Chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh
Hiện thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh truyền nhiễm phát triển. Đặc biệt những ngày qua, dịch bệnh Covid-19 có chiều hướng tăng nhẹ, vì vậy ngành y tế tỉnh và cả nước chủ động tăng cường công tác giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và giao UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Người dân chủ động đeo khẩu trang, sát khuẩn tay khi đến siêu thị, trung tâm
Khuyến cáo đeo khẩu trang phòng, chống Covid-19
Thông tin của Bộ Y tế cho biết dịch Covid-19 vẫn đang âm thầm diễn biến và có dấu hiệu gia tăng nhẹ trong cộng đồng. Đặc biệt trong 3 tuần gần đây, cả nước ghi nhận trung bình khoảng 20 ca mắc mới mỗi tuần, rải rác tại nhiều địa phương, nhưng chưa có ca tử vong và chưa phát hiện ổ dịch lớn.
Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước ghi nhận 148 trường hợp mắc Covid-19 tại 27 tỉnh, thành, không có tử vong. Trong tổng số 27 tỉnh, thành ghi nhận ca mắc Covid-19, Bình Dương ghi nhận 4 ca. Các trường hợp nhiễm bệnh đều có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng.
Mặc dù ghi nhận số ca mắc đang tăng nhẹ, nhưng tình hình dịch vẫn đang trong tầm kiểm soát, không xuất hiện các ổ dịch và không có trường hợp diễn tiến nặng. Bộ Y tế đánh giá khả năng xuất hiện ca bệnh nặng là rất thấp, nhưng số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi thời tiết chuyển mùa và hoạt động đi lại, giao lưu gia tăng.
Trong khi đó, dịch Covid-19 tại Thái Lan, tính từ đầu năm 2025 đến nay đã ghi nhận hơn 53.000 ca mắc. Trong đó, Bangkok là khu vực có số ca mắc cao nhất. Sự gia tăng này chủ yếu do biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron với đặc điểm lây lan nhanh, triệu chứng nhẹ. Một số quốc gia khác, như: Brazil, Anh cũng ghi nhận gia tăng ca mắc Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các nước duy trì các biện pháp phòng dịch cơ bản. Bộ Y tế khuyến cáo người dân đến, về từ các nước có số ca mắc Covid-19 cao cần chủ động theo dõi tình trạng sức khỏe, phòng chống bệnh cho bản thân, gia đình và người tiếp xúc gần.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, dịch bệnh Covid-19 hiện chưa đáng lo ngại, nhưng bệnh viện vẫn phát thông báo khuyến cáo người dân không nên chủ quan, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Bác sĩ Dương Tấn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết để chủ động ứng phó với dịch bệnh Covid-19, bệnh viện đang phối hợp với các cơ quan chức năng theo dõi sát diễn biến dịch, sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ người dân khi cần thiết.
Bệnh viện khuyến cáo người bệnh, thân nhân người bệnh đeo khẩu trang tại nơi công cộng, cơ sở y tế, hoặc khi có dấu hiệu ho, sốt. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Chủ động theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện bất thường như sốt, ho, đau họng, mệt mỏi…
Các loại bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp
Cùng với dịch bệnh Covid-19, các dịch bệnh truyền nhiễm khác cũng đang diễn biến phức tạp. Hiện thời tiết đang trong thời điểm giao mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền.
Điển hình cho nhóm bệnh truyền nhiễm đang gia tăng là bệnh tay chân miệng, tăng 1,9 lần so với cùng kỳ năm 2024. Thống kê tính đến hết tháng 4-2025, toàn tỉnh Bình Dương ghi nhận 1.091 ca mắc (cùng kỳ năm 2024 ghi nhận 582 ca); không ghi nhận ca tử vong. Các địa phương có ca mắc cao gồm: TP.Thuận An 302 ca; TP.Tân Uyên 216 ca; TP.Thủ Dầu Một 200 ca; TP.Bến Cát 138 ca; TP.Dĩ An 125 ca; huyện Bắc Tân Uyên 39 ca; huyện Dầu Tiếng 37 са; huyện Bàu Bàng 20 ca và huyện Phú Giáo 14 ca.
Trước tình hình dịch Covid-19 và các loại dịch bệnh truyền nhiễm khác đang có dấu hiệu gia tăng ca mắc, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; chủ động tích cực phối hợp với ngành y tế và các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng; tăng cường, rà soát, quản lý, không bỏ sót đối tượng tiêm chủng. Bố trí kinh phí, bảo đảm nguồn lực từ ngân sách địa phương để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
Bác sĩ Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút đường ruột gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc với nước bọt, dịch tiết mũi họng, các bọng nước vỡ của người bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Triệu chứng đặc trưng của bệnh là phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; loét miệng thường gặp ở vị trí vùng hầu họng, niêm mạc má, môi hoặc lưỡi; có thể sốt nhẹ từ 37,5-38 độ C.
Dấu hiệu trở nặng của bệnh: Trẻ bị sốt cao trên 38,5 độ C liên tục từ 2 ngày trở lên. Dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả. Trẻ giật mình khi ngủ, yếu tay, yếu chân, mạch nhanh. Phụ huynh cần theo dõi, nhận biết sớm được tình trạng bệnh của trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị, giúp hạn chế các biến chứng nặng và nguy cơ tử vong.
Hiện nay, vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng đã được nghiên cứu và chuẩn bị đưa vào cộng đồng. Bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu hiện nay là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để hạn chế lây nhiễm.