệ sinh thái hỗ trợ DN năng động, hiện đại và hiệu quả. Chính quyền sẵn sàng lắng nghe, đồng hành và tháo gỡ mọi khó khăn mà DN gặp phải, giúp DN Huế có thể bứt phá trong thời kỳ hội nhập mới. Tuy nhiên, để phát triển bền vững trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động, thành phố cần sự hợp tác chặt chẽ từ các chuyên gia, cộng đồng DN. Những phản ánh từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh của DN sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố tiếp tục hoàn thiện chính sách, tháo gỡ khó khăn và có những điều chỉnh kịp thời, hiệu quả hơn.